26/12/2014 07:46 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - 1. Vài ngày nữa, TP.HCM nơi đông dân nhất cả nước sẽ bắt đầu đưa những người ăn xin, người sống nơi công cộng không có nơi cư trú vào các cơ sở xã hội. Khi phát hiện người xin ăn, người dân có thể gọi vào các số điện thoại đường dây nóng để cơ quan chức năng “xử lý”.
Không cần phải có công văn, đã lâu rồi nhiều người không cho người ăn xin nữa. Không phải vì vô cảm mà vì những bài báo phanh phui nạn ăn xin rởm đầy trên mạng...
Công văn này có người đồng tình nhưng cũng lắm người băn khoăn. Truyền thống dân ta vốn Lá lành đùm lá rách, Thương người như thể thương thân mà. Nhưng từ thông tin báo chí và từ thực tế mắt thấy tai nghe hàng ngày, khi những đồng tiền đầy tính cảm thương của mình bị trục lợi, lòng tốt sau một thời gian dài bị thách thức, đang muốn tìm về đúng chỗ.
TPHCM kêu gọi người dân không cho tiền người ăn xin
Điều này không khó giải thích. Thực tế, có rất nhiều người ăn xin giả, còn những người ăn xin vì thật sự nghèo khổ, tật nguyền thì phần lớn đã bị những tay chăn dắt ranh ma nhào nặn, biến hóa thành công cụ cho chúng. Những kẻ lợi dụng lòng vị tha đã đẩy những người già, em bé vào các chiêu trò của chúng nhằm lấy nước mắt người qua đường, bất chấp sức khỏe của họ ra sao. Những đứa trẻ sơ sinh bị phù phép để cả ngày ngủ trên tay người lớn mà không gào khóc đòi ăn. Nhưng người lành lặn thành què quặt, lở loét… đến nỗi người đi đường không thể phân biệt thật giả. Rất nhiều cách thức moi tiền không thể lường hết được.
2. Trong cuốn tiểu thuyết Triệu phú khu ổ chuột được chuyển thể thành bộ phim nổi tiếng thế giới với game show truyền hình Ai là triệu phú, ở câu hỏi mà mức giải thưởng 10 nghìn ru-pi có đoạn hồi ức của nhân vật Ram khi sa vào tay một nhóm chuyên mua bán trẻ em không nơi nương tựa, biến chúng thành tật nguyền rồi ép phải đi ăn xin trên hè phố.
Những chuyện đó không chỉ xuất hiện trong phim ảnh hay tiểu thuyết mà là có thật, không chỉ nước ta mà cả thế giới. Hàng trăm trẻ em, người già đã bị các băng nhóm chăn dắt để phải đi ăn xin rồi đem tiền về nộp cho chúng. Những người hảo tâm trên đường phố đã ngần ngừ không muốn rút ví ra cho các em nữa, vì biết rằng, tiền của họ ngay lập tức sẽ rơi vào tay đám bảo kê.
Cái xấu đang lộng hành khắp nơi đang làm cho lòng tin bị hủy hoại dần. Nhưng hẳn có nhiều người ăn xin thật trên phố, tật nguyền, đói khổ cùng cực. Và hẳn nhiều người trong chúng ta từng dạy con trẻ duy trì lòng nhân ái, sự bao dung với những người hoàn cảnh thương tâm, cần sự giúp đỡ bằng cách giúp người ăn xin. Nhưng có lẽ, sự giáo dục trực quan trên phố ấy sẽ thay đổi. Còn nếu thấy người ăn xin trên phố mà làm ngơ, hãy cố gắng giải thích cho lũ trẻ.
Nhưng điều mà những người dân lương thiện mong muốn là cơ quan chức năng không chỉ “ném đá ao bèo”, không chặn đường sống của những người nghèo khổ. Những người cơ nhỡ thực sự sẽ được bảo trợ thật sự và có một cuộc sống tốt hơn trong những cơ sở xã hội chứ không chỉ bị xua chỗ này để đi xin chỗ khác. Và những người tốt sẽ tìm đến với nhau và cùng làm những việc có ý nghĩa cho cộng đồng một cách xác đáng hơn thông qua các tổ chức từ thiện.
Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất