NSND Hải Ninh với 'Vĩ tuyến 17 ngày và đêm'

30/04/2020 20:29 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - So với những phim về đề tài chống Mỹ thì Vĩ tuyến 17 ngày và đêm được đánh giá là phim sử thi có quy mô lớn, hoành tráng hơn cả. Đây là bộ phim đầu tiên của điện ảnh Việt Nam có độ dài 2 tập, và cũng là bộ phim đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của NSND Hải Ninh (1931 - 2013).

 Quảng Trị: "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm" – 40 năm nhìn lại

Quảng Trị: "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm" – 40 năm nhìn lại

Ngày 30/8, Viện phim Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị tổ chức chương trình giao lưu điện ảnh “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm - 40 năm nhìn lại” tại TP. Đông Hà, Quảng Trị.

1. NSND Nguyễn Hải Ninh sinh ngày 31/12/1931 tại làng Nhân Dục, xã Hoằng Lý, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ông là con út (con bà hai) trong gia đình có 6 anh em. Tuổi thơ của ông in hằn nỗi buồn côi cút. Cậu bé mới 13 tuổi ngơ ngác để tang cha. 1 năm sau (14 tuổi) lại mồ côi mẹ. Cha mẹ lần lượt bỏ ông ra đi năm trước, năm sau để lại cho cậu bé Hải Ninh một khoảng trống, thiếu hụt rất lớn.

Năm 16 tuổi (1947), nghệ sĩ Hải Ninh tham gia cách mạng. Sau 4 năm theo Vệ quốc đoàn, năm 1951, ông trở về tham gia công tác tại địa phương. Không về xã Hoằng Lý, mà ông sang chợ Bút (xã Hoằng Phúc, huyện Hoằng Hóa) cùng mấy anh em mở Hiệu chụp ảnh. Khởi nghiệp của nghệ sĩ Hải Ninh là nghề chụp ảnh.

Nghệ sĩ Hải Ninh đến với điện ảnh như cơ duyên. Cùng nhóm bạn mở một cửa hiệu chụp ảnh ở quê, nhưng ông không dừng ở vị trí người chụp ảnh. Tình yêu, niềm đam mê điện ảnh đã chắp cánh khát vọng vươn xa. Là thế hệ đầu tiên được đào tạo bài bản tại Trường Điện ảnh Việt Nam (nay là Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội), ông đã tạo nên dấu ấn phong cách trong những bộ phim làm đạo diễn.

Mỗi bộ phim, ông đã ghi dấu ấn khó quên trong nền điện ảnh nước nhà, như phim Rừng o Thắm, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Mối tình đầu, Đêm hội Long Trì, Đất mẹ, Bãi biển đời người, Kiếp phù du, Tình yêu bên bờ vực thẳm, Số phận một tình yêu…

Chú thích ảnh
Đôi bạn thân: Đạo diễn Hải Ninh (phải) và Hồng Sến gặp lại nhau tại sân bay Tân Sơn Nhất, tháng 4/1975, sau hơn 10 năm xa cách. Ảnh: Nguyễn Khánh Dư

Cả đời đạo diễn Hải Ninh đam mê, dâng hiến cho điện ảnh. Ở môi trường nào, ông cũng là con người tận tâm, trách nhiệm. Khi làm đạo diễn, ông luôn mày mò, tìm tòi, sáng tạo, tiếp cận cái mới quay những cảnh quy mô, đồ sộ. Điện ảnh là tác phẩm tổng hợp, nên với vai trò đạo diễn, ông như nhạc trưởng với khả năng bao quát; thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của từng thành viên trong đoàn. Ông sống hòa đồng, thân thiện, gần gũi, phát huy trí tuệ tập thể…

Đề cao vai trò sáng tạo của đội ngũ nghệ sĩ, khuyến khích phát huy trí tuệ tập thể, ông tránh tạo áp lực tâm lý cho anh em đồng nghiệp. Song với ông, tất cả phải có tính nguyên tắc. Mục tiêu cao nhất ông đặt ra là chất lượng phim. Phim phải hay, hấp dẫn. Vì thế, trong công việc, ông là người nghiêm túc, tôn trọng tính kỷ luật, luôn đặt yêu cầu khắt khe với toàn bộ ê kíp.

Rút kinh nghiệm bản thân, từ phim đầu tay chưa thành công, ông luôn tìm tòi, thử sức trong nhiều đề tài phim: phim chiến tranh cách mạng đến phim tâm lý tình cảm; phim truyện điện ảnh đến phim tài liệu điện ảnh; phim nhựa đến phim truyền hình… Nỗ lực dấn thân đó với ông là làm được nhiều bộ phim hay cho khán giả.

Sau phim đầu tay Một ngày đầu Thu không thành công ở vai trò phó đạo diễn, nghệ sĩ Hải Ninh từng bước trưởng thành, đứng độc lập ở vai trò đạo diễn. Đến phim Người chiến sĩ trẻ, nghệ sĩ Hải Ninh trở thành đạo diễn thứ nhất cùng Nguyễn Đức Hinh (đạo diễn thứ hai), được chọn gửi đi dự thi LHP Quốc tế tại Moskva và được nhận Bằng khen của Hội Điện ảnh Liên xô (năm 1965).

Trong nước, phim Người chiến sĩ trẻ đoạt giải Bông sen Vàng tại LHP Việt Nam lần thứ nhất (năm 1970). Tuy nhiên, phim cũng không tránh khỏi tính chất minh họa. Những hạn chế này đã được đạo diễn Hải Ninh khắc phục cho những bộ phim ở giai đoạn sau.

2. Ngày 5/8/1964 là thời điểm bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc. Nếu loại hình phim tài liệu ứng chiến ngay, mau lẹ để có những thước phim tư liệu quý phản ánh chân thật những sự kiện lịch sử diễn ra trên đất nước, thì loại hình phim truyện điện ảnh mới là bước chuẩn bị về tư tưởng và tinh thần. Và bước chuẩn bị ấy cũng rất nhanh chóng, kịp thời. Các nghệ sĩ điện ảnh đã kịp thời xây dựng những bộ phim điện ảnh về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, như: Nổi gió (1966), Nguyễn Văn Trỗi (1966), Trên vĩ tuyến 17. Cả ba bộ phim về đề tài chống Mỹ trên đều được khen ngợi, đánh giá cao tại LHP Việt Nam lần thứ I (còn gọi là LHP 4 năm chống Mỹ cứu nước). Phim Nổi gióNguyễn Văn Trỗi đoạt Huy chương Vàng; phim Trên vĩ tuyến 17 đoạt Huy chương Bạc.

Chú thích ảnh
Poster phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”

Cùng với các nghệ sĩ Việt Nam, đạo diễn Hải Ninh âm thầm chuẩn bị dài hơi. Trước hết, theo chuyển hướng làm phim ngắn phù hợp với tình thế chiến tranh, ông biên kịch và đạo diễn phim Rừng o Thắm.

Phim ngắn Rừng o Thắm (1967) có 7 cuốn, xoay quanh 2 cha con sống ở ven đường giao thông ở tuyến lửa ác liệt thời kháng chiến chống Mỹ. Các sự kiện trong phim tạo nên một sự liên tục: Cảnh Thắm kéo cành cây đi giữa rừng phi lao, cảnh mọi người dùng vai đỡ thanh dầm cầu cho xe đi, cảnh dùng cây gỗ kê đoạn đường bom phá hỏng, cảnh diễn biến tâm lý của người cha, cảnh chặt cây phi lao… Phim Rừng o Thắm có sự kết hợp giữa tính tài liệu và tính nghệ thuật đã đoạt Bông sen Bạc tại LHP Việt Nam lần thứ I (năm 1970) cùng với phim Cô giáo HạnhBiển gọi.

Sau phim ngắn Rừng o Thắm (1967), ông đạo diễn 2 bộ phim đề tài chiến tranh chống Mỹ là Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1972) và phim Em bé Hà Nội (1974).

So với những phim về đề tài chống Mỹ thì Vĩ tuyến 17 ngày và đêm được đánh giá là phim sử thi có quy mô lớn, hoành tráng hơn cả. Đây là bộ phim đầu tiên của điện ảnh Việt Nam có độ dài 2 tập. Không gian diễn ra ở vùng đất giới tuyến vô cùng ác liệt. Thời gian chảy dài từ sau năm 1954 cho đến năm 1968.

Là người cẩn thận, nghiêm túc, trách nhiệm với nghề, đạo diễn Hải Ninh chia sẻ việc làm 2 tập phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm giàu tính sử thi như một đặc điểm nổi bật của văn học nghệ thuật thời đó: “Tôi và đồng nghiệp viết kịch bản Vĩ tuyến 17 ngày và đêm trong suốt 3 năm (1969 - 1972). Cứ viết xong kịch bản nháp, lại lặn lội vào tận giới tuyến, đọc cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân vùng giáp ranh phía Bắc nghe. Họ nghe rồi góp ý. Chúng tôi sửa, lại viết cho đến lúc hoàn chỉnh. Có đêm, chỉ với một ngọn đèn chụp trong lọ Pê-ni-xi-lin vàng ệch, chúng tôi đọc kịch bản cho hơn 100 người dân từ bên kia sông tập kết qua. Họ khóc oà lên, cứ hỏi tại sao chúng tôi không sống ở vùng tạm chiếm, mà lại hiểu được đời sống của họ. Đấy, cảm xúc thế nào thì tôi làm phim như thế. Cho nên, có thể nói, phim chiến tranh thời ấy là cảm xúc trực tiếp, là bom đạn trực tiếp, nó có hơi thở đời sống thực, chiến tranh thực, khác với thứ chiến tranh huy động máy bay xe tăng bọc thép gầm rú bây giờ” (Theo Cha - con và chiến tranh trên Tia sáng).

Phim xây dựng 2 tuyến nhân vật đối lập như nước với lửa. Vai Dịu do NSND Trà Giang thể hiện là nhân vật chính của phim được đánh giá là “tượng trưng cho hình ảnh điển hình cao đẹp của người phụ nữ miền Nam - kiên trung, bất khuất, bám dân, bám đất, nắm vững ngọn cờ của Đảng đưa nhân dân vượt qua muôn trùng gian lao tới thắng lợi” (Dẫn theo Lịch sử điện ảnh Việt Nam).

Qua bộ phim cho thấy tài năng của đạo diễn khi xử lý bối cảnh lớn, hoành tráng. Ông như một nhạc trưởng chỉ huy một dàn nhạc hùng hậu, nhưng bố cục chặt chẽ, hợp lý, vừa thấy diện rộng “cánh rừng quần chúng”, vừa thấy điểm chi tiết “từng cây”. Các tuyến nhân vật chính diện - phản diện thể hiện rõ tâm lý, tính cách nổi bật làm bật lên chủ đề tác phẩm. Các diễn viên tài năng đã đảm nhận vai diễn thành công kết hợp hài hòa giữa ngoại hình và nội tâm với từng đặc điểm, tính cách, hợp lý. Ngôn ngữ điện ảnh vững vàng và tương đối hoàn chỉnh.

Vĩ tuyến 17 ngày và đêm là bộ phim thành công, thể hiện một bước tiến vững chắc của điện ảnh Việt Nam.

Vị đạo diễn của những tìm tòi, đổi mới

NSND Hải Ninh là vị đạo diễn luôn có ý thức tìm tòi, đổi mới. Ngoài phim chiến tranh cách mạng, ông còn thành công với thể loại phim tâm lý mà nổi bật là phim Mối tình đầu. Bộ phim đã đoạt nhiều giải thưởng: Bông sen Bạc LHP Việt Nam lần thứ V (năm 1980), giải Đạo diễn xuất sắc dành cho đạo diễn Hải Ninh, giải nam diễn viên xuất sắc cho diễn viên Thế Anh (vai Ba Duy); giải Nhất của UNESCO; Giải Bạc LHP Quốc tế Italy.

Là thế hệ đầu tiên của điện ảnh Việt Nam, NSND Hải Ninh đã có nhiều cống hiến quan trọng cho nền điện ảnh Việt Nam. Ông đã đoạt được 8 giải thưởng trong các kỳ LHP Việt Nam và 9 giải thưởng tại các LHP quốc tế. Trong đó: Phim Vĩ tuyến 17, ngày và đêm đoạt giải Bông sen Bạc tại LHP Việt Nam lần thứ II (năm 1973), giải thưởng Hòa bình thế giới của Liên bang Cộng hòa XHCN Xô Viết (năm 1973), giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất cho NSND Trà Giang tại LHP Quốc tế Moskva (năm 1973). Phim Em bé Hà Nội đoạt giải Bông sen Vàng LHP Việt Nam lần thứ III (năm 1975) và giải Đặc biệt của Ban giám khảo tại LHP Quốc tế Moskva (năm 1975).

Năm 2007, NSND Hải Ninh được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt III với cụm tác phẩm: Em bé Hà Nội, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Người chiến sĩ trẻ, Mối tình đầu và Thành phố lúc rạng đông.

Tình bạn NSND Hải Ninh - NSND Hồng Sến

NSND Hải Ninh là người sống ân tình, hết lòng vì bạn hữu. Tình bạn của hai đạo diễn Hải Ninh - Hồng Sến vẫn được làng điện ảnh nhắc tới với bao xúc động. Tuy tính cách khác nhau, nhưng hai đạo diễn gắn bó tình thân như một cặp trời sinh, thống nhất trong những mặt đối lập. Ông coi Hồng Sến như người anh em kết nghĩa và thường gọi một cách thân mật là “anh Hai Sài Gòn”.

Năm 1964, Hồng Sến cùng Mai Lộc, Vũ Sơn, An Như Sơn và Kim Chi đã từng tập kết ra Bắc nay được điều động trở lại miền Nam công tác. Đôi bạn chia tay nhau lưu luyến, xúc động và cùng hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn. 11 năm sau (4/1975), lời hẹn lúc chia tay của đôi bạn đã trở thành hiện thực tại sân bay Tân Sơn Nhất. Hồng Sến và Hải Ninh vỡ òa niềm cảm xúc. Hải Ninh tiếc chưa có thời gian cùng Hồng Sến về Long An thăm cha mẹ bạn mà ông đã nhận là cha mẹ nuôi…

Rồi nghe tin Hồng Sến mắc bệnh mất sớm (21/1/1995), đạo diễn Hải Ninh thương bạn lắm. Cái tình với bạn, đạo diễn Hải Ninh đã gửi vào cuốn sách Đạo diễn Hồng Sến - con người và tác phẩm (190 trang) do Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin ấn hành tháng 4/2012. Đây là cuốn sách đầu tiên Hải Ninh là tác giả. Ông đã viết một cách khá dày dặn và công phu về chân dung NSND Hồng Sến - một con người mà cả cuộc đời đã cống hiến tài năng và tâm huyết cho sự nghiệp điện ảnh nước nhà.

Dẫu viết về bạn thân, nhưng đạo diễn Hải Ninh luôn thể hiện thái độ khách quan cần thiết của người "chép sử điện ảnh". Chính nhờ ý thức giữ gìn thư tín, tài liệu, bằng sự hiểu biết, tay nghề của đạo diễn yêu nghề, say mê học, tìm tòi, Hải Ninh đã viết với tư cách nhà phê bình phim, một chuyên gia điện ảnh Việt Nam. Cuốn sách Đạo diễn Hồng Sến - con người và tác phẩm đã giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện và sâu sắc về cuộc đời và những tác phẩm điện ảnh của người đạo diễn tài hoa - NSND Hồng Sến.

PGS-TS Lê Thị Bích Hồng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link