Nước có đường bờ biển dài gấp 10 lần Việt Nam nhưng thiếu muối, nhập khẩu đến 90%, nghị sĩ thốt lên: "Đáng xấu hổ"

06/04/2023 17:44 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247

Đường bờ biển dài thứ 5 thế giới nhưng phải nhập khẩu muối

Philippines có thể sẽ phải nhập khẩu tới 96% nhu cầu muối vào năm 2030 trừ khi sản xuất trong nước tăng tốc để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, một nhóm các nhà sản xuất muối đưa ra khuyến cáo.

Hiệp hội các mạng lưới ngành muối Philippines (PhilASIN) đã kêu gọi sự hỗ trợ của chính phủ trong việc thúc đẩy sản xuất muối tại địa phương.

Chủ tịch PhilASIN Gerard Khonghun cho biết Philippines đã nhập khẩu 628.500 tấn, tương đương 92% nhu cầu muối của nước này trong năm 2019 và 2020, do sản xuất trong nước không thể đáp ứng nhu cầu.

Hơn 70% muối nhập khẩu của nước này đến từ Úc, với các nguồn khác bao gồm Thái Lan và Trung Quốc.

Mặc dù Philippines có 36.000 km đường bờ biển, dài thứ 5 trên thế giới, và đáng lẽ điều đó giúp quốc gia này trở thành một trong những nước sản xuất muối hàng đầu thế giới, nhưng Khonghun cho biết nước này vẫn đứng sau Việt Nam về sản xuất muối.

Theo dữ liệu do PhilASIN chia sẻ, Philippines chỉ sản xuất ít hơn 60.000 tấn muối so với 1,18 triệu tấn của Việt Nam. Điều này có thể là do diện tích làm muối của Việt Nam lớn hơn, với các trang trại muối có diện tích 12.000 ha, so với diện tích chỉ 2.100 ha của các nhà sản xuất muối của Philippines.

Lãnh đạo đa số Thượng viện Joel Villanueva cho rằng điều này thật "đáng xấu hổ" với một quốc gia quần đảo.

"Điều này khá đáng xấu hổ đối với một quốc gia quần đảo với hơn 36.000 km đường bờ biển," Villanueva nói trong một tuyên bố.

Villanueva lưu ý rằng điều này khác xa so với những năm 1990 khi nước này chỉ nhập khẩu 15% nhu cầu muối.

PhilASIN ước tính nhu cầu muối của Philippines là 983.000 tấn mỗi năm. Con số này dự báo sẽ còn tăng lên cùng với dân số tăng, kèm theo nhu cầu sử dụng đa dạng trong đời sống.

"Chúng ta cần muối bởi nó có tới 14.000 cách sử dụng, trong thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, nông nghiệp, xử lý nước, hay các sản phẩm chức sodium và chlo như baking soda và axit muratic", Khonghun cho biết.

"Nhập khẩu [dự báo] hàng năm vào năm 2030 là khoảng 1,3 triệu tấn trị giá 6 tỷ peso. Tại thời điểm đó, nếu chúng ta không có các biện pháp hoặc chiến lược cụ thể, thì đến năm 2030, chúng ta sẽ nhập khẩu 96% lượng muối", Khonghun nói.

Nguyên nhân thiếu muối của Philippines

Theo PhilASIN, quá trình đô thị hóa khiến việc sản xuất muối tại địa phương bị suy giảm. Khonghun nói rằng nhiều trang trại muối ở Cavite, Thành phố Las Piñas, Thành phố Parañaque, Bulacan và Iloilo đã được chuyển đổi thành khu dân cư, thương mại hoặc công nghiệp.

"Có thể một số người dân sẽ nhớ lại rằng nhiều thập kỷ trước, những khu vực này sản xuất rất nhiều muối. Nhưng nay chúng đã bị chuyển đổi mà không được thay thế, nhà chức trách thì không phê duyệt các khu vực mới để sản xuất muối", Khonghun nói với các nhà lập pháp.

Ông nói rằng đầu tư vào các trang trại muối mới là rất quan trọng để thúc đẩy sản xuất địa phương. Ông cho biết ngành này cũng sẽ cần sự hỗ trợ của Cục Nghề cá và Nguồn lợi Thủy sản trong việc đảm bảo khoảng 18.888 ha để sản xuất lượng muối cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu.

Wilbert Lee, đại diện Đảng Agri nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy sự phát triển của ngành sản xuất muối, khi chứng kiến sự đi xuống đã khiến nhiều gia đình diêm dân phải chuyển hướng tìm kế sinh nhai khác.

"93% nguồn cung cấp muối của Philippin được nhập khẩu mặc dù là một quốc gia quần đảo. Đây là một hồi chuông cảnh tỉnh rằng ngành công nghiệp muối của chúng ta đang 'chìm' và nếu tôi có thể nói là đang cận kề cái chết," Lee cho biết.

Chỉ ra gốc rễ của vấn đề, một số hạ nghị sĩ cho rằng luật hiện hành yêu cầu sản xuất muối i-ốt khiến ngành khó tuân thủ do cần công nghệ và máy móc tinh vi hơn.

Được ký thành luật dưới thời chính quyền Ramos năm 1995, Đạo luật Cộng hòa 8172 tìm cách giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng vi chất dinh dưỡng, đặc biệt là các rối loạn do thiếu i-ốt.

"Cái chết của ngành công nghiệp là vì luật này," Trợ lý Lãnh đạo Đa số Hạ viện Richard Gomez nói. "Chúng ta cần sửa luật này để người tiêu dùng có cơ hội lựa chọn loại muối mình muốn, vì không phải ai cũng thiếu i-ốt"

"Chúng tôi ủng hộ Đạo luật 8172. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nó thiếu sự hỗ trợ của ngành và nó đã làm thiệt thòi cho một số nông dân làm muối vừa và nhỏ," Khonghun nói thêm.

Trong khi đó, Dự Luật Hạ viện 1976 do Hạ nghị sĩ Ron Salo thuộc đảng Kabayan soạn thảo được cho sẽ giúp Philippin giảm sự phụ thuộc vào muối nhập khẩu, cũng như tăng cường khả năng sản xuất trong nước. Theo đó, dự luật giao nhiệm vụ cho chính phủ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, vật chất và tài chính cho diêm dân, bao gồm cả diêm dân thủ công, để phát triển và cải tiến nghề của họ.

Nếu được thông qua thành luật, chính phủ cũng sẽ được ủy quyền đầu tư vào việc xác định và xây dựng các trang trại muối để cho các nhà sản xuất muối đủ điều kiện thuê.

Ủy ban Hạ viện về Nông nghiệp và Lương thực đã thành lập một nhóm công tác kỹ thuật để thảo luận chi tiết về dự luật.

"Giấc mơ của chúng tôi là người Philippines có thể ăn muối do chính Philippinies sản xuất và từ chính vùng biển của chúng ta. Tôi tin rằng điều này có thể trở thành hiện thực", ông Khonghun nói.

Minh Khôi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link