03/01/2018 06:57 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Trên nóng dưới lạnh (thượng nhiệt hạ hàn) vốn là thuật ngữ của ngành Đông y. Gặp hội chứng ấy, như những gì được liệt kê, người bệnh có ống chân giá lạnh nhưng sắc mặt lại đỏ bừng, cổ họng nóng khô bởi sự mâu thuẫn của âm dương tạng thận.
Nhưng, năm 2017 vừa rồi, cụm từ ấy được dùng rộng rãi không chỉ trong lĩnh vực y học. Nói cách khác, chứng "trên nóng dưới lạnh" không chỉ sử dụng để chẩn bệnh cho sức khỏe của con người.
Xa hơn, tại Nghị trường, chúng ta nhắc tới hội chứng ấy khi nói về căn bệnh thờ ơ, không làm tròn nhiệm vụ và đùn đẩy trách nhiệm của nhiều khâu trong cả một guồng máy - cho dù trước đó, Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ đã đặt ra những quyết tâm cao nhất.
Chỉ gần tìm kiếm trên mạng, người ta có thể bắt gặp hàng chục trường hợp thuật ngữ "trên nóng dưới lạnh" được sử dụng vào mục đích... ngoài y học như thế.
Đơn cử, cải cách hành chính có chuyện "trên nóng dưới lạnh" - khi tổ chức bộ máy ở nhiều nơi vẫn cồng kềnh, kém hiệu quả, dù tinh thần hành động quyết liệt đã được thể hiện rõ trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ.
Rồi ở lĩnh vực lâm nghiệp, như lời đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương, cảnh "trên nóng" diễn ra khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên. Còn "dưới lạnh" đồng nghĩa với việc rừng vẫn... không được đóng, thậm chí một số địa phương để xảy ra những vụ phá rừng lớn.
Thuật ngữ "trên nóng dưới lạnh" còn được Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Thành Long sử dụng để nói về việc phòng chống sốt xuất huyết, khi cấp thành phố thì "nóng" mà các quận, huyện ngoại thành lại thờ ơ.
Ông Phạm Nguyễn Chiến, Trưởng ban An toàn Giao thông đường sắt (Tổng Công ty đường sắt VN) cũng nhắc tới hội chứng này, khi lãnh đạo ngành đặt quyết tâm "xóa", nhưng các địa phương vẫn thoải mái để người dân mở lối dân sinh cắt ngang đường sắt.
***
Ngày 1/1/ 2018, chúng ta lại tiếp tục nhận một thông điệp "nóng" từ Chính phủ, với Nghị quyết 01 "Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018”.
Thông điệp ấy nóng không chỉ bởi được đưa ra ngay ngày đầu tiên của năm mới - một điều ít có tiền lệ. Quan trọng hơn, nó gắn với hàng loạt chỉ tiêu về kinh tế - xã hội và trọng tâm chỉ đạo điều hành nền kinh tế trong năm nay, Nghị quyết ấy gồm những nội dung thiết thực và cụ thể.
Đơn cử, về những con số, đó là việc phấn đấu GDP đạt 6,7%, kiểm soát tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4%; cắt giảm 50% điều kiện đầu tư kinh doanh,giảm tối thiểu 2,5% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với số giao năm 2015.
Về nội dung chỉ đạo cụ thể, đó là các yêu cầu không dùng ngân sách xử lý nợ xấu, tập trung điều tra các vụ án tham nhũng lớn, tập trung nguồn lực đẩy nhanh các dự án hạ tầng quan trọng như sân bay Long Thành, tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên...
Đặc biệt, trong câu chuyện về BOT, lĩnh vực đang được cộng đồng quan tâm nhất, Nghị quyết 01 yêu cầukhẩn trương rà soát tổng thể hình thức đầu tư BOT, các trạm BOT giao thông đường bộ nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Cụ thể và xác thực, những nội dung được đưa ra ấy khiến chúng ta không khỏi liên tưởng tới câu trả lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi các đại biểu Quốc hội hỏi về cốt lõi của Chính phủ kiến tạo: "Nội hàm của Chính phủ kiến tạo trước hết là chủ động thiết kế chính sách và pháp luật để đất nước phát triển".
***
Bây giờ, phần tiếp theo của thông điệp nóng ấy, chính là việc... triển khai Nghị định của các Bộ, ngành, địa phương.
Cũng cần nhắc lại, năm 2017 vừa qua, chúng ta đã nhận về những thành quả rất tích cực trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, ngoại giao. Có nghĩa, theo logic tự thân, chuyện "trên nóng dưới lạnh" đã được khắc phục phần nào - hoặc như cách nói vui của một đại biểu Quốc hội thì đã… ấm dần.
Nhưng, để hoàn thiện một thông điệp nóng đầu năm 2018, hội chứng "trên nóng dưới lạnh" vẫn cần phải nhắc lại một lần nữa.
Hội chứng ấy còn tồn tại, mọi thứ vẫn sẽ ở tình trạng khó khăn, khi mọi chuyện đều được trông vào Chính phủ, còn các Bộ, ngành, địa phương vẫn cứ thụ động, trì trệ trong điều hành, xử lý việc công.
Anh Bảo
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất