Đêm mai khai cuộc môn bóng đá Olympic: Brazil và Tây Ban Nha hãy coi chừng!

25/07/2012 13:11 GMT+7 | Bóng đá Olympic

(TT&VH) - Trên lý thuyết, Brazil và Tây Ban Nha không có đối thủ tại Olympic 2012 nhưng với truyền thống bất ngờ tại các kỳ Thế vận hội trước, sẽ chẳng ngạc nhiên nếu đội nhận huy chương vàng không phải hai gã khổng lồ nói trên.

Ngay lúc này, nếu được dự World Cup, Olympic Brazil và Tây Ban Nha cũng đủ sức trở thành một kẻ ngổ ngáo. Olympic Brazil là một đội bóng triệu đô với nhiều viên ngọc đang được các đại gia châu Âu săn đuổi quyết liệt như Neymar, Ganso, Oscar hay Lucas Moura, bên cạnh những gương mặt đã thành danh ở Cựu lục địa như Hulk, Thiago Silva, Marcelo. Lực lượng của Olympic Tây Ban Nha không đắt giá bằng nhưng cũng gồm nhiều gương mặt sáng giá như David De Gea, Jordi Alba, Javi Martinez hay Juan Mata. Đó là chưa kể lối chơi của đội bóng này hứa hẹn sẽ rất nhuần nhuyễn bởi 13/18 thành viên đã từng sát cánh cùng nhau tại U-21 châu Âu năm ngoái (giành chức vô địch).


 Ứng cử viên hàng đầu Olympic Brazil sẽ phải trông chừng những chú ngựa ô - Ảnh: Getty

Về lý thuyết, không một đội bóng nào tại Thế vận hội lần này có thể so sánh, dù chỉ một phần, với hai gã khổng lồ nói trên. Tuy nhiên, khi lịch sử môn bóng đá nam tại Olympic đã chứng kiến quá nhiều những bất ngờ, từ ông lớn đồng loạt gục ngã đến những chú bé tí hon bất ngờ đăng quang, nên sẽ chẳng ngạc nhiên nếu một cánh chim lạ đứng lên bục nhận huy chương vàng. Brazil, Đức và Hà Lan, ba nền bóng đá hùng mạnh, đã giành 8 chức vô địch thế giới nhưng chưa một lần giành huy chương vàng tại các kỳ Olympic. Như Đức và Hà Lan, thành tích tốt nhất cũng chỉ là chiếc huy chương đồng.

Trong khi đó, nhiều nền bóng đá không có tên trên bản đồ túc cầu thế giới, không mấy thành công tại World Cup nhưng vẫn tiến xa tại Olympic như Ấn Độ, Nhật Bản, Bulgaria hay thậm chí giành huy chương vàng như Thụy Điển, Nigeria hay Cameroon. Olympic 1956, Ấn Độ xếp thứ Tư và 12 năm sau, Nhật Bản, đã giành huy chương đồng. Năm 2004, dù đất nước đang chìm trong bom đạn nhưng Iraq vẫn lọt vào được tới trận tranh huy chương đồng và chỉ chịu thua Italia, sở hữu Giorgio Chiellini, Andrea Barzagli, Andrea Pirlo, Daniele de Rossi hay Alberto Gilardino, với tỷ số sát nút 0-1.

Vì sao những bất ngờ thường xuyên xuất hiện tại các kỳ Thế vận hội? Nhiều chuyên gia cho rằng có hai nguyên nhân dẫn tới những kết quả bất ngờ nói trên. Thứ nhất, trước năm 1984, quy định các cầu thủ chuyên nghiệp không được dự Olympic đã giúp các đội bóng Đông Âu hoặc có mô hình tương tự hưởng lợi. Bởi lẽ các đội Đông Âu sở hữu các cầu thủ tập luyện, thi đấu như chuyên nghiệp nhưng lại thuộc biên chế quân đội. Từ năm 1952 đến 1980, các đội bóng Đông Âu, vốn đang thất thế tại World Cup, đã giành tới 21/24 huy chương, trong đó có 9 huy chương vàng.

Thứ hai, môn bóng đá tại Olympic không thật sự được nhiều nước coi trọng. Sự vắng mặt của hàng loạt đội tên tuổi, dù có lực lượng trẻ rất tốt, như Argentina hay Đức là một ví dụ. Ngay cả những đội dự Olympic lần này cũng không phải tất cả đều mang tới London lực lượng mạnh nhất. Chẳng hạn, Thụy Sỹ sẽ dự Thế vận hội lần này mà không có Xherdan Shaqiri và Granit Xhaka, những cầu thủ muốn tập luyện cùng các đàn anh tại CLB mới hơn là thử sức với đồng nghiệp cùng trang lứa tại London. Khi không phải đội nào cũng mang theo lực lượng mạnh, cơ hội của các đội tí hon dĩ nhiên sẽ lớn hơn.

Nhưng những lý do trên cũng chưa thể giải thích mọi trường hợp. Chẳng hạn, trong nhiều năm qua, Brazil luôn mang tới Thế vận hội đội hình gần như mạnh nhất, với quyết tâm cao nhất nhưng rốt cuộc, vẫn chưa giành được danh hiệu duy nhất còn thiếu. Thực ra, trong bóng đá cũng còn nhiều trường hợp không thể lý giải một cách cặn kẽ. Ví dụ như EURO thường được cho rằng khốc liệt hơn World Cup nhưng thực tế, giải vô địch châu Âu đã có ít nhất hai hiện tượng (Đan Mạch 1992 và Hy Lạp 2004) trong khi tại giải vô địch thế giới, chưa có những bất ngờ tương tự.

Chính sự khó lường này làm tăng thêm sức hấp dẫn của trái bóng tròn. Nếu không có nó, ban tổ chức Olympic có lẽ chỉ cần tổ chức trận chung kết cho Brazil và Tây Ban Nha chứ không phải mất công lo cả một giải đấu có tới 16 đội!


Tỷ lệ cược vô địch của William Hill

1. Brazil 6/4 (đặt 4 ăn 6)

2. Tây Ban Nha 2/1

3. Uruguay 6/1

4. Vương quốc Anh/Thụy Sỹ 10/1

6. Mexico 14/1

7. Senegal 25/1

8. Nhật Bản 40/1

9. Belarus/Ai Cập 50/1



Uruguay sẽ là Nigeria và Cameroon mới?

 Cặp song sát Cavani và Suarez sẽ giúp Uruguay vô địch? - Ảnh: Getty

Tại Olympic 1996, Nigeria đã gây bất ngờ lớn khi vượt qua Argentina trong trận chung kết, mang chiếc huy chương vàng bóng đá nam đầu tiên về cho châu Phi. Bốn năm sau, Olympic Cameroon lại gây nên một cơn địa chấn khác khi hạ gục được Tây Ban Nha trong trận đấu cuối cùng để giữ chiếc huy chương vàng ở lại lục địa đen. Nigeria và Cameroon có thể tạo nên những kỳ tích như vậy bởi ở giai đoạn đó, cả hai đội bóng này đang sở hữu một lứa cầu thủ trẻ vô cùng tài năng, những gương mặt sau này đã trở thành những tên tuổi hàng đầu thế giới.

Năm 1996, Nigeria có Celestine Babayaro, Nwankwo Kanu hay Jay-Jay Okocha. Còn năm 2000, Cameroon trình làng hàng loạt viên ngọc thô như Samuel Eto'o, Lauren, Geremi hay Patrick Mboma. Tại Thế vận hội lần này, Uruguay hoàn toàn có thể trở thành một chú ngựa ô giống như hai đội bóng châu Phi trước đây.

Sau 84 năm vắng mặt, Uruguay đã mang tới Olympic một đội hình chất lượng với sự kết hợp giữa những ngôi sao đẳng cấp thế giới Luis Suarez (Liverpool), Edinson Cavani (Napoli) và các tài năng trẻ như Abel Hernandez (Palermo), Sebastian Coates (Liverpool) hay Nicolas Lodeiro (Ajax). Uruguay cũng cho thấy khát vọng vô địch của mình khi để HLV trưởng ĐTQG Oscar Tabarez, người đã rất thành công tại World Cup 2010 (vào bán kết) và Copa America 2011 (vô địch), dẫn dắt đội Olympic. Trong hai lần hiếm hoi dự Thế vận hội trước đây (1924 và 1928), Uruguay đều giành huy chương vàng và liệu trong lần thứ Ba, “La Celeste” có viết nên lịch sử?

T.K.A


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link