12/01/2013 14:24 GMT+7 | Thế giới
Để quản lý số lượng xe phân khối lớn lưu hành trên thị trường, cơ quan chức năng đã có quy định khá chặt chẽ trong quy trình cấp giấy phép lái xe (GPLX) mô tô hạng A2 cho chủ phương tiện. Tuy vậy, để có được giấy phép, không ít trường hợp tìm cách lách luật, kể cả việc phải bỏ ra hàng chục triệu đồng…
Những người mê “chiến mã” bạc tỉ
Hiện nay, hầu hết những dòng xe mô tô phân khối đều được nhập khẩu từ nước ngoài và được bán với mức giá khác nhau. Để sở hữu một chiếc xe xếp vào hạng “đánh bom, tạo sấm rền đường” như chiếc Kawasaki thể thao 1.000 phân khối, người chơi xe phải bỏ ra khoảng 22.000USD, Honda ST 1.300cm3 có giá khoảng 25.000USD, còn xe Honda CBR dung tích xilanh 600cm3 giá khoảng 600 triệu đồng,… Ngoài ra, những chiếc mô tô thuộc phiên bản giới hạn như Harley Davidson, Ducati... cũng được người chơi mua với mức giá từ 60.000 - 90.000 USD/chiếc. Tuy vậy, không phải ai có tiền cũng có thể sở hữu được những chiếc “siêu mô tô” phù hợp với phong cách, sở thích của mình.Một lần lên mạng, anh S được biết có dịch vụ “làm” GPLX hạng A2 trọn gói với giá 10 triệu đồng và chỉ sau 2 tháng anh S sẽ có trong tay GPLX với hồ sơ gốc ghi rõ thông tin cá nhân của anh mà không phải tham gia thi. Tuy vậy, hết thời gian trên, qua nhiều lần gọi điện hỏi về GPLX, anh S chỉ nhận được câu trả lời “chưa có, phải đợi”. Đến tận khi một người bạn cho anh biết, việc thi sát hạch GPLX hạng A2 không diễn ra thường xuyên nên không thể có giấy phép nhanh chóng, dễ dàng và nếu không tham gia CLB mô tô Hà Nội thì gần như không có cửa có GPLX hạng A2, anh S mới biết mình đã bị lừa. Bên cạnh đó, thực tế cho thấy, có không ít người thông qua các dịch vụ trôi nổi đã nhận phải giấy phép rởm do các đối tượng thực hiện làm GPLX hạng A1 trước. Sau đó chúng lấy giấy phép này tẩy xóa, hô biến thành GPLX hạng A2.
Bên cạnh đó, trong khu vực nội thành, tốc độ cho phép trên dưới 30km/h, các tuyến đại lộ, quốc lộ, tốc độ cho phép tối đa khoảng 60km/h thì xe phân khối lớn rất dễ vi phạm vượt quá tốc độ. Chưa kể đến việc, hệ thống đường giao thông ở nước chưa phù hợp với loại phương tiện này. Ngoài ra, trong các đối tượng được phép học, thi sát hạch cấp GPLX hạng A2, người thuộc lực lượng TDTT chỉ cần có chứng nhận thuộc lực lượng Moto TDTT do Ủy ban TDTT cấp nhưng giấy này chỉ có thời hạn sử dụng là 2 năm và được cấp rất hạn chế. Do đó, không ít người dù đã đủ điều kiện nhưng vẫn phải chờ rất lâu để được học và thi lấy giấy phép.
Còn theo đại diện của Sở GTVT Hà Nội, trừ các đối tượng ưu tiên, người dân muốn được học, dự thi sát hạch, cấp GPLX hạng A2 để được điều khiển xe máy phân khối lớn phải là chủ sở hữu của chiếc xe trên 175cm3, đồng thời phải có thẻ hội viên Hội môtô và giấy giới thiệu tham dự lớp học của cơ quan có thẩm quyền. Do hồ sơ học, thi lấy GPLX môtô hạng A2 đòi hỏi thủ tục chặt chẽ nên lượng GPLX hạng A2 được cấp hàng năm khá hạn chế.
Vấn đề ở chỗ, trong khi số lượng GPLX mô tô hạng A2 cấp ra chưa nhiều thì ngoài đường, xe phân khối lớn không phải là hiếm. Theo quy định, chủ phương tiện phải mua xe trước khi có bằng lái, thỉnh thoảng mới được ngồi sau xe phân khối lớn đi dẫn đoàn, dẹp đường trong các giải đấu nên họ vẫn điều khiển xe trên đường ngay khi chưa có GPLX. Anh Trịnh Đình Hải - người có thâm niên 5 năm chạy xe phân khối lớn cho biết, khi mua xe xong, hầu hết chủ xe đều liên hệ với CLB mô tô để tham gia sinh hoạt song thường bị nghi ngờ mục đích vào CLB chỉ là để có điều kiện để lấy bằng A2. Việc xin tham gia vào CLB khó khăn, trong khi dân chơi xe chủ yếu là những người có tiền nên để có trong tay tờ giấy thông hành, nhiều người đã sẵn sàng bỏ tiền ra mua, tạo điều kiện thuận lợi cho những đối tượng lừa đảo hoạt động. Bởi vậy, câu chuyện về tấm GPLX hạng A2 ngày càng phức tạp và chưa biết đến bao giờ mới có hồi kết.
Theo Huệ Linh - Ngọc Bảo
An ninh Thủ đô
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất