28/10/2018 14:02 GMT+7 | Thể thao
(Thethaovanhoa.vn) - Thể thao không chỉ có chiến thắng, thất bại, nụ cười, nước mắt mà đằng sau đó còn là những câu chuyện đầy cảm phục về tinh thần thi đấu, thái độ của vận động viên. Và cái tên Iida Rei đang được nhắc đến rất nhiều với sự ngưỡng mộ của cả thế giới.
Không cần phải là những ngôi sao, những giải đấu lớn, người ta mới thấy tinh thần thể thao được thể hiện. Tại giải marathon tiếp sức được công ty Iwatani Industrial tổ chức mới đây ở Tokyo, cô gái 19 tuổi người Nhật Bản là Iida Rei đã làm tất cả phải sững sờ vì nỗ lực phi thường của mình.
Về đích bằng đầu gối
Vẫn biết để hoàn tất đường chạy marathon tiếp sức là không hề dễ dàng nhưng điều đặc biệt ở Rei là cô đã về đích bằng tay, đầu gối và chiếc chân bị gãy đầy máu. Điều gì đã xảy ra với Rei? Theo trang Apple Daily, khi Rei đang nỗ lực chạy tới điểm giao gậy thì cô đã va chạm với một đối thủ và khiến cô ngã xuống. Lúc này, Rei vẫn cách người đồng đội khoảng 250m.
Cú ngã khiến Rei đau đớn nhưng vì đồng đội đang chờ nhận gậy nên cô không muốn từ bỏ. Có điều, không ai nghĩ chấn thương của cô lại tồi tệ đến vậy. Rei thậm chí không thể đứng dậy để bước đi, chứ đừng nói là chạy. Và trong khi tất cả đang tự hỏi điều gì sẽ xảy ra, Rei quyết định bò trên đường chạy bằng tay và đầu gối, trước khi cô trao gậy tiếp sức cho đồng đội.
Những ai chứng kiến khoảnh khắc đó đều sững sờ. Bởi Iida đã bò trên mặt đường nóng rát khiến bàn tay và đầu gối của cô chảy máu, mồ hôi chảy ròng ròng. Sau vài chục giây, họ bắt đầu hò reo cổ vũ cho cô. Những nụ cười xen lẫn nhiều giọt nước mắt.
Đoạn clip ghi lại hình ảnh Rei bò về đích nhanh chóng được lan truyền trên mạng. Cô gái 19 tuổi có lẽ cũng không biết cô giờ nổi tiếng như thế nào. Thay vào đó, cô và các đồng đội bận tâm nhiều hơn về chấn thương của mình. Kết quả chụp phim cho thấy Rei đã bò về điểm trao gậy với một chân bị gãy và dự kiến cô sẽ cần ít nhất 3 tháng để phục hồi.
Tinh thần của người Nhật Bản
Không nhiều VĐV cho thấy một tinh thần thể thao như vậy nhưng nếu có, họ sẽ truyền cảm hứng và động lực cho tất cả. Ở trường hợp của Rei, một lần nữa cô, và người Nhật Bản nói chung, đã dạy cho thế giới về ý nghĩa thực sự của tinh thần thể thao.
Trước Rei thì tại World Cup 2018 vừa qua, đội tuyển Nhật Bản cũng cho thấy một hành động đẹp trong thể thao. Sau khi dẫn trước 2-0 và thua ngược đội tuyển Bỉ 2-3, họ trở về phòng thay đồ, dọn dẹp sạch sẽ trước lúc trở về khách sạn. Thậm chí, họ còn để lại một tờ giấy với lời cám ơn dành cho nước chủ nhà Nga vì đã tổ chức một World Cup thành công.
Không chỉ có cầu thủ Nhật Bản, các CĐV từ xứ sở mặt trời mọc đã thể hiện một hành động tương tự trên khán đài. Họ luôn dọn dẹp sạch sẽ chỗ ngồi xung quanh mình, bất chấp Blue Samurai thắng hay thua.
Nhìn rộng ra, tinh thần thể thao ở người Nhật Bản không có gì mới. Chính xác thì họ luôn thể hiện tinh thần đó ở mọi lúc, mọi nơi, mọi môn thể thao. Chẳng hạn như tại Olympic mùa đông 2018 ở Hàn Quốc và sau nội dung trượt băng tốc độ, nhà vô địch Nao Kodaira của Nhật Bản đã có một cử chỉ rất đáng ngưỡng mộ. Cô đã ôm đối thủ người Hàn Quốc về nhì đang rất thất vọng và đau khổ để an ủi, động viên.
Có cảm giác tinh thần thể thao đã ăn sâu vào trong mỗi vận động viên Nhật Bản từ khi họ còn nhỏ. Chẳng hạn như các học sinh trường Noshiro Shoyo sau khi để thua trong một trận bóng đá đã rời sân và cúi chào người hâm mộ. Điều đáng nói là họ làm vậy dưới cơn mưa nặng hạt…
Chợt thấy cách xử sự của các vận động viên Nhật Bản so với tinh thần khổ luyện thành tài của thể thao Trung Quốc sao thấy khác biệt quá. Đành rằng mục đích cao nhất của thể thao luôn là thành tích, khổ luyện hay nhục luyện có phải là tinh thần Olympic mà các vận động viên Trung Quốc theo đuổi? Hay họ làm vậy chỉ vì thành tích, quyền lực mềm?
Những tấm lòng cao cả
Ngược thời gian thì thế giới đã được chứng kiến nhiều hành động cao đẹp ở các VĐV, từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp. Tại Olympic Berlin 1936, Jesse Owens, VĐV người Mỹ đang giữ kỉ lục thế giới về nhảy xa, đã hai lần mắc lỗi ở vòng loại. Nhìn thấy đối thủ tỏ vẻ lo lắng, Luz Long của Đức, đương kim vô địch châu Âu, đã đưa ra lời khuyên cho Owens để có thể nhảy tốt hơn. Cú nhảy sau đó của nhà vô địch người Mỹ giúp ông giành HCV, còn Long chỉ nhận HCB.
Tại đường chạy 5000m ở Olympic Rio 2016, D'Agostino (Mỹ) đứng dậy và cố gắng giúp Hamblin (New Zealand), trước khi ngã ra vì cô đã chấn thương. Sau đó, Hamblin đã giúp VĐV người Mỹ đứng dậy và họ chạy cùng nhau trong 2.000m còn lại trước lúc ôm nhau ở vạch đích. Cả hai đã được đặc cách thi đấu ở chung kết, nhưng D'Agostino không thể vì cô đã bị rách dây chằng đầu gối, còn Hamblin đứng thứ 17 và được trao giải Fair Play.
Ở bán kết nội dung 400m của Olympic Barcelona 1992, Derek Redmond bị rách gân khoeo ở nửa chặng đường, nhưng anh vẫn đứng dậy để lò cò chạy về đích. Thấy con vất vả, ông Jim Redmond chạy từ khán đài xuống, lao qua hàng rào an ninh vào trong sân. Hai cha con đã hoàn tất cuộc đua trong nước mắt của Derek và tiếng hò reo của đám đông khán giả.
Dù Redmond bị loại, khoảnh khắc đó đã đi vào lịch sử Olympic và ông Jim sau đấy được chọn là một trong những người rước đuốc ở Olympic London 2012.
Mạnh Hào
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất