Đội tuyển Bỉ: Bóng đá hàn gắn một đất nước bị chẻ đôi

30/06/2014 22:37 GMT+7 | Hậu trường World Cup

(Thethaovanhoa.vn)- Một nhóm cổ động viên nói tiếng Pháp đang bắt xe taxi để tới theo dõi trận đấu của Bỉ tại World Cup. Đi tới từ hướng còn lại trên con phố Avenida Paulista nổi tiếng là các fan nói tiếng Hà Lan đang ồn ào tìm chỗ ăn trưa. Họ đi ngang qua nhau, lắng nghe và nhìn vào chiếc áo đỏ thuộc đội tuyển Bỉ mà những kẻ đối diện đang mặc. Đột nhiên họ giơ tay lên đập lấy tay nhau như những người bạn.

Tinh thần thể thao này ở Sao Paolo lại hiếm khi diễn ra trong bầu không khí chính trị ở thủ đô Brussels của Bỉ.

Trong một đất nước khổ sở vì chủ nghĩa ly khai chính trị, World Cup đã mang tới một chất keo kết nối đặc biệt. Dù khẩu hiệu của đất nước Bỉ: "L'Union fait la force — đoàn kết là sức mạnh" đang ngày càng trở thành "L'Union fait la farce — đoàn kết là trò cười, chẳng ai thấy phong độ của đội tuyển quốc gia sa sút.

Và đội tuyển Bỉ cũng không nên thua trước Mỹ, đối thủ tiếp theo của đội trong một mùa World Cup đang ngày càng thành công. "Các cầu thủ của tôi sẽ chơi hết sức vì nước Bỉ" - HLV Marc Wilmots, một cựu thượng nghị sĩ, người đã bênh vực ý tưởng về một quốc gia thống nhất nói.

Thủ tướng Elio Di Rupo, một nhân vật đã bênh vực nửa nói tiếng Pháp của Bỉ trước sự trỗi dậy của đảng N-VA nói tiếng Hà Lan, vô cùng vui sướng trước sự trỗi dậy của Quỷ Đỏ, đặc biệt là trong trận đấu sẽ diễn ra hôm thứ Ba trước đội Mỹ.

"Này @BarackObama, tôi cá vài ly bia Bỉ rất tuyệt rằng đội @BelRedDevils (Quỷ đỏ Bỉ) của chúng tôi sẽ vào tứ kết! " - ông nhắn tin lên Twitter hôm thứ Năm tuần trước sau chiến thắng 1-0 trước Hàn Quốc.

 
Sự chia rẽ được hàn gắn trên sân cỏ

Sự chia rẽ chính trị ở Bỉ khiến khẩu hiệu của đội tuyển Mỹ ở World Cup (Một đất nước. Một đội tuyển) đã gần như trở thành lời chế nhạo với người Bỉ.

Trong khi đấu trường chính trị ở Bỉ được cẩn thận chia nhỏ xuống từng ghế trong quốc hội để đảm bảo không mếch lòng 6,5 triệu người nói tiếng Hà Lan ở phương Bắc và 4,5 triệu người nói tiếng Pháp ở phương Nam, đội tuyển quốc gia lại là sự pha trộn của cả hai khối, không quan tâm tới số lượng.

Chính Wilmots đã là đại diện tiêu biểu về sự đoàn kết đặc biệt này vì ông là một người nói tiếng Pháp đã kết hôn với một người nói tiếng Hà Lan.

Tuy nhiên thể thao và chính trị là hai thứ không thể trộn lẫn. Trong khi đội tuyển quốc gia liên tục chiến thắng và lá cờ ba màu đen, vàng, đỏ đã được vô số fan Bỉ vẫy trên khán đài, nền chính trị của nước này lại tiếp tục rơi vào khủng hoảng.

Các cuộc bầu cử diễn ra hồi tháng trước khiến đảng khu vực N-VA của những người nói tiếng Hà Lan đã trở nên mạnh hơn và hậu quả là hoạt động thương thảo thành lập chính quyền giữa 2 phe đã sa lầy.

Cách đây 4 năm, hoạt động bầu cử đã dẫn tới việc 2 phe phải thương thảo trong vòng kỷ lục 541 ngày - tức 1 năm rưỡi, mới có thể thành lập được chính quyền hiện nay với ông Di Rupo ngồi ghế Thủ tướng.

Ông Di Rupo xuất thân từ vùng Wallonia (khu vực chủ yếu nói tiếng Pháp ở Bỉ) nghèo hơn và thường nghiêng về sự đoàn kết quốc gia, bởi nó khó có thể tự tồn tại về mặt kinh tế. Dựa vào thực tế này Đảng N-VA đã vận động tranh cử với tuyên bố vùng Wallonia là gánh nặng với vùng Flemish (khu vực chủ yếu nói tiếng Hà Lan).

Tại World Cup, sự chia rẽ này không nằm trong mối bận tâm của các cầu thủ. "Chúng tôi vẫn chưa có chính quyền nhưng chúng tôi chẳng quan tâm. Chúng tôi sẽ giữ đất nước đoàn kết" - Nicolas Lombaerts, trung vệ đã tham gia trận đấu thắng lợi trước Hàn Quốc nói.

Các fan của đội tuyển cũng có chung suy nghĩ như thế. "Chỉ có 1 nước Bỉ, với khối nói tiếng Hà Lan và khối nói tiếng Pháp đoàn kết" - Yves Hauglustaine, một người Bỉ nói tiếng Pháp mới về hưu cho biết.

Sự khác biệt giữa thái độ chính trị và tình cảm dành cho bóng đá của dân Bỉ khiến người ngoài cuộc kinh ngạc.


CĐV Bỉ trên khán đài World Cup

Tuy nhiên theo chuyên gia chính trị Dave Sinardet, sự khác biệt này là có thể hiểu được. Ông đánh giá nền chính trị ở Bỉ gần như đã chia thành 2 nửa riêng biệt, bị trói chặt trong khuôn khổ ngôn ngữ mà từng khu vực sử dụng, tại đó một cử tri nói tiếng Hà Lan sẽ không bao giờ có thể bầu cho một đại biểu nói tiếng Pháp và ngược lại.

Cùng thời điểm, bóng đá chỉ có thể thành công nếu sự chia rẽ này bị xóa bỏ. "Người Bỉ có những động cơ lợi ích mạnh mẽ trong việc hợp tác cùng nhau để thắng World Cup" - Sinardet, người là giáo sư tại Đại học Brussels đánh giá.

Rất hiếm khi 2 nửa của nước Bỉ có những lý do để vui chung với nhau. Ngoài bóng đá, hoàng gia là một yếu tố đoàn kết khác. "Người Bỉ hiển nhiên không phải các cá nhân yêu nước nồng nàn nhất, nhưng sự thắng lợi của Quỷ Đỏ đã giúp đưa các cảm xúc ấy nổi lên bề mặt" - Sinardet đánh giá.

Thắng lợi trong bóng đá đã khiến Wilmots rất tự hào trong vai trò HLV. Ông đặc biệt yêu thích việc các chiến thắng được cả nước tung hô. Giờ các sân vận động ở Bỉ đã đầy chật fan hò hét cuồng loạn khi theo dõi từng trận đấu của đội tuyển được phát trực tiếp trên màn hình lớn. Tuy nhiên trước đó không lâu, đã có lúc Liên đoàn bóng đá Bỉ còn chẳng thể kiếm đủ khán giả để lấp đầy một sân bóng, dù họ đã phát không vé vào cửa.

"Người ta thường phát không áo đội tuyển quốc gia để rồi thấy những chiếc áo bị trả lại. Giờ thì khán giả phải giành giật từng chiếc áo với nhau" - Wilmots cho biết.

Võ Long
Theo Yahoo Sports

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link