19/07/2011 14:44 GMT+7 | Âm nhạc
(TT&VH) - Album Ôi một người con gái (gồm 7 ca khúc phổ thơ Bùi Giáng của Trần Quế Sơn, do Quang Hào thể hiện) sẽ được Phương Nam Phim phát hành trong tháng 8/2011. Sau album này, Trần Quế Sơn dự kiến ra mắt album nhạc phổ thơ Bùi Giáng do nhiều ca sĩ hát, vì anh đã viết được 20 bài. Anh cũng dự định thực hiện một đêm nhạc phổ thơ Bùi Giáng quy mô tại TP.HCM, hoặc nhân ngày mất của thi sĩ Bùi Giáng (7/10), hoặc nhân ngày sinh (17/12). TT&VH có cuộc trò chuyện với Trần Quế Sơn về việc phổ thơ này, mà nói như anh, “nó làm tôi có suy nghĩ và cách sống khác đi”.
* Người nghe sẽ tự đoán ra nhiều lý do về chuyện anh đến với việc phổ thơ - cảm thơ Bùi Giáng để chuyển thể thành ca khúc. Với anh, lý do chính là gì?
- Thơ của thi sĩ Bùi Giáng tôi đọc nhiều lần vẫn cứ thích đọc lại; đọc lại lần nào cũng thấy hay. Khi phổ thành ca khúc, tôi hát hoài vẫn không biết chán. Đó là lý do tôi phổ thơ ông.
* Khi cảm hứng trên tinh thần thơ Bùi Giáng (cả ngôn ngữ và triết lý), điều gì là thách thức đối với anh?
- Chẳng khó cũng chẳng dễ, khi tôi đã cảm thơ ông, tự dưng ca từ - giai điệu tuôn chảy như một cơn gió thoảng qua; như một dáng đi tất tưởi của thôn nữ đang ở hương thôn nào đó; như một người hát chỉ để hát, vừa hát vừa ngó đất trời... Tôi viết ca khúc từ thơ Bùi Giáng lúc chỗ nọ, khi chỗ kia, viết về cái “đương là”, “tùy nghi”, không biết trước đó và sau đó có gì gì!
Nhạc sĩ Trần Quế Sơn
* Về mặt kỹ thuật, Bùi Giáng rất điêu luyện với lục bát; hình như anh không giữ nhiều chất lục bát (ví dụ như vần, nhịp) trong ca khúc?
- Khi phổ thơ lục bát, nếu giữ nguyên câu, từ thì tiết nhịp, tiết phách của nhạc sẽ gần như trùng với nhịp điệu của thơ, sẽ trở thành hát thơ lục bát chứ không phải phổ nhạc, nghĩa là bài nhạc kém sáng tạo. Về mặt kỹ thuật, phá cấu trúc thơ lục bát khi phổ mà vẫn giữ được nội dung, tinh thần, cảm xúc của bài thơ là điều rất khó. Tôi chỉ phổ vài bài lục bát của ông thôi, còn lại tôi phổ những bài ở thể thơ khác. Ví dụ Bùi Giáng viết tràn lan về thôn nữ: “Ôi em thục nữ vô ngần/em từ thôn ổ tần ngần bước ra/ghé về phố hội phồn hoa/em tươi cười hỏi tuyết sa phương nào?”, hay “Ôi em thục nữ muôn vàn/chào em thiếu nữ thôn làng xưa xa”... Vậy thì khi cảm thơ ông, tôi cũng tuôn ra khúc hát lan tràn về thôn nữ, nhưng không ở thể lục bát: “Ôi em thục nữ vô ngần, em đi thể điệu Tố Nga, em từ thôn ổ em ra, thành thân cốt cách ngọc ngà. Ôi em thục nữ vô vàn, điêu linh tần ngần trước sau, anh từ vô tận tiêu tao, gặp em quấn quýt ngọt ngào yêu em!”.
* Tìm một ca sĩ bây giờ chia sẻ được tinh thần phiêu bồng của Bùi Giáng không dễ. Tại sao anh lại chọn Quang Hào cho việc thể hiện album này? Ca sĩ này tiếp cận và cảm Bùi Giáng ra sao?
- Không phải tôi chọn riêng ca sĩ Quang Hào hát nhạc phổ thơ Bùi Giáng, mà là ca sĩ này chọn những bài hợp với mình để hát. Tôi nghĩ không nên cầu toàn ở ca sĩ quá, họ cảm ra sao thì hát như vậy, miễn họ hát bằng sự chân thành của trái tim mình là được. Vì vậy nhạc tôi phổ từ thơ Bùi Giáng bất cứ ca sĩ nào, bất kì ai, ở đâu... cũng cứ hát lên đi cho vui tai, hoặc hát xong ôm mối sầu sương bay, cũng không sao. Chú chim khi muốn cất tiếng hót thì chẳng ai có quyền bắt chú lặng câm. Ca sĩ Quang Hào như một chú chim hót được nhiều giọng điệu khác nhau, nhưng sở trường của Hào là luyến láy dân ca rất ngọt ngào.
* Dưới góc độ người sáng tác, những ca khúc cảm thơ Bùi Giáng với anh có thể là sự thể nghiệm, chấp nhận thất bại. Trong khi với Quang Hào là cả một sự phiêu lưu, lý do nào để bạn ấy chọn thách thức này?
- Tôi sáng tác nhạc từ thơ Bùi Giáng bằng tình yêu thơ ông, và tôi yêu âm nhạc của mình, tôi không thể nghiệm, thính giả đón nhận ra sao nào tôi có biết. Sự khen chê cũng là thể hiện tình cảm với mình, tôi xin cảm ơn. Ca sĩ Quang Hào cũng làm cuộc dạo chơi với thanh âm mà thôi, cũng thích cái “đương là” như tôi, không nghĩ trước sau có cái gì gì!
Cũng xin nói thêm, một người gần gũi và am hiểu thơ Bùi Giáng là nhà thơ Nguyễn Thiên Chương nhận xét đại ý rằng: Muốn nói tới một buổi trưa đứng bóng, phải chăng chỉ còn cách vẽ ra một buổi chiều bằng màu sắc khác, một thể điệu khác? Muốn vẽ ra một buổi chiều phải chăng là chỉ còn cách nói tới một “vừng hiu hắt nguyệt” trong một tối khuya hoang. Vì “biết thế nào mà nói lạ hay quen”, mà nói sớm mai chiều hôm, mà nói ngày mai ngày mốt, bữa tê bữa nọ. Bùi Giáng khái quát ý này rất gọn: “Vừng hiu hắt nguyệt hờn mây nhỏ lệ/một mùi hương hồng tụ ở nơi nào”. Có thể có một buổi trưa nào đó sẽ vĩnh viễn không đi tới một buổi chiều, có sao đâu.
Văn Bảy (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất