05/03/2013 19:25 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Đám tang của nghệ nhân Hà Thị Cầu đã diễn ra lặng lẽ ở quê nhà, đâu đó tiếng khóc than ai oán nỉ non. Trên suốt dọc đường đưa tang, các cụ bô lão trong làng luôn miệng cầu kinh niệm Phật để vong linh cụ được siêu thoát, vãng sinh miền cực lạc.
Điều đặc biệt trong đám tang của nghệ nhân Hà Thị Cầu là có hẳn một đội múa sinh tiền rất oách. Chị Mận, con gái cụ cho hay, sau trận ốm hồi trước tết, tỉnh dậy mẹ đã nhờ chị viết một bản di chúc, dặn dò tới 4 trang giấy. Bên cạnh đó là kể những câu chuyện về cuộc đời hát xẩm của mình. Nghệ nhân có một mong muốn là đám tang phải có một đội múa sinh tiền. Con gái hỏi, đám ma buồn sao lại múa sinh tiền, nghệ nhân Hà Thị Cầu thủng thẳng đáp. Múa cho vui, mẹ thích nằm xem như vậy.
Hình ảnh đội múa sinh tiền tại đám tang
Nghệ nhân Hà Thị Cầu cũng dặn con khi mất đi thì mua cho cụ một chút vàng mang theo bên người, đặt dưới đầu chứ không đặt ở miệng. Cụ bảo, đặt vào miệng là khóa miệng lại, còn đặt ở dưới đầu để cụ mang theo cho nó giàu có, như thế Xẩm mới lớn mạnh được.
Báu vật dân gian mất đi, một tổn thất rất lớn cho nền văn học nghệ thuật nước nhà. Tham gia lễ viếng cụ tại căn nhà nhỏ nằm ven đường có cả thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên, đại diện Cục di sản, Cục nghệ thuật Biểu diễn, đồng chí Phạm Quang Nghị - Bí thư Thành Ủy Hà Nội, Ủy viên trung ương Đảng – bí thư tỉnh ủy Ninh Bình Đặng Văn Nam, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam – NS ƯT Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát chèo Hà Nội, Nhà hát chèo Ninh Bình, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội nghệ sĩ sân khấu, Ban Nhà văn trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam, Viện Âm nhạc cùng nhiều nghệ sỹ... Đặc biệt, nhiều thế hệ học trò của nghệ nhân Xẩm Hà Thị Cầu cũng có mặt, lặng lẽ bên cụ. Họ cũng sẽ là thế hệ tiếp nối cuộc đời vinh quang của nghệ nhân Hà Thị Cầu .
Nguyễn Thị Thanh - con gái anh Nguyễn Văn Cầu, cháu nội của nghệ nhân Hà Thị Cầu cũng đã bắt đầu yêu những câu hát xẩm. Dù được tiếp xúc với Xẩm từ nhỏ nhưng Thanh luôn ngại ngần mỗi khi bị chúng bạn trêu đùa. Nhưng giờ đây Thanh đã không còn ngần ngại nữa và đã tập hát được bài Theo Đảng trọn đời của bà nội mình sáng tác. Thông tin này khiến cho những nhà nghiên cứu, nghệ sĩ cảm thấy rất vui mừng.
Nguyễn Thị Thanh cháu nội cụ Cầu
Nhóm nghệ sỹ Xẩm Hà Thành, nghệ sỹ Mai Tuyết Hoa, nhạc sĩ Quang Long, Giáng Son, Khương Cường đã về với “bu Cầu” từ chiều hôm trước. Thắp cho người thày dạy những nén nhang thơm. Đêm xuống, trước vong linh người, họ còn mang nhị, phách ra để hát cho “U” nghe. Những bản Xẩm như Thập ân có sức lay động lòng người. Họ cùng chia sẻ, được về và hát trước vong linh của “U Cầu” là tâm nguyện của các nghệ sỹ. Sáng nay, cũng họ đưa nghệ nhân ra đồng, ném cho cụ nắm đất, về nhà vái lạy trước vong linh người một lần nữa mới nguyện lòng rời xa...
Nhóm nghệ sỹ Xẩm Hà Thành: Mai Tuyết Hoa, Quang Long, Giáng Son, Khương Cường
Sau đây là những hình ảnh đưa tiễn cụ Cầu:
Linh cữu của nghệ nhân Hà Thị Cầu bên các con cháu.
Ban lễ tang do UBND xã Yên Phong (Yên Mô, Ninh Bình) thành lập gồm nhiều cán bộ ban ngành ở địa phương
Ban lễ tang đọc công trạng, vinh danh người hát Xẩm cuối cùng của thế kỷ.
Ông Vương Duy Biên – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến chia buồn cùng gia đình từ tối 4/3.
Ông Cầu, con trai nghệ nhân đã nói lời cảm ơn bà con, các ban ngành đã tới phúng viếng, tiễn đưa mẹ.
Đám tang có rất nhiều bà con thương tiếc, tiễn đưa.
Đây có lẽ là đám tang đông hiếm có ở nơi làng quê Ninh Bình. Ấy vậy mà rất lặng lẽ. |
Các cụ tụng kinh, niệm Phật để vong linh nghệ nhân Hà Thị Cầu siêu sinh tịnh độ.
Học sinh của làng cũng được huy động để vác cờ và hoa viếng cụ.
Đám tang được thực hiện theo phong tục cổ truyền của người Việt
Cha đưa, mẹ đón, con trai cụ Hà Thị Cầu đi giật lùi đón mẹ.
Cầu mong cho hương hồn cụ sớm siêu thoát, vãng sinh miền cực lạc
Song Long
Ảnh Đào Gia Long, Khương Cường
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất