23/01/2022 16:41 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Hàng loạt chương trình, vở diễn và nhiều dự án đặc biệt được các đơn vị nghệ thuật nỗ lực triển khai hoặc ra mắt trong những ngày cận kề Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đã cho thấy, các hoạt động biểu diễn đang từng bước được phục hồi, các nhà hát, đơn vị nghệ thuật sân khấu đang nỗ lực hoạt động trong trạng thái bình thường mới, theo chủ chương thích ứng, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 của Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
* Nhiều chương trình, vở diễn mừng Xuân
Dù dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu chấm dứt và khả năng biểu diễn phục vụ khán giả vẫn trong tình trạng “hên, xui” do phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh, song các nhà hát, đơn vị nghệ thuật vẫn đầu tư dàn dựng nhiều chương trình, vở diễn lớn để phục vụ khán giả trong năm mới.
Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam vừa ra mắt vở “Thượng Thiên Thánh Mẫu”, vở diễn kết hợp giữa nghệ thuật cải lương và xiếc, được dàn dựng công phu và được giới chuyên môn đánh giá cao. Nghệ sỹ Nhân dân Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho biết, vở ca kịch - xiếc "Thượng Thiên Thánh Mẫu" sẽ được tổ chức biểu diễn vào 20 giờ các ngày mùng 6, 7, 8 tháng Giêng năm Nhâm Dần 2022, tại Rạp Xiếc Trung ương. Vé sẽ được mở bán với số lượng hạn chế để đón những khán giả yêu sân khấu đến xem và khán giả sẽ được đề nghị test kháng nguyên SARS-CoV-2 trước khi vào rạp.
Sau Tết Nhâm Dần 2022, vở diễn “Nước non vạn dặm” cũng được dự kiến sẽ mắt tại Nhà hát Lớn, Thủ đô Hà Nội, sau đó sẽ được đưa đi biểu diễn ở một số địa phương như Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Huế (Thừa Thiên-Huế), thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) và một số nơi khác. Trước đó, Nhà hát Cải lương Việt Nam đã ra mắt vở cải lương “Nguyễn cầm ca-Kiều” và cũng có kế hoạch công diễn phục vụ khán giả vào năm 2022.
Ngay sau vở rối “Câu chuyện những chiếc rìu” và hai trò diễn “Lung linh khổng tước”, “Mười hai con giáp”, Nhà hát Múa rối Việt Nam tiếp tục ra mắt chương trình “Múa rối du xuân với 5K”. Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam chia sẻ, mặc dù đại dịch COVID-19 đã hoành hành suốt 2 năm qua, nhưng không phải vì vậy mà người dân Việt Nam không đón Tết. Vì thế, các nghệ sỹ Nhà hát Múa rối Việt Nam mang tới cho khán giả một chương trình nghệ thuật đậm màu sắc tươi vui của mùa Xuân, đồng thời đan cài vào một tiết mục với đề tài phòng, chống dịch COVID-19 để nhắc nhở mọi người vui Xuân nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn.
Chương trình “Múa rối du xuân với 5K” gồm có 3 tiết mục: “Múa nón Việt”, “Đánh đu”, “Chung tay đẩy lùi COVID” (Corona xa ta ra). Trong đó, trò diễn “Múa nón Việt” lấy từ hình ảnh quen thuộc, gần gũi với người dân là những chiếc nón quai thao gắn liền với vẻ đẹp dịu dàng, duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam. Trò diễn múa rối “Đánh đu” là một trò chơi dân gian mang tính cộng đồng cao, thể hiện đời sống tinh thần lạc quan, yêu đời của người dân. Việc kết hợp khéo léo giữa các trò chơi dân gian với nghệ thuật múa rối càng làm cho chương trình tăng thêm vẻ đẹp đậm đà bản sắc văn hoá.
Sự xuất hiện của tiết mục “Chung tay đẩy lùi COVID” (Corona xa ta ra) lại là một sự kết hợp xuất sắc giữa các loại hình nghệ thuật đương đại với sân khấu múa rối nước và múa rối cạn. Sự xuất hiện của con rối COVID với hai cánh dải lụa vươn dài khắp cả sân khấu và cả những con rối COVID nhiều màu sắc đã khắc hoạ thành công sự nguy hiểm và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Trong đại dịch khốc liệt đó, mọi người đã nhận thức ra chỉ có sự đoàn kết, chung tay của mỗi người dân cùng thực hiện thông điệp 5K mới góp sức đẩy lùi dịch bệnh...
Theo Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Tiến Dũng, thông qua các trò diễn, người xem cảm nhận không khí lễ hội tưng bừng ngày Xuân của dân tộc, vừa thấy được cuộc sống muôn màu trong điều kiện bình thường mới, vừa lao động sản xuất, vừa chống dịch của nhân dân cả nước.
* Linh hoạt để sẵn sàng phục vụ công chúng
Nghệ sỹ Nhân dân Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, đón chào năm mới, Liên đoàn Xiếc Việt Nam chuẩn bị kịch bản “Ngũ hổ đón Xuân”, dự kiến ra mắt từ ngày 2/2 (tức mùng 2 Tết Nguyên đán Nhâm Dần). Buổi diễn khai Xuân mặc dù có thể không có khán giả, chỉ có các nghệ sỹ diễn và livestream, xong Liên đoàn Xiếc Việt Nam vẫn quyết tâm biểu diễn và dự kiến sẽ đưa ra diễn cả ở ngoài cổng rạp để tạo không khí, để khán giả, người dân Thủ đô thấy được sự khát khao được cống hiến nghệ thuật của các nghệ sỹ.
Theo Nghệ sỹ Nhân dân Tống Toàn Thắng, cùng với việc bền bỉ duy trì tập luyện, đơn vị còn dàn dựng các chương trình có thời lượng ngắn gọn, linh hoạt, biểu diễn linh động tại nhiều địa điểm nhằm tạo cơ hội cho nghệ sỹ được biểu diễn trong các không gian nghệ thuật đa dạng, nhất là dịp Tết đến Xuân về. Bên cạnh đó, Liên đoàn Xiếc Việt Nam còn tham gia diễn vở ca kịch xiếc “Thượng Thiên Thánh Mẫu” cùng Nhà hát Cải lương Việt Nam…
Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn cho hay, hiện tại, các nghệ sỹ của Nhà hát vẫn đang tích cực tập luyện, ghi hình, chuẩn bị phục vụ biểu diễn nhân dân vui Xuân. Theo thông lệ, các suất diễn nghệ thuật tuồng truyền thống sẽ được biểu diễn phục vụ nhân dân và khách du lịch vào tối thứ Sáu và Chủ nhật hằng tuần tại khu vực phố cổ Hà Nội.
Vì vậy, đơn vị phải chuẩn bị sẵn sàng, nếu được phép biểu diễn là phục vụ được ngay. Ngoài ra, Nhà hát còn lên kế hoạch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn biểu diễn phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa và các điểm du lịch trong dịp Xuân mới; phối hợp với Ban Văn nghệ Đài Truyền hình Việt Nam tham gia gala Chào Xuân Nhâm Dần 2022 giới thiệu tới khán giả cả nước màn trống hội và trích đoạn “Ông già cõng vợ đi xem hội”.
Nghệ sỹ Nhân dân Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cho biết, Nhà hát vừa hoàn thiện vở “Hồng Hà nữ sĩ” - vở diễn đặc biệt về bà Đoàn Thị Điểm, được đầu tư dàn dựng công phu từ kịch bản của tác giả Trần Đình Ngôn – cây đại thụ của làng Chèo. Vở “Cánh diều lạc gió” vừa khởi dựng, đang trong quá trình tập luyện. Dù dịch bệnh còn phức tạp nhưng lãnh đạo nhà hát và các nghệ sỹ xác định, không thể nghỉ luyện tập và biểu diễn, vì như thế rất dễ “lụi nghề”. Cũng theo Nghệ sỹ Nhân dân Thanh Ngoan, kể cả khi không thể biểu diễn trực tiếp phục vụ khán giả, nghệ sỹ Nhà hát Chèo sẽ vẫn có những chương trình, vở diễn để khán giả thưởng thức trực tuyến, dù rằng biểu diễn trực tuyến cũng đồng nghĩa với không có thu nhập từ bán vé...
Có thể thấy, dù dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, song với tinh thần trách nhiệm và tình yêu nghề, các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật và các nghệ sỹ vẫn luôn nỗ lực luyện tập để cho ra đời những chương trình nghệ thuật hấp dẫn và sẵn sàng phục vụ khán giả khi có cơ hội.
Phương Lan/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất