Từ chuyện 'những kẻ lắm lời': 'Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau' hay là… ?

06/12/2015 12:37 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Một chương trình talk show nhận phản ứng dữ dội từ một bộ phận công chúng vì những lời lẽ “xấu xí”, trong khi chủ nhân của nó cho rằng bởi tại mình nói sự thật.

Vài ba công dân nhận xét về người lãnh đạo địa phương trên mạng xã hội bị xem là vi phạm… Vậy, trong cuộc sống hiện đại, lựa chọn “Lời nói chẳng mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” hay “Thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng”? Làm sao để người nói có thể “nói thật” và người nghe “chấp nhận sự thật” một cách hiệu quả nhất? Ý kiến của các khách mời chuyên mục này thể hiện quan điểm cá nhân của họ.

PGS Văn Như Cương (Chủ tịch HĐQT Trường Lương Thế Vinh, Hà Nội): “Nói thật” trên mạng xã hội còn lắm việc phải bàn!

Sự bùng nổ mạnh mẽ của Internet, sự cởi mở của Facebook, và thói quen đưa mọi thứ lên Facebook đang lan tràn trong xã hội Việt Nam, do vậy cách xử sự trên Facebook cũng còn lắm việc phải bàn, làm thế nào cho hợp lý, cho đúng... đang khiến chúng ta lúng túng.


PGS Văn Như Cương

Một công dân có quyền nhận xét về cấp trên, về những người lãnh đạo của mình, không chỉ chủ tịch tỉnh mà cao hơn nữa. Một nhận xét về khuôn mặt kênh kiệu mà tất cả quyền lực tập trung vào kết tội là sai. Và ngay trong việc rút kinh nghiệm của An Giang là chưa đủ...

Trong trường học, có nguyên tắc giáo dục khác. Nhà trường muốn giáo dục học sinh không phải chỉ thực hiện đúng pháp luật mà phải rèn luyện kỹ năng sống, nhân cách đạo đức... Học sinh viết Facebook mà nói xấu bố mẹ, có thể không liên quan đến trường nhưng chúng tôi phải góp ý. Nếu vi phạm nhiều lần phải có hình thức kỷ luật và không căn cứ vào một pháp lý nào cả. Vì thế, khi em nói xấu thầy cô giáo cũng là phạm vào nội quy của nhà trường.

Ca sĩ Hà Linh: Phải học, phải biết yêu thương...    

Một nửa sự thật không bao giờ là sự thật. Kể cả sự thật tàn khốc và khó chấp nhận với người nghe, thì ta vẫn có trách nhiệm phải nói ra đầy đủ sự thật, bằng một hoặc nhiều cách. Trong vô vàn cách đó có cách “lựa lời”. Lựa lời để người nghe có thể chấp nhận nghe, lựa lời để vẫn có thể nói ra đầy đủ sự thật mà không làm tổn thương người khác. Đâu có gì là khó. Chỉ cần có đủ sự cảm thông và quan tâm, thì ai cũng có thể làm được. Hiệu quả của nó khác nhiều so với việc nói ra sự thật một cách huỵch toẹt, thô lỗ, làm tổn thương đến người nghe.


Ca sĩ Hà Linh

Chắc hẳn bạn đã nghe nhiều về IQ và EQ? IQ là chỉ số thông minh. Còn EQ là chỉ số trí tuệ cảm xúc. Người có IQ cao là người thông minh. Người có EQ cao là người hiểu rõ bản thân mình, cũng như có sự thấu cảm và đồng cảm cao với những người xung quanh.

Cùng là nói ra sự thật, nhưng người có IQ và EQ cao sẽ chọn một cách thông minh nhất để vẫn có thể nói ra sự thật mà ít gây tổn thương nhất cho người nghe. Dĩ nhiên không ai bẩm sinh đã là thiên tài. Để có được sự thông minh, ta cần học. Để có thể có được sự đồng cảm, ta cần biết thương yêu. Văn hóa cư xử chỉ đơn giản như vậy thôi.

Đỗ Đức Sơn (học sinh 12 Văn - THPT Hà Nội – Amsterdam): Nói chỉ để “vừa lòng” sẽ không còn sự thật

Việc “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” theo tôi, chỉ đúng khi người mà mình đang nói chuyện cùng có khoảng cách tuổi tác khá lớn. Ví dụ như tôi nói chuyện với bố mẹ, thầy cô giáo... với sự lễ độ và sự tôn trọng là điều nên làm và phải làm. Còn áp đặt cái khuôn định nghĩa ấy vào trong cuộc sống mãi là điều không nên. Một cá nhân cần có tiếng nói và cá tính riêng, chứ không phải lúc nào cũng “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”... Hơn nữa, nếu nói ra mà chỉ để làm “vừa lòng” người khác thì đương nhiên, những điều nói ra sẽ không còn là sự thật.

Từng tiếp xúc với nhạc kịch, tôi rất thích vở Into The Woods. Trong vở có một câu hát của mụ phù thủy tôi thấy rất đúng, rất thật và rất thích: You’re Not Good.You’re Not Bad. You’re Just Nice (Tạm dịch: Bạn không tốt, cũng không xấu. Bạn đơn giản chỉ tử tế mà thôi) để ám chỉ cách sống của con người bây giờ: Thích làm người “tử tế” nói lời hay ý đẹp để kéo dư luận, số đông về phía mình, chứ không dũng cảm sống với bản chất của chính mình là “tốt” hoặc “xấu”. Đương nhiên “tử tế” cũng nên có, nhưng nếu lạm dụng thì sẽ thành giả tạo và gian dối.


Đỗ Đức Sơn

Chính vậy, trong lời nói (nếu có đụng tới người khác) thì nên chỉ dừng lại ở việc phê bình, đánh giá đơn thuần. Nhưng đó chỉ là lý thuyết. Trên thực tế, những điều liên quan tới lời nói rất khó kiểm soát, sẽ khác hẳn với việc viết ra thành chữ, điển hình là sự việc talk show Những kẻ lắm lời. Đối tượng được nhắc tới ở đây là những người nổi tiếng. Và đã là người nổi tiếng, thì công việc của họ là thu hút sự chú ý của đám đông.

Và đương nhiên, việc nhận những chỉ trích từ phía dư luận sẽ là không thể tránh khỏi. Nhưng tại sao những bình luận tục tĩu, khiếm nhã của antifan trên các status của ngôi sao thì ngôi sao không khởi kiện?

Ví như làm cô giáo thì thường xuyên hít phải bụi phấn, hay là học sinh thì sẽ gặp rắc rối với bài tập về nhà vậy. Vì vậy, tôi thấy cách nói của Những kẻ lắm lời hoàn toàn chấp nhận được, và nếu người nổi tiếng thấy bị xúc phạm thì có quyền kiện, vì luật đã có rồi.

Mục đích của Những kẻ lắm lờilà giải trí. Show lại được phát trên YouTube, người xem có quyền quyết định nên xem hay không, chứ không ai bắt người đó phải xem. Nếu xem mà thấy không đồng tình, thì nên tặng một nút dislike rồi tắt đi, chứ không nên thóa mạ 3 người dẫn.

Bản thân tôi rất thích xem Những kẻ lắm lời vì chương trình nói lên suy nghĩ của tôi về mọi vấn đề: Từ cách ăn mặc của các ngôi sao cho tới sự xuống cấp của phim Việt... Nếu mọi người chịu bỏ thời gian khoảng 15 phút ra xem mục Bictionary sẽ thấy mục đó lại mang tính giáo dục. Đơn cử là những sự việc như vệ sinh an toàn thực phẩm, hay cáp treo trong hang Sơn Đoòng...

An Như (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link