NSND Đặng Thái Sơn: Hạnh phúc vì lấy tự do làm trên hết

15/09/2012 07:50 GMT+7 | Âm nhạc


(TT&VH) - Cũng như mọi cuộc trở về của NSND Đặng Thái Sơn suốt nhiều năm qua, ông luôn được cánh phóng viên “săn đón”. Nhưng gặp được vị Chủ tịch danh dự, Giám đốc nghệ thuật của cuộc thi Piano quốc tế - Hà Nội 2012 (diễn ra từ 5 đến 13/9) không hề dễ…

5/9, hôm thi đầu tiên của Cuộc thi piano quốc tế, tôi tìm đến Học viện Âm nhạc Quốc gia VN, định gặp ông phỏng vấn về cuộc thi, bởi dù sao nó cũng chỉ mới bắt đầu.

Chạy trốn sự ồn ào

Ngồi đợi hết buổi thi chiều, tôi chạy xuống gần sân khấu thì đã thấy Đặng Thái Sơn đang được mấy đồng nghiệp hỏi han. Ông chối hết, ông bảo, giờ chưa có gì để nói. Tôi nhìn theo, thấy một phóng viên (nữ) theo sát ông ra cánh gà, ông thì vẫn cười nói, rồi tiện thể… chui vào nhà vệ sinh.

Lát sau ông quay ra, các phóng viên lại nhào vào. Ông bảo, báo chí phỏng vấn thì tổ chức một buổi chung, ông không thể trả lời từng người một. Có lẽ, nghệ sĩ nổi tiếng như ông thì mỗi lần về nước chẳng thiếu gì ngoài thời gian và không gian dành riêng cho mình. Còn công việc, những cuộc gặp gỡ, sự săn đón của báo chí… thì thừa mứa. Trong hơn một tuần về nước, ông còn tranh thủ bay sang vùng lãnh thổ Đài Loan diễn một đêm nhạc cổ điển rồi quay lại Việt Nam.

Bận rộn như vậy mà ông vẫn tìm cách đi chơi Côn Đảo được. “Tôi mà muốn đi thì sẽ không để ai biết đâu”, ông nói với báo chí. “Tôi từng đến Phú Quốc nhưng ở đó cũng ồn ào lắm rồi. Riêng Côn Đảo, nghe nói có âm khí cao, không nhiều du khách. Thành ra mình được hưởng sự vắng lặng. Ở đó còn vương chút không khí Pháp như Hà Nội ngày xưa”.

NSND Đặng Thái Sơn. Ảnh: Hạ Huyền

“Còn vui thì còn gặp nhau”

Bước vào phòng hòa nhạc ở Học viện Âm nhạc Quốc gia VN, nơi ông có buổi gặp gỡ báo chí chiều 13/9, Đặng Thái Sơn vừa ngồi xuống đã đùa ngay: “Chúng ta vẫn còn chuyện để nói sao?”.

Trước mắt ông là hàng chục phóng viên. Như một cuộc họp báo nhỏ, nhưng không phải do ông kêu gọi. Hơn 20 phóng viên, tất cả đều tự liên hệ để đến đây. Phải phỏng vấn chung chắc chẳng ai thích, nhưng đây là Đặng Thái Sơn, có phải bao giờ cũng gặp được ông đâu?

Đặng Thái Sơn nói vài câu lại đùa một câu, thỉnh thoảng hơi bỗ bã, bất kể chủ đề gì. Mỗi lần đùa, ông cười tít mắt trông khá hài hước, khó hình dung được nếu không gặp trực tiếp ông, bởi trong những bức ảnh trên báo, ông thường đang chơi đàn hoặc ngồi bên cây đàn, mặt mày lãng đãng suy tư.

Lúc vào cuộc phỏng vấn, có người chỉ chỗ cho Đặng Thái Sơn ở một đầu của dãy bàn dài, vị trí thường là của chủ tọa, nhưng nghệ sĩ piano danh tiếng thế giới chọn ngồi ghế giữa dãy bàn, để mọi phóng viên đều có thể nghe rõ, không ai phải ngồi quá xa ông. Hành động đó không thể hiện ý tứ gì ghê gớm lắm, chỉ tỏ rõ một điều: cách ứng xử chuyên nghiệp của một nghệ sĩ gốc Việt sống ở nước ngoài. Ông tạo điều kiện thuận lợi và bầu không khí thoải mái cho những người phỏng vấn mình.

Tôi hỏi: “Mỗi lần về nước, bị báo chí bao vây (theo đúng nghĩa đen), ông thấy sao?”, Đặng Thái Sơn bảo: “Còn vui thì còn gặp nhau”.

Có một thứ tôi cho rằng ông hiểu rất rõ: giá trị thực của danh tiếng. Ông nói, ở Việt Nam nhạc cổ điển không có công chúng kiểu như nhạc pop được, vì “diễn sang đêm thứ hai thì có còn ai xem đâu”. “Chính tôi cũng vậy, nếu tôi năm nào cũng diễn vài buổi, xuất hiện liên tục thì chúng ta cũng chẳng gặp nhau ở đây đâu” - ý là báo chí cũng chẳng săn đón ông ráo riết thế này.

Tài năng như ông ở Việt Nam quý thật, nhưng nếu hiếm (gặp) thì càng quý hơn.

Cũng trong cuộc gặp gỡ này, ông xác nhận tháng 1/2013 sẽ về nước tổ chức buổi biểu diễn solo. “Sẽ là chương trình lớn nhất trong sự nghiệp của tôi ở Việt Nam” - ông nói hào hứng. Các phóng viên báo chí cắm cúi ghi chép.

“Tôi hạnh phúc”

Buổi phỏng vấn bắt đầu từ cuộc thi piano, tình hình đào tạo tài năng piano trẻ ở nước nhà, lòng vòng một lát quay sang cuộc sống của ông ở Canada, cảm xúc khi về Việt Nam. Những câu chuyện cũ. Nhưng Đặng Thái Sơn vẫn trả lời hay, có thể do hiểu biết chuyên môn, phông văn hóa và kinh nghiệm giao tiếp. Đặc biệt, mỗi lần có câu hỏi thiên về chuyên môn nhạc cổ điển, ông luôn tìm cách trả lời theo kiểu “nôm na” để những ai không am hiểu nhạc cổ điển đều hiểu được.

Nhận định của ông về cuộc thi piano khá tương đồng với GS Trần Thu Hà, Chủ tịch Hội đồng giám khảo (chất lượng thí sinh năm nay cao, rất mừng vì VN có giải Nhất ở lứa tuổi 10-13). Nhưng ông có nhiều góp ý hơn. Hai thứ ông nhấn mạnh là chất lượng âm thanh và mức độ chuyên nghiệp trong công việc. Hệ thống âm thanh của cuộc thi có nhiều tạp âm, ông bình luận hóm hỉnh: “Đúng là ở Việt Nam tôi mới hiểu im lặng là vàng”.

Về độ chuyên nghiệp, ông có một cách ví von rất hay: “Các đồng nghiệp nước ngoài khi sang đây thường bất ngờ vì cung cách làm việc “uyển chuyển” của chúng ta. Thấy thế, tôi bảo họ, các bạn hãy nhìn cách qua đường ở Việt Nam, cứ phải vừa bước vừa dừng vừa quan sát thì mới qua được, còn đi băng băng thì người ta đâm mình ngay. Thế, cứ phải “uyển chuyển” một chút. Đi qua đường được thì sẽ làm việc được ở Việt Nam”.

Đến cả cuộc phỏng vấn, ban đầu dự định gói gọn trong một tiếng, về sau kéo dài thêm hẳn nửa tiếng. Ông bảo, đây cũng là ví dụ cho kiểu làm việc “uyển chuyển” đấy.

Tôi nhớ câu hỏi mà một phóng viên nán lại hỏi ông khi tất cả đã đứng dậy: “Ông có hạnh phúc không?”. Chắc vì cả buổi nói chuyện công việc nhiều quá nên Đặng Thái Sơn hiểu nhầm là hạnh phúc trong công việc, ông nói: “Ở vị trí của người đi đầu thì cái gì cũng có hai mặt, vừa hạnh phúc vừa không”. Chị phóng viên giải thích: “Câu hỏi của tôi có tính riêng tư cơ”. Lúc đó, nghệ sĩ mới bật cười: “Có chứ. Tôi lấy tự do làm trên hết. Không một cái giá nào có thể mua tự do của tôi”.

Mi Ly

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link