06/08/2020 11:15 GMT+7 | Giải trí
(Thethaovanhoa.vn) - Đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề tới mọi phương diện trong đời sống cũng như tới mọi tầng lớp xã hội trên toàn cầu. Và không ngoại lệ, những người làm nghề geisha - vốn đã phát triển từ nhiều thế kỷ ở Nhật Bản - cũng đang phải chật vật tìm cách sinh tồn trong cuộc khủng hoảng này.
Geisha (nghệ giả, nghĩa đen là "con người của nghệ thuật") là những nghệ sĩ vừa có tài ca múa nhạc lại vừa có khả năng trò chuyện. Đây là một loại hình nghệ thuật giải trí truyền thống lâu đời của Nhật Bản vốn phát triển rất mạnh trrong thế kỷ 18 và 19. Nếu so sánh, Geisha có vài nét tương đồng với ả đào trong văn hóa Việt xưa.
Từng “ngồi không” trong nhiều tháng
Bà Ikuko (80 tuổi), “chị đại” của quận geisha Akasaka ở Tokyo, đã tới thủ đô của xứ sở Mặt trời mọc để tìm kiếm vận may của mình từ năm 1964, năm Tokyo lần đầu tiên đăng cai tổ chức Olympic. Từ đó đến nay bà đã sống với nghề của mình và chứng kiến những hưng thịnh trong nghề, nhưng đại dịch COVID-19 đã khiến bà lo sợ cho nghề nghiệp của mình hơn bao giờ hết.
Mặc dù số lượng geisha - vốn luôn “hút hồn” khách với cách trò chuyện dí dỏm, vẻ đẹp và kỹ năng trong nghệ thuật truyền thống - đã giảm trong nhiều năm qua, song Ikuko và các đồng nghiệp của bà đã lâm vào tình trạng mất việc trong nhiều tháng khi Nhật Bản công bố tình trạng khẩn cấp và quy định thực hiện cách ly xã hội trong bối cảnh đại dịch.
“Khi tôi tới Akasaka hồi năm 1964, ở đây có tới hơn 400 geisha, đông quá nên tôi cũng không nhớ tên nhiều người. Nhưng thời thế đã đổi thay. Hiện chỉ còn 20 người và các hợp đồng thuê geisha tham dự các cuộc tụ họp và tiệc không nhiều. Chúng tôi cũng không dám nhận những người học việc mới” - bà Ikuko cho biết.
Đối diện với nhiều khó khăn trong đại dịch COVID-19, nhiều người phải cân nhắc tới các khoản chi phí. Do vậy, khá dễ hiểu khi nhiều khách hàng hạn chế lui tới những căn phòng thanh lịch có cửa đóng kín, nơi họ được geisha trò chuyện và phục vụ trong hàng giờ để quên đi những áp lực trong cuộc sống. Cho dù, các hợp đồng thuê geisha đã giảm 95% và đi kèm với các quy tắc mới: Không rót đồ uống cho khách hàng hoặc chạm vào họ, thậm chí là bắt tay, và ngồi cách nhau 2m.
Có điều, các geisha rất khó đeo khẩu trang khi họ phải đội những bộ tóc giả được làm rất phức tạp. “Khi bạn ngồi gần khách, bạn có thể nói chuyện với cảm xúc, niềm đam mê của mình. Khi ngồi cách nhau 2m, cuộc trò chuyện chẳng còn sức truyền cảm nữa” - Ikuko nói.
Một nét văn hóa đang mất
Geisha không phải là nghệ sĩ Nhật Bản duy nhất đang lâm vào tình trạng khó khăn. Các nghệ sĩ biểu diễn “ji jiutamai” - một kiểu nhảy của phụ nữ xưa - cũng như các nghệ sĩ trang điểm, nghệ nhân làm tóc giả và thợ may kimono, cũng bày tỏ nỗi lo lắng khi dịch COVID-19 càng làm bế tắc thêm nghề nghiệp của họ.
Mặc dù cố đô Kyoto nổi tiếng nhất với nghề geisha, và Tokyo hiện có 6 quận geisha, nhưng giờ nhiều người trẻ không muốn làm nghề này do sự khắt khe của cuộc sống geisha với hàng giờ thực hành nghệ thuật.
Cách đây 30 năm, Akasaka từng có 120 geisha. Giờ cả Tokyo chỉ có khoảng 230 geisha. Học phí cho các đợt đào tạo này đều rất tốn kém. Thực tế, mức lương của geisha phụ thuộc vào danh tiếng của mình. Trong khi đó, một số kỹ năng, như cách trò chuyện dí dỏm khiến các geisha lớn tuổi như Ikuko đặc biệt nổi tiếng, thì phải qua thời gian mới có thể đạt được.
“Thu nhập của chúng tôi giảm xuống còn con số 0” - bà Ikuko thổ lộ. “Tôi vẫn còn một chút tiền dành dụm được, nhưng với thu nhập như vậy thì những người trẻ hơn sống rất khó khăn”.
Geisha Mayu (47 tuổi) thì cho biết: “Trong tôi đầy những lo âu. Tôi đã sắp xếp những bộ kimono của mình. Nghĩ đến làn sóng dịch COVID-19 thứ 2 thật đáng sợ”.
Giờ đây, những người phụ nữ trẻ muốn trở thành geisha thường bắt đầu đợt đào tạo sau khi đã hoàn thành trung học cơ sở hay thậm chí trung học phổ thông hoặc đại học. Nhiều người bắt đầu nghề nghiệp của họ khi đã ở tuổi trưởng thành. Geisha vẫn học những nhạc cụ truyền thống như “shamisen” (nhạc cụ 3 dây hay còn được gọi là đàn tam Nhật Bản), “shakuhachi” (sáo trúc) và trống cũng như những bài hát truyền thống, múa cổ điển Nhật, trà đạo, “ikebana” (cắm hoa Nhật), văn học và thơ ca.
Từ việc quan sát các geisha khác cùng với sự giúp đỡ của chủ nhà geisha, những người học việc cũng trở nên điêu luyện trong các truyền thống phức tạp xung quanh việc lựa chọn và mặc kimono, cũng như cách cư xử với khách hàng.
Geisha thường xuyên mặc kimono, trong đó geisha tập sự mặc bộ kimono có nhiều màu sắc với nơ lưng (obi) rất to, còn geisha lớn tuổi hơn mặc trang phục với kiểu dáng và hoa văn dịu nhẹ hơn.
Ngoại hình của một geisha thay đổi theo nghề nghiệp, geisha học việc (maiko) thì có kiểu trang điểm trẻ trung, đậm, trong khi geisha lớn tuổi và có tiếng thì được trang điểm trầm hơn.
Duy trì văn hóa geisha bằng mọi cách giá
Song những người làm nghề geisha không dễ dàng chấp nhận để mình rơi vào hoàn cảnh khó khăn ấy. Họ đang xúc tiến mọi nỗ lực để cải thiện tình hình.
“Chúng tôi đang sắp xếp mọi thứ ở những căn phòng rộng nhất có thể. Chúng tôi làm bất cứ điều gì để duy trì được văn hóa geisha” - theo Shota Asada, chủ sở hữu của nhà hàng sang trọng, nơi vốn có nhiều khách hàng lui tới để geisha “giải khuây”.
Michiyo Yukawa, một cựu geisha sở hữu một quán bar ở Akasaka và thường xuyên tổ chức các sự kiện geisha, nghĩ rằng geisha có thể cần phải thích nghi để những người bình thường hơn có thể đánh giá đúng được sự quyến rũ của họ.
“Họ có vẻ đẹp đặc biệt” - Yukawa khẳng định - “Họ đã trải qua quá trình đào tạo mà người khác không có. Họ đã chi rất nhiều tiền cho công việc này - và nó đã khiến họ trở nên đặc biệt. Thật buồn nếu như nghề geisha không thể tồn tại”.
Ikuko lo ngại một đại dịch kéo dài có thể khiến một số geisha bỏ cuộc. “Hiện tại, đây là điều tồi tệ nhất trong những điều tồi tệ nhất. Làm thế nào để chúng tôi vượt qua? Lo lắng này làm hao tổn cả tâm trí và sức lực của chúng tôi”.
Theo truyền thống, geisha không được kết hôn hoặc khi kết hôn thì phải kết thúc sự nghiệp. Tuy nhiên, việc họ có con không phải là chuyện hiếm. Mặc dù nhiệm vụ của geisha thường có cả tán tỉnh và khêu gợi nhưng họ không bao giờ có quan hệ giường chiếu với khách hàng và không được trả tiền cho hoạt động đó. |
Việt Lâm (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất