10/01/2014 08:01 GMT+7 | Văn hoá
Theo thông tin từ BTC, “Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất- Bạc Liêu 2014” sẽ được tổ chức từ 20-25/4.
* “Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất” đã được chuẩn bị như thế nào, thưa ông?
- Hiện nay, ban chỉ đạo quốc gia, BTC quốc gia đã được thành lập và đi vào hoạt động. Kế hoạch tổng thể cũng đã ký và phát hành. Theo kế hoạch, chương trình sẽ diễn ra với 21 hoạt động. Trong đó, có những chi tiết và đi vào dàn dựng.
* Vậy đâu là điểm nhấn của festival?
- Hiện tại, đờn ca tài tử không còn của riêng Việt Nam nữa, nó là của toàn nhân loại. Nên các hoạt động của festival sẽ hướng tới tất cả mọi người. Trong chương trình, chúng tôi cũng tổ chức những chương trình học hát, hát giao lưu đờn ca tài tử với cả du khách trong và ngoài nước. Và chúng ta cũng sẽ bán nhiều vật phẩm liên quan tới đờn ca tài tử để ghi dấu với bạn bè quốc tế.
* Đờn ca tài tử vừa trở thành Di sản phi vật thể của nhân loại, Bạc Liêu có kỳ vọng sau festival ần này, đờn ca tài tử trở thành “đặc sản” của tỉnh để phát triển du lịch và quảng bá hình ảnh?
- Chúng tôi sẽ tôn vinh và quảng bá đờn ca tài tử đúng mức. Từ đó, chúng tôi tin người Bạc Liêu sẽ tự hào về nghệ thuật đờn ca tài tử cũng như những đóng góp của người Bạc Liêu với di sản văn hóa phi vật thể này.
Thêm nữa, qua sự kiện lần này, chúng tôi cũng muốn coi đờn ca tài tử là “đòn bẩy” để phát triển du lịch của tỉnh. Cụ thể, Bạc Liêu đã xây dựng một khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử và cố nghệ sĩ Cao Văn Lầu. Trước đây, địa điểm này có 2.000m2, tỉnh sẽ mở rộng ra 12.000m2 để xây dựng, sưu tầm, trưng bày những hiện vật liên quan tới đờn ca tài tử Nam bộ. Tới đây, đó sẽ là Bảo tàng Đờn ca tài tử Nam bộ.
Chúng tôi cũng xây dựng một nhà hát đi đôi với những nhà văn hóa, văn nghệ ở các xã, ấp để nghệ thuật đờn ca tài tử có thể phát triển. Nhà hát đó sẽ mang tên Cao Văn Lầu.
Kết hợp với bảo tàng nghệ thuật, nhà hát sẽ có kiến trúc đặc biệt. Đó là ba cái nón lá khổng lồ thể hiện bản sắc Việt Nam. Bên trong, Nhà hát Cao Văn Lầu được trang bị rất hiện đại để biểu diễn đờn ca tài tử, cải lương và các loại hình nghệ thuật dân gian.
Tóm lại, Bạc Liêu sẽ phát huy hết tất cả các thế mạnh địa phương để tỉnh giàu lên. Trong các tiềm lực đó không thể thiếu đờn ca tài tử.
* Trước mắt, việc bảo tồn những tinh hoa của loại hình nghệ thuật này được thực hiện thế nào, thưa ông?
- Trước khi đờn ca tài tử thành di sản thế giới, tỉnh cũng quan tâm tới các nghệ nhân. Cụ thể, tỉnh đã mở 2 lớp dạy đờn ca tài tử với 400 người dự. Nhưng thực sự, sự quan tâm này chưa đúng mức. Nên sắp tới, chúng tôi sẽ có chính sách cho những nghệ nhân hát hay đàn giỏi; giảng dạy đờn ca tài tử để những nghệ nhân có thể truyền lửa cho thế hệ sau; hoặc sẽ đưa đờn ca tài tử vào giảng dạy cho các em học sinh.Hiện tại, Bạc Liêu có 600 câu lạc bộ ở các địa phương, cơ quan với 2.000 nghệ nhân. Đây sẽ là lực lượng nòng cốt để giữ gìn và lan tỏa đờn ca tài tử.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.
Phạm mỹ (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất