10/08/2021 12:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Trong một vở diễn thường có những lớp diễn hay, xuất thần, tinh tế... mà không phải nghệ sĩ nào cũng may mắn có được. Và những lớp diễn ấy thường gắn với sự sáng tạo công phu, dồn hết tâm lực của người nghệ sĩ để tạo nên những nét son để đời. Chúng ta hãy gọi những lớp diễn đắt giá đó là khoảnh khắc đẹp, làm nên giá trị của nhân vật và vở diễn.
Và trong loạt bài này, bằng những ký ức của riêng mình và của riêng thời điểm hiện tại, người viết xin tạm chọn ra 5 nghệ sĩ trong lĩnh vực sân khấu cải lương để giới thiệu cùng độc giả - mà vai diễn của NSƯT Thanh Nga trong Tiếng trống Mê Linh là trường hợp đầu tiên. Bởi, sẽ còn rất nhiều những nghệ sĩ khác xuất sắc không kém, nhưng chúng tôi xin được giới thiệu trong một loạt bài viết khác ở tương lai gần.
Tượng đài lịch sử
Có lẽ trong tất cả các nữ nghệ sĩ đóng vai đào thương, NSƯT Thanh Nga để lại một dấu ấn sâu sắc nhất. Bà là một nghệ sĩ tài sắc vẹn toàn, ra đi khi tuổi đời và tuổi nghề đang độ rực rỡ, để lại bao nuối tiếc trong lòng người hâm mộ. Và trong nhiều vở cải lương làm nên cái tên Thanh Nga, Tiếng trống Mê Linh là một dấu son tuyệt đẹp, gắn với nhân vật Trưng Trắc bi hùng.
Khoảng năm 1960 tại Hà Nội, soạn giả Việt Dung sáng tác vở ca kịch 5 màn lấy tên là Trưng Vương và được xuất bản vào 1972. Sau 1975, đoàn cải lương Thanh Minh - Thanh Nga được tái lập, từ đoàn tư nhân trở thành đoàn tập thể. Họ giao cho soạn giả Vĩnh Điền chuyển thể vở Trưng Vương thành cải lương. Ông đặt tên mới là Tiếng trống Mê Linh, có hợp tác với soạn giả Viễn Châu và Nguyễn Phương biên tập lại cho hoàn chỉnh. Sau đó đạo diễn Ngô Y Linh dàn dựng và đoàn cho công diễn vào dịp Tết 1977.
Vở diễn đã chinh phục khán giả một cách ngoạn mục, suất diễn nào cũng chật kín rạp. Đến năm 1978, vở được Đài Truyền hình TP.HCM thu hình và phát sóng, lan rộng khắp các tỉnh thành, tạo nên một “cơn sốt” vô cùng đặc biệt trong giai đoạn bấy giờ.
Suốt 15 năm kể từ đó, Tiếng trống Mê Linh được phát đi phát lại với tần suất dày đặc, mà khán giả xem hoài không chán. Bởi lẽ, sau khi NSƯT Thanh Nga mất đi, khán giả nhớ thương đau đớn, họ càng say mê xem lại Tiếng trống Mê Linh như một hoài niệm sâu sắc về bà. Lạ một điều, càng xem, người ta càng phát hiện ra cái hay mà lần trước chưa phát hiện. Họ càng xem càng thấm từng lời từng chữ văn chương tuyệt đẹp trong câu thoại, câu ca, và càng phát hiện những cách nhả chữ, cách diễn xuất quá hay của toàn bộ ê kíp diễn viên. Và khi được xem đi xem lại mấy chục lần nhưng chỉ khiến độc giả càng thêm say mê, Tiếng trống Mê Linh đã trở thành một vở cải lương đặc biệt với số phận kỳ lạ để vượt qua mọi vở cải lương khác.
Trong vở diễn, nhân vật Trưng Trắc mà NSƯT Thanh Nga thủ vai đã trở thành một “tượng đài” của tất cả các nhân vật lịch sử từng bước lên sân khấu cải lương. Có thể nói chưa có nhân vật nào tạo được lòng tin yêu vững chắc trong lòng khán giả như nhân vật Trưng Trắc. Tin yêu chứ không phải say mê - bởi 2 chữ “say mê” có lẽ chỉ thể hiện và có chút mong manh, đủ để người ta thờ ơ khi cơn say trôi qua. Còn với tin yêu, đó là sự thẳm sâu, không cần cuồng nhiệt, nhưng chắc chắn, bền vững. Người ta lặng lẽ tin và yêu Trưng Trắc như tin và yêu Thanh Nga. Lòng tin cậy, sự xác tín đã gửi trọn cho vai diễn ấy, chứ không chỉ say mê trên bề nổi.
Thanh Nga đã khắc họa nên Trưng Trắc trong toàn bộ vẻ đẹp sang trọng của bà, trong toàn bộ sự quyết đoán, nghị lực của một nữ anh hùng, và cả nữ tính rực rỡ long lanh giữa rừng gươm, biển giáo. Thanh Nga đã pha trộn cái mềm mại dịu dàng của người phụ nữ phương Đông với sự oai dũng, mạnh mẽ của thủ lĩnh một dân tộc luôn tràn đầy sức mạnh nội tại để sinh tồn.
Trưng Trắc của Thanh Nga như sóng biển, lúc êm ái vỗ vào ghềnh đá như lời thủ thỉ, lời ru, lúc lại ầm ào cuộn lên tạo ra những đợt sóng nhấn chìm kẻ thù xâm lược. Và những đợt sóng ấy không biết lúc nào sẽ êm ái, lúc nào sẽ ầm ào, khi gắn với trí lược sâu xa, với sự nhẫn nại thông tuệ của một Trưng Trắc tài đức mọi bề.
Trữ tình như mọi người phụ nữ
Tiếng trống Mê Linh có những lớp diễn quá hay khiến lòng người thổn thức. Trưng Trắc cũng là một phụ nữ như bao phụ nữ, cũng có tình yêu, có gia đình, có những giây phút dịu dàng tựa nương, chăm sóc. Trong vở diễn có lớp diễn giữa NSƯT Thanh Nga và NSƯT Thanh Sang thể hiện tình chồng vợ thắm thiết, khát khao hạnh phúc đời thường, cùng chia sẻ cho nhau tấm áo, cùng nhắc nhau giữ gìn sức khỏe trong khi làm nhiệm vụ… Cảnh họ choàng áo cho nhau, ngả đầu vào vai nhau, thật sự rung động trái tim khán giả.
Sau những lớp diễn khí thế chống giặc, mưu đồ việc lớn, đấu trí với kẻ thù, thì những cảnh đời thường như vậy chính là nốt trầm da diết khiến người ta phải chùng lòng xuống, không có cảm giác “lên gân” ở một bản anh hùng ca.
Nhưng lớp diễn gây chấn động nhất chính là lớp diễn Trưng Trắc tế sống chồng trước khi ban lệnh xuất quân. Vì nghĩa lớn, và cũng vì Thi Sách nhắn nhủ, nên Trưng Trắc phải chọn đại cuộc mà hy sinh người bạn tào khang. Thật sự biết khi ngọn cờ mình phất lên thì chồng phải bị chết thiêu trong tay kẻ thù, đó quả là một điều kinh khủng đối với người phụ nữ. Thanh Nga diễn một cách tuyệt vời, khi nhân vật Trưng Trắc của bà không khóc để khỏi làm ba quân tướng sĩ yếu lòng. Sự đau đớn của nhân vật dồn hết và kết tinh vào đôi mắt. Thanh Nga - Trưng Trắc chỉ nhẹ nhàng bày hương án rồi lạy chồng 3 lạy. Nhưng mỗi lạy là một lời thủ thỉ tâm sự đến nát cả tim gan: “Nhớ năm xưa chúng ta hiệp cẩn/ Đã lạy nhau 3 lạy để vầy cuộc trăm năm/ Thời gian qua thiếp chưa từng lỗi đạo vợ hiền/ Chàng cũng vẹn nghĩa tình phu tướng”.
Ai cũng biết, thời của Trưng Trắc là thời mẫu hệ, nhưng những lễ nghĩa phong kiến vẫn khiến người phụ nữ có những chuẩn mực khá đẹp. Bởi thế, dù là một nữ tướng, khi đối với nhà chồng họ vẫn vẹn tròn bổn phận, vẫn nhún nhường một cách khiêm nhường, vẫn mềm mại mà chinh phục trái tim người chồng. Từ một Trưng Trắc oai hùng biến thành người vợ lạy chồng với tất cả niềm yêu kính và đớn đau, NSƯT Thanh Nga đã biến lớp diễn này thành lớp diễn có thể nói là đẹp nhất trong lịch sử cải lương. Bàn tay bà chầm chậm thắt vành khăn tang trắng lên đầu là lúc nước mắt khán giả rơi xuống như mưa.
Nhưng khóc mà không hề bi lụy, mà vẫn đồng cảm với nỗi đau đang biến thành sức mạnh. Lịch sử qua lăng kính của sân khấu sao mà đẹp tuyệt vời!
Vài nét về NSƯT Thanh Nga NSƯT Thanh Nga (1942 - 1978) là nghệ sĩ cải lương từng được mệnh danh là "Nữ hoàng sân khấu" của miền Nam. Bà xuất hiện trên nhiều lĩnh vực như điện ảnh, ca vọng cổ và đặc biệt là sân khấu cải lương, với hàng loạt vai diễn trong các vở kinh điển như: Bên cầu dệt lụa, Đời cô Lựu, Lan và Điệp, Phạm Công Cúc Hoa, Tiếng trống Mê Linh, Thái hậu Dương Vân Nga. Sau khi qua đời, Thanh Nga đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu NSƯT năm 1984. Tên của bà cũng được đặt cho một con đường tại TP.HCM vào năm 2015. |
(Còn tiếp)
Hoàng Kim
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất