Đặc vụ Mỹ “tham chiến” ở Libya

01/04/2011 11:58 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Bất chấp việc Tổng thống Mỹ Barack Obama liên tục nhấn mạnh sẽ không đưa một người lính nào tới chiến trường Libya, nhiều tuần qua các điệp viên Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) thực tế đã xâm nhập sâu vào quốc gia châu Phi này để hỗ trợ lực lượng chống đối chính phủ.

>> Chuyên đề: Xung đột ở Libya

Trong một bài điều tra đăng ngày 30/3, tờ New York Times nói rằng CIA đã điều các điệp viên mật vào Libya để thu thập tin tức tình báo phục vụ cho các cuộc không khích và để bắt liên lạc với các chiến binh đang chống lại quân đội trung thành với nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi.

Lính tình báo bí mật tham chiến

Tờ báo dẫn nguồn một số quan chức Mỹ cao cấp, đề nghị giấu tên, nói rằng các điệp viên CIA là một phần trong lực lượng bí mật của phương Tây mà chính quyền Obama hy vọng có thể gây tổn thất cho quân đội của ông Gaddafi. Ngoài sự hiện diện của CIA, lực lượng này còn gồm nhiều người Mỹ đã và đang làm việc tại các trạm tình báo bí mật của CIA ở thủ đô Tripoli.

Nhóm hoạt động đặc biệt trên có nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo, bao gồm vị trí của các kho đạn của quân chính phủ, cách thức họ bố trí lực lượng trong các thị trấn để phục vụ cho các cuộc không kích. Ngoài ra, thông tin tình báo còn được dùng trong những hoạt động làm suy yếu quân đội Libya và khuyến khích binh lính Chính phủ đào ngũ.

Mỹ không xác nhận, cũng không bác bỏ thông tin về sự hiện diện của nhân viên CIA và lính đặc nhiệm trên đất Libya

Các quan chức Mỹ nói rằng do về mặt công khai, liên quân quốc tế tuyên bố không lật đổ chính quyền của ông Gaddafi nên cuộc chiến tranh ngầm đang diễn ra khác rất nhiều so với chiến dịch lật đổ Taliban ở Afghanistan hồi năm 2001. Khi đó, CIA và binh lính đặc nhiệm của Mỹ đã phối hợp hoạt động chặt chẽ với các chiến binh bản địa. CIA trực tiếp vũ trang cho những người này và thường xuyên huy động các cuộc không kích để tấn công vào nhiều thành phố có vị trí quan trọng chiến lược như Kabul và Kandahar. Nhưng ở chiến trường Libya, họ phải hoạt động độc lập.

Thiếu tướng David A. Deptula, người mới nghỉ hưu trong vai trò chỉ huy lực lượng tình báo Không lực Mỹ, nói rằng địa hình sa mạc tương đối bằng phẳng của Libya và việc thời tiết khá quang đãng đã giúp cho các máy bay chiến đấu của liên quân dễ dàng săn lùng xe tăng của Libya, kể cả trong điều kiện ban ngày hay ban đêm, mà không cần sự hướng dẫn của binh lính Mỹ dưới mặt đất.

Nhưng nếu quân chính phủ tiến vào các thành phố, nơi liên quân quốc tế vẫn giới hạn hoạt động do sợ gây thương vong tới dân thường, thì lính đặc nhiệm sẽ được điều tới và cung cấp tọa độ chính xác của các xe tăng hoặc dùng thiết bị laser “chỉ điểm” để máy bay tấn công trúng đích.

Song song với việc hỗ trợ chiến dịch không kích của liên quân, các điệp viên Mỹ còn đang tiếp xúc với quân nổi dậy nhằm tìm hiểu xem lãnh đạo của họ là ai và hoạt động của các nhóm chống chính phủ ra sao.

Bí mật cấp vũ khí cho quân nổi dậy?

Thông tin của New York Times được tung ra trong bối cảnh ông Obama bị phát hiện đã ký một quyết định mật, cho phép CIA cung cấp vũ khí và các hỗ trợ khác cho quân chống đối chính phủ. Lệnh mật này là thủ tục pháp lý cần thiết trước khi các hoạt động của CIA chính thức diễn ra.

Gửi vũ khí cho quân chống đối chính phủ Libya là một sự vi phạm không thể chối cãi nghị quyết cấm vận vũ khí của LHQ được ban ra vào ngày 26/2, dù cả Anh, Mỹ và Pháp đều nói rằng có thể sẽ có lỗ hổng cho họ lách luật. Theo Mark Quarterman, một nhà phân tích ở Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, vũ trang cho quân chống đối sẽ trở thành một việc cần thiết, khi chính sách của chính quyền Obama thay đổi theo hướng muốn lật đổ ông Gaddafi. “Các tay súng chống đối yếu hơn về trang bị và lực lượng. Họ lép vế trước các chiến binh chuyên nghiệp của ông Gaddafi” - Quarterman đánh giá - “Phe đối lập phải có vũ khí lớn hơn và tốt hơn”.

Coi chừng “gậy ông đập lưng ông”

Nhưng tới nay phe đối lập chưa chứng minh được rằng họ có khả năng chiến đấu. Quan trọng hơn, dư luận Mỹ chưa rõ những người này là ai. Không ít người Mỹ lo ngại việc nhanh chóng trang bị vũ khí cho một nhóm quân chưa rõ ai lãnh đạo, chưa rõ lịch trình hoạt động và gồm các chiến binh trung thành với bộ tộc hơn là với đất nước có thể mang tới rắc rối. Ngoài ra, có các cáo buộc rằng những chiến binh này có quan hệ với các nhóm Hồi giáo cực đoan như Al Qaeda và Hezbollah. “Chúng ta phải tìm hiểu thêm về phe chống đối trước khi ta đồng ý chuyển súng và vũ khí hiện đại tới cho họ” - Hạ nghị sĩ Mỹ Mike Rogers, người đang lãnh đạo Ủy ban Tình báo Hạ viện nói - “Chúng ta cần phải rất cẩn trọng trước khi vội vã ra quyết định để rồi sau đó thấy hối tiếc”.

Người Mỹ hẳn còn nhớ rằng họ đã từng hỗ trợ lực lượng nổi dậy ở nhiều nơi trong các cuộc chiến chống “độc tài” để rồi phát hiện ra rằng những nhóm được ủng hộ này lại mang tới sự bất ổn định và bạo lực mới. Bài học cay đắng nhất là các chiến binh mujahedeen ở Afghanistan. Người Mỹ vũ trang và cấp tiền cho mulahedeen trong những năm 1990, khi họ chiến đấu với quân đội Liên Xô. Nhưng sau chiến tranh, các tay súng này nhanh chóng trở thành nòng cốt của lực lượng khủng bố Al Qaeda. Tại Nicaragua trong những năm 1980, Mỹ ủng hộ phiến quân Contras chống chính phủ và sau đó phát hiện họ dùng vũ khí để tấn công và tra tấn dân thường vô tội. Năm 1986, Tổng thống Ronald Reagan ủng hộ Jonas Savimbi, một tổ chức phiến quân chống cộng ở Angola, để rồi thấy ông này tàn sát hàng ngàn người trong cuộc nội chiến kéo dài nhiều thập kỷ.

Khả năng một kịch bản tương tự sẽ lặp lại ở Libya là không nhỏ, nếu xét tới việc một nghiên cứu hồi năm 2007 của Trung tâm Chống khủng bố ở Học viện quân sự West Point đã xem xét 595 chiến binh Hồi giáo tới Iraq để chống lại quân Mỹ và thấy có đến 19% trong số này tới từ Libya.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link