Cách đây khoảng 2 tháng, Victor Vũ mời tôi đóng một vai trong Chuyện tình xa xứ, khi phim đang quay được 2 tuần thì Lưu Huỳnh gọi tôi đến và đề nghị ký hợp đồng với vai võ này.
“Chị là sự lựa chọn cuối cùng của em, em mong đây sẽ là một vai lạ của chị” - tôi nhớ Lưu Huỳnh nói như vậy. Nhưng mới đầu nghe đến chuyện tập võ, và tập rất nặng, cũng thấy “nhợn” nên khá chần chừ với cái hợp đồng ấy. Tôi nói với Lưu Huỳnh và Bình chủ nhiệm rằng: hãy để tôi tập võ trước đã, nếu thấy được, thì hãy ký, không thì thôi. Sau một thời gian tập ở CLB Nguyễn Du, tôi thấy mình khoẻ ra hẳn, ăn uống và đi lại cũng nhanh nhẹn hơn, tôi đã nhận lời. Và đây cũng là phim thứ 2 mà tôi tham gia với hãng Thần Đồng, sau
Chuyện tình xa xứ, hình như đây cũng là 2 phim đầu tiên của họ.
* Và đây là 2 phim mà chị khỏi phải qua casting, vì 2 đạo diễn đã biết khả năng nên đã có ý “đo ni đóng giày” từ trước?
Tôi quá nhiều việc nên chẳng khi nào đi casting cả, cũng chẳng gọi trước cho các đạo diễn để “dàn xếp” xin vai. Nhiều khi ông bà mình nói cũng lý thú: hay không bằng hên, hình như người ta viết trúng vai của mình và họ cũng chọn trúng người, vậy là mình đóng luôn, chứ chẳng phải mình tài giỏi gì.
* Đã định hình trong lòng khán giả với hàng chục vai khác nhau, chị nhận vai này có thật là để làm mới mình, hay vì một lý do nào khác?
Tôi nhận vai này là vì Lưu Huỳnh. Hơn 10 năm trước, tôi với đạo diễn này làm chung với nhau một phim ca nhạc có tên là Ca dao mẹ (1997), phim video nhưng làm như phim nhựa, tôi thích cách làm việc nghiêm túc. Tôi cũng phải làm cho đạo diễn thấy rằng mình cũng có khả năng làm mới, làm lạ hình ảnh trong mắt khán giả vào tết năm này. Chính Lưu Huỳnh đã nói, khi viết vai này cũng đã có nhiều “dòm ngó” đến tôi. Đây là sự cộng tác mà cả hai bên đều hài lòng, vui vẻ.
Kim Xuân ở ngoài phim trường xã Duy Trinh
* Với chị thì vai này có khó không?
Tôi không nói chữ khó mà chỉ sợ mình chưa thuyết phục được những người biết võ thông cảm. Tôi không phải là võ sư, nhưng tôi là diễn viên, phải cố gắng thể hiện làm sao cho có nét, có lực. Đừng tưởng rằng mình nhiều kinh nghiệm trong diễn xuất là có thể bước qua vai võ dễ dàng, vẫn chập chững như thường, nghề diễn viên nó kì lạ lắm, mỗi nhân vật là một hoàn cảnh, một thân phận khác nhau. Tôi ghét cái cụm từ diễn như chơi, diễn như không diễn, vì đây là một cái sàng, không nghiêm khắc với mình là rớt xuống nia liền.
* Suốt mấy tuần quay vừa rồi, cảnh nào làm chị cảm thấy “chập chững” nhất?
Tôi không còn và không thể chập chững khi bước ra phim trường, tôi đâu phải mới vào nghề hay là người diễn “tay ngang”. Chập chững là ở trong tâm lý, ở nơi sàn tập kia, sau 2 tháng tập luyện, mình đã đi vào phim từ lâu rồi. Lưu Huỳnh nổi tiếng làm việc với người thật việc thật, vai Long do 5 diễn viên đảm trách, bé nhất là mười mấy ngày tuổi, tôi bồng nó lên mà rất lo, con người ta đẻ ra, có bề gì thì mình ân hận. Cũng tại ngôi miếu này, tôi đã vài lần cầu nguyện cho mọi việc rất thật ấy diễn ra suôn sẻ.
* Mấy chục đứa trẻ diễn viên quần chúng đóng vai học trò của chị, họ có làm chị bực mình không?
Với phim hay sân khấu, NSƯT Kim Xuân cũng đã đóng trên 100 vai. Riêng đầu năm 2008 này, ngoài 2 phim nhựa vừa đề cập, ngoài các vở kịch ở IDECAF và trên truyền hình, nữ nghệ sĩ này còn có vai trong các phim truyền hình như: Ký sự pháp đình của Tường Phương, Chuyện tình trắng đen của Trương Dũng, Âm tính của Phương Điền… |
Tôi chưa thấy ở đâu mà người dân yêu nghệ thuật và ứng xử có văn hoá như dân xã Duy Trinh này, khi nói im lặng, tất cả lặng ngắt như tờ, nhiều người đến xem cảnh quay còn bỏ điện thoại di động ở nhà. Mấy chục đứa trẻ rất dễ thương, họ nhập vai rất nhanh, và làm việc rất chịu khó, chẳng mấy khi than vãn như một vài “ngôi sao” ở các phim trường khác. Chính những hoàn cảnh thực tế như vầy mà tôi thêm yêu quý, trân trọng nghề diễn viên, mình không thể cẩu thả hay thiếu nghiêm túc.
* Thói quen dễ nhận biết nhất của chị khi ra phim trường là gì?
Tôi không dám nhìn monitor sau mỗi đúp diễn, vì sợ mình quá thất vọng hay quá hài lòng, tôi cứ để những nhà chuyên môn và mọi người xem, có lẽ họ sẽ khách quan hơn. Tôi chỉ coi lại phim khi nó đã hoàn tất.
Văn Bảy