Nỗi lo 'Kinh Thánh của phát xít' tái xuất

25/01/2015 06:23 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Cuốn sách Mein Kampf (Cuộc tranh đấu của tôi) do trùm phát xít Đức Adolf Hitler chấp bút sẽ hết hạn quản l‎‎‎ý bản quyền vào cuối năm 2015. Việc này mở ra nguy cơ kẻ xấu có thể tự do xuất bản cuốn sách, vẫn được xem là "Kinh Thánh của phát xít".

“Họ đã từng muốn dùng nó thay cho Kinh Thánh" - chuyên gia sách hiếm Stephan Kellner khẽ khào nói khi ngồi trong Thư viện bang Bavaria. Ông cũng mô tả lại cách phát xít Đức đã biến một bài diễn văn rời rạc, khó đọc – nửa hồi ký, nửa sản phẩm tuyên truyền - thành một phần cốt lõi trong hệ tư tưởng của Đệ Tam đế chế.



Đã có 12 triệu bản Cuộc tranh đấu của tôi  được in dưới thời phát xít Đức

Một cuốn sách nguy hiểm

Khi Cuộc tranh đấu của tôi không còn bị luật bản quyền kiềm tỏa, về lý thuyết, ai cũng có thể in cuốn sách ở Đức. Việc này khiến chương trình Xuất bản hay Hủy bỏ thuộc kênh phát thanh Radio 4 của hãng tin BBC đã tiến hành khảo cứu xem các nhà chức trách có thể làm gì để quản lý một trong những cuốn sách tai tiếng nhất thế giới này.

Chương trình cho rằng cuốn sách vẫn chứa trong nó một nội dung nguy hiểm. “Hitler viết cuốn sách vào những năm 1920 và về sau những gì ông ta nói trong cuốn sách này đều đã biến thành hành động. Nếu lúc bấy giờ, người ta dành nhiều sự quan tâm hơn đến cuốn sách, có lẽ họ đã nhận ra mối hiểm họa” -  John Murphy, cháu trai của người đầu tiên dịch cuốn sách ra tiếng Anh vào năm 1936 nhận định.

Hitler bắt đầu viết Cuộc tranh đấu của tôi khi đang ngồi tù với tội danh phản quốc, sau thất bại của cuộc ‘Đảo chính nhà hàng bia’ ở Munich vào năm 1923. Hitler đã phác thảo nên những nét sơ lược về tư tưởng phân biệt chủng tộc, bài Do Thái trong cuốn sách.

Một thập kỷ sau đó, khi Hitler giành được quyền lực, Cuộc tranh đấu của tôi đã được in tới 12 triệu bản. Cuốn sách trở thành "cẩm nang vàng" của phát xít Đức. Sách được trao cho các cặp vợ chồng mới cưới và những bản in với bìa chữ mạ vàng được trưng ra ở những chỗ "bắt mắt" nhất trong nhà của các quan chức cấp cao.

Khi Thế chiến thứ 2 đến hồi kết thúc, quân đội Mỹ chiếm giữ nhà xuất bản Eher Verlag của Đức quốc xã. Bản quyền của cuốn sách sau đó được chuyển cho các nhà chức trách ở Bavaria.

Họ đã đảm bảo việc cuốn sách chỉ được in lại tại Đức trong những trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên tới tháng 12 này, bảo hộ tác quyền cuốn sách sẽ hết hạn và ai cũng có thể phát hành nó mà không cần xin phép.

“Chính quyền Bavaria dùng bản quyền như công cụ kiểm soát việc tái bản Cuộc tranh đấu của tôi. Nhưng quyền kiểm soát này đang dần đến hồi kết. Vậy điều gì sẽ xảy ra sau đó?” – Murphy bày tỏ quan ngại - “Đây vẫn là một cuốn sách nguy hiểm, có nhiều vấn đề liên quan tới chủ nghĩa phát xít mới".


Có ý kiến cho rằng cần phải đối mặt với chữ nghĩa của Hitler để chống lại chủ nghĩa phát xít một cách tốt nhất

Không nên tránh ngôn từ của Hitler

Một số người đã nêu giả thuyết theo hướng ngược lại, rằng liệu có ai muốn xuất bản cuốn sách này hay không. Theo tờ New Yorker, sách “chứa đựng đầy những mệnh đề mang tính khoa trương, khó nắm bắt ý nghĩa; các tình tiết lịch sử vụn vặt; những hệ thống tư tưởng rối rắm mà ngay cả chủ nghĩa phát xít mới và những nhà sử học đích thực cũng có xu hướng né tránh.”

Tuy nhiên, cuốn sách này lại đang trở nên phổ biến ở Ấn Độ, đặc biệt là với các chính trị gia theo chủ nghĩa dân tộc Hindu. “Nó được coi là một cuốn sách tự hoàn thiện bản thân có ảnh hưởng lớn” – Atrayee Sen, giảng viên bộ môn Tôn giáo đương đại và xung đột ở đại học Manchester, trả lời Radio 4 – “Nếu loại trừ các yếu tố bài xích Do Thái thì cuốn sách chỉ là câu chuyện kể về một người đàn ông nhỏ bé trong tù, nuôi ước mơ làm bá chủ thế giới và hành trình ông ta biến điều đó thành sự thật.”

Tuy nhiên việc loại bỏ bối cảnh hình thành cuốn sách lại là điều khiến những người phản đối nó cảm thấy lo ngại. Ludwig Unger, phát ngôn viên của Phòng giáo dục và Đào tạo Bavaria, cho biết: “Hậu quả từ cuốn sách này chính là việc hàng triệu người đã bị tàn sát, hàng triệu người bị tra tấn, hành hạ; khắp nơi xảy ra chiến tranh. Nhớ lấy những điều này là việc quan trọng. Bạn có thể hiểu đúng về cuốn sách nếu đọc nó cùng với những phê bình phù hợp".

Viện Lịch sử đương đại Đức đặt tại Munich đã có kế hoạch phát hành cuốn Cuộc tranh đấu của tôi phiên bản mới. Trong tác phẩm này sẽ có nội dung sách gốc cùng các bài phê bình chỉ ra những thiếu sót và sai lệch của sách.Tuy nhiên một số nạn nhân của phát xít Đức đã lên tiếng phản đối điều này, khiến chính quyền Bavaria đã phải rút vốn hỗ trợ Viện thực hiện dự án trên.

Một số chuyên gia nói rằng hành động cấm đoán tái bản cuốn sách không phải là biện pháp tốt nhất. Trong bài bình luận về sự kiện, tờ New York Times viết: “Mũi tiêm chủng hữu hiệu, giúp thế hệ trẻ tránh khỏi nhiễm khuẩn phát xít, chính là đối diện trực tiếp với những ngôn từ của Hilter, hơn là ém chúng đi trong bóng tối bí mật.”

Thục Anh (Theo BBC)
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link