27/01/2021 17:08 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Tôi xem lại bộ phim Đường thư do Bùi Tuấn Dũng gửi đường link và thực sự xúc động. Đúng là đạo diễn trẻ đã nhìn chiến tranh bằng một góc nhìn khác, lãng mạn và hấp dẫn. Trong ùng oàng bom đạn khô khốc, trong cảnh bi thương chết chóc là những khuôn hình vô cùng trong trẻo, lãng mạn, chất văn thấm đẫm...
1. Tôi đặc biệt ấn tượng với phong cách thời trang rất “hippie” của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng trong bộ đồ phong trần: Đôi ủng cao, chiếc mũ vành, nai nịt gọn gàng mang phong cách thời trang cao bồi miền Tây nước Mỹ; vừa đầy chất lãng tử, vừa có độ phóng khoáng bay bổng; vừa đủ chất du mục trên mình ngựa chiến bay trên cánh đồng cỏ hoang như một chiến binh mạnh mẽ, can trường. Một phong cách được coi là hippie ấn tượng riêng của Tuấn Dũng.
Thực ra, đó mới chỉ là hình thức bên ngoài. Có lẽ ấn tượng hơn với đạo diễn trẻ này phải kể đến phong cách đạo diễn tiềm tàng đầy nội lực, nhất là khi nghe Bùi Tuấn Dũng tuyên bố: “Tôi kể chuyện theo cách của tôi và đặt tính hấp dẫn của chuyện phim lên hàng đầu”…
NSƯT Bùi Tuấn Dũng sinh năm 1972 trong gia đình binh nghiệp. “Bầu khí quyển” gia đình quân ngũ với những câu chuyện chiến tranh, gặp gỡ, liên hệ, giao tiếp… đã đi vào cuộc sống của anh một cách tự nhiên. Người anh trai hy sinh trước ngày Dũng ra đời 3 ngày đã luôn ám ảnh, hiện hữu trong yêu thương, nhớ tiếc của mọi thành viên trong gia đình.
Chiến tranh, trận mạc như đã chảy vào máu. Tôi tin sự ảnh hưởng rất vô thức này ở Tuấn Dũng cũng như tôi là một nhân chứng sống. Di chứng chiến tranh đeo bám từ khi cha tôi hy sinh năm 1968 cho đến bây giờ. Là một nhà văn, tôi tự khoanh vùng đề tài của mình: Chiến tranh và người lính. Tất tần tật, từ sáng tác đến nghiên cứu của tôi cũng không ngoài “vùng phủ sóng” này.
Từ bé, Bùi Tuấn Dũng đã bộc lộ thiên hướng nghệ thuật, mặc dù trong gia đình không ai theo con đường này. Anh mê đọc sách, hí hoáy viết, chơi guitar, thích chụp ảnh, mê phim ảnh… Niềm đam mê đã dẫn dụ Tuấn Dũng đến với Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội không một chút băn khoăn.
Khi đang là sinh viên, anh đã được làm trợ lý phim Huyền thoại Thủ đô - một bộ phim về Hà Nội. Tình yêu Hà Nội đi tiếp cùng anh phim Hà Nội, Hà Nội. Năm 2000, Bùi Tuấn Dũng là sinh viên duy nhất của lớp đạo diễn điện ảnh chỉ có 2 sinh viên tốt nghiệp năm đó.
Khởi nghiệp điện ảnh của Bùi Tuấn Dũng được xem là khá suôn sẻ và thuận lợi. Anh đầu quân cho Hãng phim truyện Việt Nam (VFS); tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội và Điện ảnh Quốc tế Sài Gòn; là thành viên Ban Giám khảo nhiều kỳ LHP Việt Nam…
Đến nay, với hơn 20 năm tuổi nghề, nhìn vào gia tài của NSƯT Bùi Tuấn Dũng đóng góp cho nền điện ảnh nước nhà thật đáng nể. Đó là 6 bộ phim truyện nhựa: Đường thư (năm 2004), Hà Nội Hà Nội (năm 2005, phối hợp cùng đạo diễn người Trung Quốc Lưu Chí Vĩ, Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc sản xuất: Hà Phạm Phú, diễn viên: Minh Tiệp, Can Đình Đình…);Vũ điệu tử thần (năm 2006), Những người viết huyền thoại (năm 2013), Thầu Chín ở Xiêm (năm 2015) và phim Khúc mưa (thực hiện năm 2020 đang chờ ra rạp). Ngoài ra, anh thành công ở loại phim truyền hình, với Linh lan trắng (năm 2007), Nhiệm vụ đặc biệt (năm 2009), Đi qua ngày biển động (năm 2010), Vòng tròn cạm bẫy (năm 2010), Đường lên Điện Biên (năm 2015), Hoa đại trắng...
2. Công chúng ấn tượng với Bùi Tuấn Dũng ở chính dòng phim chiến tranh cách mạng. Anh luôn tìm tòi cách kể câu chuyện chiến tranh theo cách riêng, mạch lạc, đơn giản nhất để ai xem cũng có thể hiểu nội dung phim. Bùi Tuấn Dũng đề cao tính hấp dẫn và giải trí bằng những thủ pháp kể chuyện. Cách kể chuyện hấp dẫn đã định hình một phong cách nghệ thuật. Điều quan trọng phải kéo khán giả vào những tình huống gay cấn cùng nhân vật của mình.
Theo anh, có kịch bản hay, có ê kip sáng tạo tốt là những điều kiện rất cần, trong đó anh còn coi trọng khâu tuyển chọn diễn viên. Diễn viên phải thể hiện tốt những tình huống câu chuyện, diễn xuất tự nhiên, phải chạm đến được trái tim công chúng. Vì thế, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cực khó tính đi tìm nhân vật cho phim. Quan điểm đó khiến đạo diễn rất kỳ công chọn diễn viên cho những bộ phim của mình từ Đường thư, Đường lên Điện Biên đến Những người viết huyền thoại, Thầu Chín ở Xiêm…
Tuyển diễn viên phim Những người viết huyền thoại, ngoài Hoàng Hải đóng nhân vật tướng Dinh (người Bắc), đạo diễn chọn 2 diễn viên miền Nam vào vai 2 chiến sĩ miền Bắc: Trương Minh Quốc Thái và Tăng Bảo Quyên. Đặc biệt, anh đã nhắm diễn viên Tăng Bảo Quyên cho vai cô văn công người Hà Nội sau hành trình tìm kiếm dài dài.
Là người quê lúa Thái Bình, gắn bó với Hà Nội, Bùi Tuấn Dũng muốn nhân vật của mình phải tiềm ẩn chất người Hà Nội. Vì thế, cô gái Nam Bộ vào vai này theo đúng tiêu chuẩn của đạo diễn và chỉ phải mỗi một việc là lồng tiếng Bắc. Diễn viên Tăng Bảo Quyên đã thể hiện khá tốt vai một cô văn công người Hà Nội vừa mạnh mẽ, quyết đoán, gan dạ, vừa rất đỗi đằm thắm, dịu dàng, lãng mạn. Đó chính là một điểm nhấn lãng mạn giữa khốc liệt của chiến tranh theo cách của Bùi Tuấn Dũng. Anh chú trọng xây dựng vẻ đẹp của các nhân vật thông qua những thủ pháp gây “ép phê mạnh” (từ của Tuấn Dũng).
Là lớp đạo diễn thế hệ 7X, NSƯT Bùi Tuấn Dũng chia sẻ quan điểm làm phim của mình: “Từ những tình huống nhỏ, câu chuyện nhỏ góp lại cho phim là vấn đề không hề nhỏ. Phim phải có tính tư tưởng. Tư tưởng của nhân vật là tư tưởng của một công dân, tư tưởng của Tổ quốc. Phim nói về cái tôi có tính sử thi và phi sử thi, trong đó cái tôi phải thể hiện được tâm hồn, tính cách văn hóa Việt. Kể cả cái tôi mang tính bi kịch, nhưng bi kịch thương đau được nhân cách hóa bằng huyền thoại. Chất anh hùng ca không tách khỏi hiện thực đau thương của đất nước. Kể cả nói tới cái chết thì cũng chính là gieo mầm cho sự sống.
Mục đích của tôi và các nghệ sĩ là phim là phải chạm đến trái tim công chúng, nhất là công chúng trẻ hôm nay (trong đó có tôi) chỉ biết chiến tranh qua ký ức cha anh, qua di vật, di ảnh ở bảo tàng, qua ký ức của người thân, qua tác phẩm văn học…Tác phẩm nghệ thuật làm bằng ngôn ngữ điện ảnh sẽ có nhiều lợi thế giúp công chúng hôm nay hiểu về lịch sử dân tộc, truyền thống yêu nước của cha anh. Vấn đề quan trọng và cần thiết với tôi là cách kể chuyện phim phải hay và hấp dẫn”.
3. Năm 2004, Bùi Tuấn Dũng được lãnh đạo Hãng Phim Truyện Việt Nam giao đạo diễn bộ phim truyện nhựa Đường thư. Đây là phim đầu tay của anh, là kịch bản của nhà biên kịch Đoàn Tuấn đã từng đoạt giải Ba cuộc thi kịch bản phim truyện năm 2001 của Cục Điện ảnh.
Khi bắt tay làm phim, Bùi Tuấn Dũng được coi là đạo diễn trẻ nhất (32 tuổi) của Hãng Phim Truyện Việt Nam thực hiện phim nhựa. Tôi xem lại bộ phim Đường thư do Bùi Tuấn Dũng gửi đường link và thực sự xúc động. Đúng là đạo diễn trẻ đã nhìn chiến tranh bằng một góc nhìn khác, lãng mạn và hấp dẫn. Trong ùng oàng bom đạn khô khốc, cảnh bi thương chết chóc là những khuôn hình vô cùng trong trẻo, lãng mạn.
Đó là những cánh rừng Trường Sơn xanh mát, là cảnh thiếu nữ tắm suối khiến bàn chân anh lính trẻ khựng lại, tâm trạng xôn xao, bàng hoàng; là phút hiếm hoi trên chặng đường hành quân viết thư cho người yêu; là cảnh bến sông quê nông thôn Bắc Bộ đậm văn hóa Việt thời chiến tranh…
Mặc dù công nghệ làm phim năm 2004 còn cũ, chất lượng âm thanh, ánh sáng… còn hạn chế, nhưng Đường thư vẫn nhận được bao tình cảm của công chúng. Trong bộ phim đầu tay này, Bùi Tuấn Dũng gửi bao cảm xúc, định hình một cách kể chuyện của người trẻ về chiến tranh. Chất văn thấm đẫm. Đối thoại ngắn súc tích, hiệu quả. Cảnh An nấn ná nhìn cảnh các cô gái tắm suối và câu nói của Tân không có gì có thể thật hơn: “Hám gái thì có gì mà xấu”. Tân mơ ước ngày hết chiến tranh về quê cưới cô vợ béo khỏe để đẻ cho một lũ con. Cảnh đồng đội đọc chưa hết lá thư nhà và người lính hy sinh đã chạm đến cảm xúc thiêng liêng của công chúng…
Phim Những người viết huyền thoại (biên kịch: Nguyễn Anh Dũng, quay phim: Lý Thái Dũng, họa sĩ Nguyễn Nguyên Vũ, nhạc sĩ Hoàng Lương, diễn viên: Tăng Bảo Quyên, Trương Minh Quốc Thái, Bảo Thanh…) đã làm nên một huyền thoại Bùi Tuấn Dũng. Nhân vật tướng Dinh trong phim dựa trên nguyên mẫu Thượng tướng Đinh Đức Thiện và đoàn 559 trong công cuộc xây dựng đường ống xăng dầu chạy từ biên giới phía bắc đến miền Đông Nam Bộ.
Những người viết huyền thoại chạm đến trái tim người xem với “cơn mưa” giải thưởng tại LHP Việt Nam lần thứ XVIII -2013: Bông Sen vàng; giải phim truyện điện ảnh được yêu thích nhất do khán giả bình chọn, Giải Biên kịch xuất sắc nhất cho Nguyễn Anh Dũng, Giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất cho Tăng Bảo Quyên, Giải Nam diễn viên xuất sắc nhất cho Trương Minh Quốc Thái, Giải Họa sĩ thiết kế mỹ thuật xuất sắc nhất cho Nguyễn Nguyên Vũ; Giải thưởng của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2013: Giải Đặc biệt cho phim truyện điện ảnh về đề tài chiến tranh cách mạng, Giải Họa sĩ thiết kế xuất sắc nhất cho Nguyễn Nguyên Vũ, Giải Âm nhạc xuất sắc nhất cho Hoàng Lương, Giải Âm thanh xuất sắc nhất cho Bành Bắc Hải.
4. Trong số phim về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Bùi Tuấn Dũng đã đạo diễn bộ phim Thầu Chín ở Xiêm (biên kịch: Đinh Thiên Phúc, Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam). Trước phim Thầu Chín ở Xiêm đã có một số bộ phim truyện nhựa làm về Bác, như: Hẹn gặp lại Sài Gòn (đạo diễn Long Vân), Hà Nội mùa Đông năm 46 (đạo diễn Đặng Nhật Minh), Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông (đạo diễn Khắc Lợi), Vượt qua bến Thượng Hải (đạo diễn: Triệu Tuấn và Phạm Đông Vũ)...
Học hỏi, rút kinh nghiệm người đi trước, đạo diễn trẻ quyết định xây dựng nhân vật theo phương án bám sát lịch sử mà không cố mô phỏng lịch sử. Bùi Tuấn Dũng vẫn chọn cách kể chuyện rất riêng. Một câu chuyện xúc động về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian hoạt động ở Thái Lan từ 1928 đến 1929.
Bùi Tuấn Dũng đã viết đầy xúc động: “Thực sự, ông đã làm gì với kiều bào ở đất nước này, để nhiều chục năm sau họ vẫn nhớ về ông, đi theo con đường của ông, cùng ông về nước chiến đấu, hy sinh giành độc lập. Tôi đã tới Pháp, đi khắp hang cùng ngõ hẻm, ngồi trên mỗi ghế đá, nơi người thanh niên Nguyễn Ái Quốc đã từng ngồi, ăn ở những nơi có thể ông đã từng ăn... Tôi tới Thái Lan, nhiều lần, đi theo con đường ông đã đi, hàng tháng trời để cố hiểu, thực sự ông đã làm gì? Sự thật lịch sử thông qua những gì bộ phim kể lại…”.
Sau khi bộ phim công chiếu ở Thái Lan, một con đường mang tên Thầu Chín đã được khai trương và gắn biển ở Udon Thani (Đông Bắc Thái Lan) và đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đã vinh dự được lưu danh trên cây lưu niệm tại 2 tỉnh Phichit và Udon Thani của Thái Lan.
Những bộ phim này đã ghi dấu ấn mạnh mẽ và tự thân đã hình thành nên một phong cách phim chiến tranh, cách mạng mang tên Bùi Tuấn Dũng.
Bên cạnh phim truyện nhựa, NSƯT Bùi Tuấn Dũng còn đạo diễn một số bộ phim truyền hình nhiều tập. Có thể, giải Đạo diễn xuất sắc nhất cho phim dài tập “Đám cưới ở thiên đường” là “cú hích”, tạo động lực cho đạo diễn trẻ “tấn công” sang phim truyền hình: Đường lên Điện Biên (25 tập), Linh lan trắng (33 tập) phát sóng trên HTV7 đã gây được sự quan tâm của khán giả TP Hồ Chí Minh; Giấc mộng văn chương (10 tập); Sau những giọt mưa thu (50 tập); Vũ điệu tử thần (phần 1, chuyển thể từ kịch bản phim nhựa, 50 tập)…
(Còn tiếp)
“Mục đích của tôi và các nghệ sĩ là phim là phải chạm đến trái tim công chúng, nhất là công chúng trẻ hôm nay (trong đó có tôi) chỉ biết chiến tranh qua ký ức cha anh, qua di vật, di ảnh ở bảo tàng, qua ký ức của người thân, qua tác phẩm văn học…” (Phát biểu của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng) Bộ sưu tập giải thưởng của Bùi Tuấn Dũng Giải Cánh diều vàng: cho phim truyện nhựa xuất sắc nhất “Hà Nội Hà Nội” (2006); Đạo diễn xuất sắc nhất phim truyền hình dài tập “Đám cưới ở thiên đường” (2006); Giải Cánh diều đặc biệt phim “Những người viết huyền thoại” , (2013). Giải Bông sen vàngphim truyện nhựa xuất sắc: Phim “Hà Nội Hà Nội” phim truyện nhựa xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XV; “Những người viết huyền thoại” tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XVIII. Giải Khán giả bình chọn phim truyện yêu thích nhất: Phim “Hà Nội Hà Nội” tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XV; phim “Những người viết huyền thoại” tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XVIII. Giải Ban Giám khảo cho phim truyện nhựa: Phim “Vũ điệu tử thần” tại Liên hoan phimViệt Nam lần thứ XV. Giải Văn học Nghệ thuật Bộ Quốc phòng 2004-2009 trao cho cả hai thể loại, phim truyện nhựa và phim truyền hình “Đường Thư” và “Âm sắc của màn đêm”; Giải Văn học Nghệ thuật Bộ Quốc phòng 2010-2015 phim truyện “Những người viết huyền thoại”. Phim “Thầu Chín ở Xiêm” đoạt Giải A, Cuộc thi sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (Ban Tuyên giáo Trung ương); Giải A, Giải thưởng văn học nghệ thuật, báo chí đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng 5 năm (2014 - 2019) của Tổng Cục Chính trị, Quân đội nhân dân Việt Nam. Riêng phim “Những người viết huyền thoại” đã nhận được 6 giải thưởng quan trọng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XVIII- 2013. |
PGS-TS LÊ THỊ BÍCH HỒNG
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất