(Thethaovanhoa.vn) -
Scandal – Bí mật thảm đỏ ra mắt từ hơn 1 năm nay, bỗng khiến dư luận giật mình vì bộ phim không cấm trẻ em dưới 16 tuổi lại có những “cảnh nóng” và bạo lực bị xem là không phù hợp với trẻ em 13-14 tuổi.
TT&VH Cuối tuần có cuộc trao đổi với nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã – thành viên Hội đồng duyệt phim quốc gia – về giới hạn của “cảnh nóng”, bạo lực trong phim cũng như bài toán mà Scandal – Bí mật thảm đỏ đặt ra trong thực tế hiện nay.
* “Cảnh nóng”, bạo lực trên phim lưu hành ở Việt Nam (kể cả phim nội và phim ngoại nhập) hiện nay ở mức độ nào thì bị cắt hoặc bị cấm chiếu?
- Một “cảnh nóng” sẽ bị cắt khi gợi dục chứ không phải gợi cảm. Nói vậy thôi, chứ cảm giác đấy khó lắm. Những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh là: “Truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục…”. Vì thế, những cảnh sex mà không gợi cảm giác như thế thì ổn. Ví dụ như trường hợp phim
Chạm, cảnh sex không hề gợi dục mà gợi cảm xúc đẹp về sự đụng chạm xác thịt, ngôn ngữ giao lưu con người thì vẫn được chấp nhận.
Với những cảnh bạo lực cũng thế. Nếu nhất thiết phải đâm chém nhau ở những đoạn kịch tính, thậm chí cao trào của kịch tính thì chấp nhận được. Hoặc trong một số phim Mỹ người ta làm, khi dao chém xuống nhưng không có hình ảnh máu bắn tung tóe gây cảm giác rùng rợn, ức chế thần kinh quá mạnh thì cũng chấp nhận được.
Hoặc có hình ảnh không chỉ kích động thần kinh mà còn gây cảm giác giết nhau rất dễ, giết chóc mà không chịu hậu quả, hay nguyên nhân phi luân thì đương nhiên phải cấm.
* Việc cấm hay không cấm, cắt hay không cắt những cảnh/phim có “cảnh nóng” hay bạo lực có thường gây tranh cãi trong hội đồng không, thưa bà?
- Thường thì khá thống nhất, vì nó là chuẩn mực đạo lý, nên dễ thấy.
* Có ý kiến cho rằng, hội đồng duyệt khá “nhẹ tay” phim ngoại nhưng khắt khe với phim nội. Bà nghĩ sao về ý kiến này?
- Thực ra, đôi khi cũng có tâm lý phim ngoại là chuyện ở nước ngoài. Ví dụ, phim ngoại về cảnh sát bẩn không cấm, nhưng nếu là phim Việt Nam mà hình ảnh cảnh sát quá tệ hại thì lại là vấn đề. Trở lại câu hỏi trên về yếu tố bạo lực, khi bạo lực nó hợp lý, không thể bóc bỏ vì sẽ mất tính kịch, logic của câu chuyện, thì cảnh bạo lực sẽ không bị cắt. Cảnh sát bẩn sát hại một ai đó, sau đó bị một cảnh sát khác giết thì không cắt bỏ mà có chăng chỉ giảm bớt hình ảnh máu me.
Nhưng phải nói rằng, nhược điểm của phim Việt là cảnh bạo lực không đáp ứng chân lý nào. Ở đó, bạo lực không giải quyết vấn đề mang tính đạo lý hay nhân danh công lý nào cả. Một người sát hại ai đó để bảo vệ lẽ phải rồi phải chịu đi tù thì chấp nhận được, giết chóc mà không sao cả, không bị trả giá thì khác nào xúi người ta giết người đi? Xin khẳng định, hội đồng không bao giờ nhẹ tay với phim nước ngoài, nước ngoài làm phim giỏi hơn mình, và tính hợp lý thì không thể phủ nhận.
Phim Chạm không bị Hội đồng duyệt phim Quốc gia cắt bất kỳ “cảnh nóng” nào vì quá đẹp và gợi cảm |
* Thế còn quan điểm cho rằng: để qua cửa ải của hội đồng duyệt, cứ tránh chuyện tình dục và bạo lực đi… cho lành; cứ làm hài nhảm - loại phim không vi phạm điều cấm kỵ nào cả - là an toàn?
- Không. Họ hoàn toàn nhầm lẫn. Bằng chứng là hội đồng duyệt không hề kỳ thị gì với những hình ảnh sex, thậm chí cảnh sex gợi cảm xúc đẹp còn rất thú vị. Phim
Chạm được hội đồng thống nhất tuyệt đối, không cắt bất kỳ hình nào, và vô cùng thỏa mãn vì phim đó rất đẹp. Làm sao làm được phim như thế, cũng sex mà đẹp, chứ sex bẩn thì tất nhiên là bị cắt rồi. Hội đồng không bao giờ từ chối sex vì từ chối sex thì sao có nhân loại, con người? Hay như
Đường đua, cảnh hành động cắt tới mức hợp lý thì được, chứ không cấm. Một số phim cổ trang, như
Dòng máu anh hùng, Thiên mệnh anh hùng… nhiều cảnh đánh nhau, bắn nhau, quặp cổ vật nhau chết giữa đường, hội đồng có cấm đâu? Phim có cảnh hành động, giết chóc hay có sex đẹp không từ chối. Và quan trọng hơn, phim phải tạo cảm giác thẩm mỹ.
* Sự an toàn của hài nhảm như đã nói đang tạo ra xu hướng làm phim an toàn, thu hồi vốn nhanh. Bà có nghĩ, vô hình trung, chúng ta đang “khuyến khích” những loại phim an toàn kiểu như vậy?- Có những bộ phim hài nhảm bị cấm vì bị coi là rác văn hóa, cụ thể là phim
Bẫy cấp ba. Còn gần đây, bộ phim “hài nhảm”
,
Săn đàn ông bản thân tôi không hiểu sửa chữa thế nào để ra rạp được. Thực tế, hài nhảm khó bị cấm, nó chỉ nhảm chứ không vi phạm thuần phong mỹ tục… Hơn nữa, đó là tiền của tư nhân, Nhà nước không cấm được.
Năm qua có cảm giác phim hài nhảm tràn ngập vì không có phim khác để đối trọng. Phim nghệ thuật, chính thống đuối quá mới thành ra thế. 2 năm mới có một liên hoan phim mà cộng lại cũng được bao nhiêu phim đâu? Để xảy ra tình trạng này là có nhiều nguyên do, trong đó có cả chính sách, quy hoạch của Nhà nước, Hội đồng duyệt phim Quốc gia không dùng rào cản của luật để cấm người ta kinh doanh. Muốn văn hóa có gương mặt đẹp phải có cơ chế, mà điều đó thì ngoài tầm tay của hội đồng rồi.
* Một câu chuyện thời sự liên quan tới phim Scandal - Bí mật thảm đỏ: “cảnh nóng”, bạo lực trong những bộ phim không dán nhãn cấm trẻ em, đôi khi lại không phải là “món” dễ tiếp nhận và phù hợp với trẻ nhỏ?- Vấn đề của
Scandal không phải câu chuyện cấm hay không cấm mà do hệ thống điều luật thiếu. Có lẽ, luật cần bổ sung: trẻ em dưới 13 tuổi khi vào rạp phải có người đi kèm. Như
Scandal, trẻ dưới 16 có thể tiếp nhận, trẻ 13 tuổi xem mới là vấn đề. Vì thế cần chi tiết hóa luật hơn nữa.
Những hành vi bị cấm theo luật Điện ảnh Việt Nam 1. Tuyên truyền chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
2. Tuyên truyền, kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục.
3. Tiết lộ bí mật của Đảng, Nhà nước; bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại; bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật. 4. Xuyên tạc sự thật lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, vĩ nhân, anh hùng dân tộc; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân. |
Hoàng Lê (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần