Mỹ: Bác sĩ quân y trở thành kẻ sát nhân

07/11/2009 08:34 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Một bác sĩ tâm lý của quân đội Mỹ đã nổ súng bắn chết 13 đồng đội tại căn cứ quân sự Fort Hood ở bang Texas.

Sát thủ Malik Hasan
Vụ thảm sát tồi tệ nhất tại căn cứ quân sự Mỹ

Theo trung tướng Robert W. Cone, chỉ huy căn cứ quân sự Fort Hood, vụ thảm sát xảy ra vào khoảng 13h30 ngày 5/11 (giờ địa phương). Khi đó, một viên sĩ quan đã tiến vào nơi các binh sĩ đang được kiểm tra y tế lần cuối trước khi lên đường tới Iraq và Afghanistan, nã đạn bằng hai khẩu súng ngắn. Sát thủ là thiếu tá Malik Hasan, 39 tuổi, bác sĩ tâm lý tại căn cứ này.


Chỉ trong vòng vài phút, Hasan đã hạ sát 13 đồng đội, làm bị thương 31 người khác trước khi bị bắn gục. Ban đầu có tin Hassan đã chết song tướng Cone cho biết sát thủ vẫn còn sống và được chở đi bệnh viện cấp cứu. Hasan bị bắn 4 phát đạn, hiện đang bất tỉnh và cần có máy trợ thở.

Ông Cone cũng bác bỏ tin trên báo nói rằng Hassan có hai đồng phạm. “Chỉ có một tay súng duy nhất” - tướng Cone nói. Theo ông Cone, các chứng cứ không cho thấy đây là hành động khủng bố.

Vụ nổ súng ở Fort Hood được xem là cuộc thảm sát tồi tệ nhất từng xảy ra tại một căn cứ Mỹ. Tổng thống Barack Obama đã gọi vụ việc là “sự bùng nổ bạo lực kinh hoàng”. Ông bày tỏ lòng tiếc thương đối với những quân nhân đã hy sinh ngay trên đất Mỹ trước khi lên đường ra trận.

Động cơ phản chiến?

Hasan sinh ra và lớn lên tại Virginia, Mỹ, trong một gia đình gốc Jordan.

Hasan tốt nghiệp Trường Đại học Công nghệ Virginia. Đây cũng là nơi xảy ra một trong những vụ thảm sát kinh hoàng nhất nước Mỹ hồi năm 2007, khi 32 người bị một tay súng điên loạn bắn hạ. Hasan tốt nghiệp năm 1997 với bằng cử nhân chuyên ngành sinh hóa. Phần lớn học phí của Hasan do quân đội chi trả. Đổi lại, anh ta phải ký giấy cam kết phục vụ quân đội ít nhất 5 năm. Hasan từng thuê luật sư để giúp giải thoát khỏi sự ràng buộc của quân đội song đã thua kiện.


Vụ thảm sát khiến các quân nhân Mỹ và gia đình họ ở Fort Hood bị sốc

Cách đây 6 năm, Hasan đã thu hút sự chú ý khi viết nhiều bài trên Internet bênh vực hành động tấn công tự sát bằng bom của người Hồi giáo. Tranh luận về chủ đề liệu những người đánh bom liều chết có được coi là tử vì đạo hay không trong bối cảnh Hồi giáo không cho phép tự sát, Hasan đưa ra câu trả lời khẳng định. Anh này coi hành động đánh bom cảm tử giống như người lính dùng thân mình đè lên lựu đạn để cứu đồng đội. “Có thể gọi họ là điên nếu bạn muốn, nhưng hành động của họ không phải dạng tự sát bị đạo Hồi cấm”- Hasan viết. Không hiểu vì sao Hasan không bị theo dõi sau các bài viết này.

Hasan có thời gian làm bác sĩ tâm lý ở Trung tâm Quân y Walter Reed tại Washington, chịu trách nhiệm chữa trị nhiều bệnh binh nặng. Tháng 7 năm nay, anh ta bị thuyên chuyển tới Fort Hood do thành tích chuyên môn kém. Hasan cũng than phiền về việc bị các sĩ quan cao cấp hơn chế giễu, bị gọi là “gã Trung Đông”. Một số kẻ đùa ác ý còn viết chữ “Allah” lên cửa kính xe của anh ta cách đây không lâu.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính của cuộc thảm sát có thể bắt nguồn từ việc Hasan sẽ bị điều động tới Iraq vào ngày 28/11. Gia đình Hasan nói rằng anh rất sợ phải ra chiến trường, coi đó là “cơn ác mộng tồi tệ nhất”. “Anh ta từng thổ lộ sự tức giận về việc sẽ phải tham chiến” - nghị sĩ Bailey Hutchison của bang Texas cho biết. Terry Lee, đại tá về hưu từng có thời gian làm việc với Hasan, nói rằng sát thủ này hy vọng Tổng thống Obama sẽ cho quân đội Mỹ sớm rút khỏi Afghanistan và Iraq. Hasan cũng thường tranh cãi với những quân nhân ủng hộ cuộc chiến của Mỹ ở Iraq và Afghanistan.


Fort Hood tăng cường an ninh sau vụ thảm sát

Do quá nhiều sức ép?

Cuộc thảm sát của Hasan diễn ra theo sau vài vụ các quân nhân Mỹ quay súng bắn lại đồng đội. Hồi tháng 5, thượng sĩ John Russell, 44 tuổi, đã hạ sát 5 đồng đội tại một trạm điều trị căng thẳng ở trại Liberty, Iraq. Tháng 9 năm ngoái, thượng sĩ Joseph Bozicevich, 39 tuổi, đã sát hại 2 sĩ quan chỉ huy ở một căn cứ tại Baghdad. Tỷ lệ tự sát trong quân đội Mỹ hiện cũng đang ở mức cao.

Vụ thảm sát do Hasan gây ra đã tiếp tục làm nổi bật vấn đề sức ép tâm lý của lính Mỹ. Nhiều chuyên gia cho rằng việc phải tham gia hai cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan đã tạo nên những sức ép khủng khiếp lên binh lính. Đó là chưa kể tới việc họ nhiều lần bị điều ra chiến trường, phải tham gia một cuộc chiến (du kích) không quy ước. Được biết Fort Hood là nơi trung chuyển nhiều quân nhất tới Iraq và Afghanistan. Hệ quả là từ năm 2003 đến nay có 75 lính ở Fort Hood đã tự sát.

Thực tế đó khiến Fort Hood phải triển khai nhiều biện pháp giảm căng thẳng cho binh lính, bao gồm việc giảm giờ lao động và buộc họ phải về nhà đúng giờ để ăn tối. Bản thân Hasan được điều động tới Fort Hood để tham gia chương trình “tái khởi động chiến binh” nhằm giúp binh sĩ trở về từ vùng chiến sự thoát khỏi các hội chứng căng thẳng do tham chiến dài ngày. Không ai ngờ từ vị trí là người giúp đỡ các binh sĩ, anh ta đã lạnh lùng tước đi mạng sống của họ.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link