28/11/2014 02:00 GMT+7 | Di sản
(Thethaovanhoa.vn) - Ít phút trước, tại tại Paris (Pháp), Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) vừa chính thức công nhận dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam là Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện của Nhân loại.
Cụ thể, tại kỳ họp lần thứ 9 Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể với sự tham gia của 129 nước tham gia với hơn 900 đại biểu đã thông qua hồ sơ của đoàn Việt Nam về di sản dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh. Điều này đồng nghĩa với việc dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam trở thành Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện của Nhân loại.
Trước đó, dân ca Ví, Giặm được Viện Âm nhạc Việt Nam kiểm kê năm 2010. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký quyết định đưa di sản này vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia năm 2012. Vào ngày 24/11/2014, trong phiên họp lần thứ 9, hồ sơ Ví, Giặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam được Ủy ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO chính thức được khuyến nghị xem xét cùng 36 đại diện khác để tôn vinh di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ngày 27/11/2014, hồ sơ dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam được các quốc gia thành viên thông qua.
Là người tham gia nhận xét về bộ hồ sơ ví dặm Nghệ Tĩnh, ở Hội đồng Di sản Quốc gia với tư cách người làm âm nhạc, PGS. TS Đặng Hoành Loan chia sẻ: Ví, Giặm là hình thức diễn xướng dân gian được người dân Nghệ Tĩnh gìn giữ trao chuyền nguyên bản tới tận ngày nay. Đặc biệt, di sản phi vật thể đại diện của nhân loại này vẫn có sức sống trong xã hội hiện đại. Ở những vùng mang dấu ấn di sản, trong sinh hoạt gia đình, trong lao động sản xuất, trong lúc nghỉ ngơi... bất cứ khi nào, ở bất cứ đâu những làn điệu Ví, Giặm vẫn ngân vang. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến ví dặm không bị mai một như các nghệ thuật cổ truyền khác.
PGS. TS Đặng Hoành Loan khẳng định: “Sự chuyển đổi chức năng từ thực hành lao động sang sinh hoạt giải trí cộng đồng ấy làm Ví, Giặm có sức sống mạnh mẽ dẫu xã hội đã trải bao phen biến loạn. Bên cạnh đó, vì gắn bó mật thiết với cộng đồng, nên các lời ca Ví, Giặm cũng là lời kể từ quá khứ của dân tộc Việt. Ví như những ngày đầu khởi nghĩa, những cuộc kháng chiến trường kỳ, công cuộc xây dựng hòa bình... đều phản ánh trong dân ca Ví, Giặm".
Theo thống kê năm 2013, ở Việt Nam, tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh hiện vẫn còn 260 làng có thực hành dân ca Ví, Giặm, có 75 nhóm dân ca ví dặm đang hoạt động với trên 1.500 thành viên. Qua tìm hiểu và nghiên cứu về tính chất và môi trường không gian diễn xướng dân ca Hò - Ví - Giặm các nhà nghiên cứu tìm thấy các đặc trưng diễn xướng của Ví, Giặm Nghệ Tĩnh: Hát gắn với không gian và môi trường lao động; hát mang tính du hý vào những dịp hội hè, tết nhất, đình đám, thi thố tài năng; tính giao duyên giữa những lứa đôi trai gái; tính tự tình, nghĩa là mượn câu hát để bộc lộ nội tâm; tính tự sự, dùng hình thức kể vè để thuật lại những sự việc xảy ra; tính chất tâm linh; tính giáo huấn; tính hành nghề (mưu sinh) đối với các phường trò chuyên nghiệp hoá; tính đa dùng.
Các tác phẩm Ví, Giặm tiêu biểu có thể kể tới như: Giận mà thương, Hát khuyên, Đại thạch, Tứ hoa, Xẩm thương, Xẩm chợ, Một nắng hai sương, Tình sâu nghĩa nặng, Em giữ lời nguyền, Khóc cha, Cuộc đời nổi trôi, Ai cứu chàng, Con cóc, xoay xở, Lập lờ, Lập loè, Đi rao, Đèo bòng, Khen thầy tài, To gan, Uất ức, Bướm say hoa, Chồng chềnh, Lòng vả lòng sung, Vào hội Đông Xuân, Đứng thẳng người lên, Gốc lúa quầng trăng, Cha ơi ngồi dậy mà xem,..
Dự kiến kỳ họp lần thứ 9 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể sẽ bế mạc ngày 28/11.
Cúc Đường - Phạm Mỹ
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất