Tôn vinh Hà Nội bằng những ý tưởng táo bạo

29/08/2011 10:43 GMT+7 | Giải Bùi Xuân Phái

(TT&VH) - Cùng với Giải thưởng Lớn và các giải Tác phẩm, giải Việc làm, năm nay, Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội tiếp tục tìm kiếm các ý tưởng xuất sắc để tôn vinh trong hạng mục Giải Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội. Đây là hạng mục giải khó “định giá” hơn cả, bởi Hội đồng giám khảo còn phải tính toán cả đến tính khả thi của chúng.

1. Năm 2009, giải Ý tưởng được trao cho các KTS trẻ thuộc nhóm “3D Hà Nội” và mạng Ashui.com trong đề án phục dựng phố cổ, phố cũ Hà Nội bằng công nghệ 3D. Năm ngoái, ở hạng mục này, giải đã trao cho Đồ án “Cung đường hòa bình” của nhóm KTS Hoàng Thúc Hào - một đồ án độc đáo và sáng tạo đã “đánh thức” được bức tường bao của thành Thăng Long xưa - mà nay là một đoạn đường Bưởi.

Năm nay, ý tưởng tổ chức “phố đi bộ” quanh khu vực quanh Hồ Gươm và tiếp theo đó là cả khu 36 phố phường đã gây được sự chú ý của công luận. Không chỉ nhằm tạo ra các tuyến phố đi bộ, mà ý tưởng này còn nhằm biến không gian xanh quanh Hồ Gươm thành nơi phục vụ các hoạt động triển lãm, biểu diễn nghệ thuật ngoài trời.

Một ý tưởng khác rất táo bạo là ý tưởng nối sông Tô Lịch với sông Hồng của trung tá Đào Văn Hà, hiện đang công tác tại PA36 CA Hà Nội. Theo đó, từ năm 2004, trung tá Đào Văn Hà, đã dành trọn những ngày nghỉ để đi khảo sát thực địa nhằm “cứu sống” con sông đang có dấu hiệu “chết lâm sàng” này của Hà Nội bằng cách đào kênh để nối với sông Hồng. Theo tính toán của anh, đoạn kênh nối này dài 4,5km. Mở đầu từ cửa sông Nhuệ (cống Chèm), dẫn nước qua cánh đồng xã Đông Ngạc, Xuân La vào thượng nguồn sông Tô Lịch. Nguồn nước này sẽ “rửa” dòng chảy vốn ô nhiễm nặng ở sông Tô Lịch, làm cho sông trong xanh trở lại. Anh cũng lường trước việc vào mùa khô, mực nước sông Hồng thấp sẽ không chảy vào kênh đào nên tận dụng hệ thống trạm bơm Thụy Phương. Con kênh này sẽ được xây dựng trên nền sông Thiên Đức (nay biến thành mương thoát nước) và một phần trên cánh đồng nên không phải nặng công tác giải phóng mặt bằng.

KTS Hoàng Thúc Hào và cộng sự nhận giải Ý tưởng - Giải thưởng Bùi Xuân Phái
- Vì tình yêu Hà Nội năm 2010

Dòng kênh sẽ chảy vào sông Tô Lịch theo hai nhánh: Nhánh chính tiếp tục chảy vào cống thoát nước thải ven đường Nguyễn Văn Huyên - Nguyễn Khánh Toàn rồi đổ vào sông Tô Lịch đoạn cầu Quan Hoa; nhánh phụ chảy vào đường thoát nước thải từ đường Nguyễn Văn Huyên rồi đổ ra sông Tô Lịch ở dốc Bưởi.

Ngoài ra dòng kênh này còn có tác dụng tiêu nước mùa mưa lũ từ phía Bắc sang phía Nam thành phố. Tác giả của ý tưởng này còn đề xuất việc xây dựng hai nhà máy xử lý nước thải khu vực cuối sông Tô Lịch và khu vực Hoàng Quốc Việt.

2. Như chúng ta đã biết, không gian công cộng của Hà Nội đang đứng trước những thử thách khắc nghiệt do quá trình đô thị hóa. Làm thế nào để cải tạo không gian công cộng của thành phố, nhưng không phá vỡ cấu trúc vốn có của nó là nỗi trăn trở không của riêng ai.

Đầu tiên phải kể đến ý tưởng táo bạo của KTS Nguyễn Văn Quang. Với một góc nhìn khác về sự chuyển mình của quá trình đô thị hóa, gần 5 năm qua, anh và các cộng sự đã phát triển dự án nhà ở với tên gọi “Dự án Utopia”. Dự án sẽ cải tạo hoàn toàn bãi giữa sông Hồng thành một “thành phố” với khoảng gần 3 triệu dân và họ hoàn toàn có thể tự cung, tự cấp về lương thực thực phẩm, nhu cầu về nghỉ ngơi, giải trí ngay tại thành phố của mình mà không cần phải “quá giang” vào nội thành. Dự án hy vọng sẽ góp phần xây dựng Hà Nội trở thành một thành phố chuẩn xanh - sạch - đẹp...

Anh Quang cũng hy vọng sẽ có cơ hội để trình bày ý tưởng đó với các nhà quản lý đô thị - những người có quyền quyết định về việc thay đổi quy hoạch của Hà Nội trong tương lai. May mắn dự án của anh đã được đạo diễn Nguyễn Mạnh Hà giới thiệu trong bộ phim City of a thousand years (tạm dịch: Thành phố ngàn năm), đoạt giải thưởng “Lần đầu làm phim với Discovery”. Bộ phim này cùng 3 bộ phim đoạt giải khác của cuộc thi đã được phát sóng trên kênh truyền hình Discovery tháng 5 vừa qua.

Lễ công bố và trao giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2011 sẽ diễn ra vào 15h ngày 31/8 tới tại 79 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Danh sách các đề cử chính thức cho các hạng mục của giải thưởng sẽ được báo TT&VH công bố trên số báo ngày mai.

Một ý tưởng khác, hay nói cho đúng hơn là một “siêu dự án” cũng liên quan đến bãi giữa sông Hồng như dự án Utopia, nhưng có chiều sâu về lịch sử văn hóa hơn. Đó là dự án cải tạo khu vực cầu Long Biên của KTS Nguyễn Nga, chủ nhân Ngôi nhà nghệ thuật (31A - Văn Miếu) cùng các cộng sự. Trong đó, mục đích chính là biến cây cầu này thành một bảo tàng lịch sử cận đại. Cầu sẽ được nâng cao 3m cho tàu thuyền đi lại, được nới rộng với mục đích du lịch lịch sử. Đường ray giữa cầu sẽ thành nơi để những chiếc đầu tàu hơi nước cổ chạy, trong đó là các quán cafe và nhà hàng... Những nhịp cầu sẽ được bao phủ bởi những tấm kính, trong đó sẽ là những phòng trưng bày, nhà hàng...

Ngoài ra, bà Nguyễn Nga cũng đề xuất các quy hoạch quanh cầu như: Phần giầm cầu gồm 131 vòm cầu dọc phố Gầm Cầu và Phùng Hưng sẽ được cải tạo thành những khu vườn treo, tạo ra những phòng triển lãm nghệ thuật truyền thống. Sẽ có một phố đi bộ mang tên Đại lộ Hòa bình dài 4km từ Nhà hát Lớn, đi qua vườn hoa Lý Thái Tổ, hồ Hoàn Kiếm, Hàng Ngang, Hàng Đào, qua những con đường của 36 phố phường xưa, rồi lên cầu Long Biên... Sẽ biến bãi giữa sông Hồng thành công viên nghệ thuật...

3. Không hoành tráng như “siêu dự án” về cầu Long Biên; trái lại có mong muốn ít “phá dỡ” nhất hiện trạng vốn có, mà vẫn đem lại hiệu quả xã hội rộng rãi. Đó là mục tiêu của cuộc thi thiết kế “Công viên Thống Nhất cho tất cả mọi người” do Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu toàn cầu hóa (ĐH Hawai, Hoa Kì), Trung tâm hỗ trợ và phát triển cộng đồng Lạc Việt và mạng Ashui.com phối hợp tổ chức. Cuộc thi nhằm tìm kiếm các ý tưởng, giải pháp để cải tạo Công viên Thống Nhất; mà trọng tâm là nhằm sắp xếp, cấu trúc lại không gian hiện có của nó để nó gần gũi hơn, thích ứng hơn với tất cả cộng đồng. Có rất nhiều ý tưởng, giải pháp đã được gửi đến BTC cuộc thi. Chẳng hạn như giải pháp phá bỏ tường rào bao quanh công viên để công viên thực sự rộng mở, gần gũi với cộng đồng. Hay giải pháp phá bỏ hàng rào ngăn cách giữa công viên với Rạp Xiếc Trung ương để “kéo” rạp xiếc vào thành một bộ phận của công viên. Hay giải pháp xây dựng cầu vượt bộ hành, nối từ khu vực trước các cổng của Công viên, băng qua đường Lê Duẩn hay đường Trần Nhân Tông để sang hai hồ lân cận là hồ Ba Mẫu và hồ Thiền Quang. Trên các cầu vượt sẽ trồng hoa và cây leo để tạo nên tính liên tục về cảnh quan giữa Công viên Thống Nhất với khu vực lân cận...

Sau gần một tháng phát động (từ 21/6 - 16/7), Cuộc thi thiết kế Công viên Thống Nhất đã nhận được 22 đề án và đã trao được 1 giải Nhất và 2 giải Nhì. Mặc dù giải thưởng có “phân ngôi cao thấp”, song cả 3 đề án đều đưa ra được các giải pháp có tính khả thi cao mà lại ít phải “phá dỡ” nhất đối với hiện trạng hiện có của công viên.

Sau khi kết thúc cuộc thi, đề án giải Nhất sẽ được hoàn thiện và gửi lên UBND thành phố Hà Nội, rồi đưa ra triển lãm để lấy ý kiến của cộng đồng. Được biệt, cuộc thi thiết kế “Công viên Thống Nhất cho tất cả mọi người” sẽ là tiền đề cho cuộc vận động thiết kế các công viên khác trong toàn thành phố Hà Nội nhằm mục đích tương tự.

***

Từ sự phân tích trên cho thấy các ý tưởng nêu trên đều đã đáp ứng được các tiêu chí để đề cử hạng mục giải Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội. Tuy nhiên, đề cử nào sẽ “ẵm giải” Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội năm 2011 còn phải chờ vào quyết định cuối cùng của Hội đồng giám khảo gồm các tên tuổi như: Nhà thơ Bằng Việt (Chủ tịch HĐGK Giải thưởng); nhà báo Ngô Hà Thái, Phó Tổng giám đốc TTXVN; nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc; họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN và KTS Đoàn Đức Thành.

Mời bạn đọc truy cập website chính thức của Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội tại đây.


Huy Thông

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link