Obama mất “bản sắc” vì cuộc chiến Libya

03/04/2011 10:55 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Tổng thống Mỹ Barack Obama đang bị chính báo chí phương Tây phê phán vì đã tham gia vào cuộc xung đột ở Libya khi chưa có một chiến lược cụ thể, rõ ràng. Quan trọng hơn, nó cho thấy ông đang đi ngược lại rất nhiều nguyên tắc làm việc mà bản thân đã từng đề ra và dựa vào đó để chỉ trích chính quyền tiền nhiệm.


Tổng thống Barack Obama trong buổi giải thích lý do Mỹ tham chiến ở Libya
.

Trong một bài phát biểu hồi đầu tuần này, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lần đầu giải thích với người dân Mỹ lý do ông tham gia chiến dịch quân sự ở Libya, với tuyên bố rằng việc không ra tay hành động có thể làm xảy ra một thảm họa nhân đạo kinh hoàng.

Obama nói rằng chiến dịch diễn ra vì những yêu cầu cấp bách về đạo đức và Mỹ chỉ đang giúp đỡ một liên minh quốc tế cứu mạng sống của người vô tội ở Libya. Ông nói rằng bất kỳ ai đã từng chịu hậu quả từ việc Mỹ và châu Âu không ra tay hành động để ngăn chặn thảm họa nhân đạo ở Rwanda và những nơi tương tự, hẳn sẽ nhận ra sự cần thiết của việc phải hành động ở Libya.

Lún sâu vào cuộc chiến

Nhưng các sự kiện diễn ra gần đây đã cho thấy rằng Mỹ và liên quân đã thiếu một chiến lược hành động mạch lạc, trôi chảy ở Libya. Từ chỗ ban đầu chỉ tổ chức các chiến dịch không kích mang màu sắc “tự vệ”, nhằm ngăn chặn đợt tấn công của quân đội Libya vào các thành phố nằm trong tay quân chống đối chính phủ như Benghazi, chính quyền Obama đã nhanh chóng ngả sang hướng hỗ trợ quân nổi dậy và tổ chức các cuộc không kích đẩy lùi quân của ông Gaddafi.

Tờ Guardian đánh giá việc này đột ngột khiến Mỹ, Anh và Pháp trở thành các chiến binh tham gia trực tiếp vào cuộc nội chiến ở một quốc gia khác. Hiện các nhân viên mật của CIA đang ở trên đất Libya để điều phối các cuộc không kích hỗ trợ lực lượng chống đối chính phủ và Mỹ đã thực hiện hơn 1.600 chuyến bay khác nhau trên vùng trời Libya.

Chưa hết, Mỹ và các đồng minh đang nghiên cứu việc cung cấp vũ khí cho quân chống đối chính phủ. Dù mới ở mức dự tính thì kế hoạch này đã cho thấy một sự thiếu tính toán ở mức độ cao: vũ khí lọt vào tay quân nổi dậy sẽ khiến họ mạnh hơn và qua đó sẽ làm tăng khả năng xảy ra một cuộc chiến lâu dài, đẫm máu với chính quyền của ông Gaddafi. Nỗ lực của liên quân, vì thế, đã chuyển từ việc “trông coi” một cuộc nội chiến sang chỗ tài trợ và ủng hộ cho nội chiến bùng nổ.

Nguy cơ sa lầy

Guardian cho rằng giới lãnh đạo Mỹ và liên quân đã bỏ qua không thèm xem xét các tiền lệ như cuộc chiến ở Afghanistan, nơi thực tế chứng minh rằng việc đổ vũ khí vào một quốc gia đang bất ổn chỉ làm tăng số người chết và tình trạng bạo lực về lâu dài.

Tất cả những điều này dù sao vẫn có thể tha thứ được nếu chính quyền Obama và các cộng sự ở châu Âu thể hiện, dù chỉ rất ít, việc họ biết rõ hậu quả hành động của mình. Nhưng thay vì thế, họ đã vội vã lao vào chiến dịch này mà không có một kế hoạch B phòng bị. Tất cả hy vọng bằng các cuộc không kích dồn dập của liên quân và sức ép tiến công của quân nổi dậy, họ sẽ khiến thể chế của ông Gaddafi sụp đổ. Nhưng chính quyền ấy, dù bị thiệt hại nặng, vẫn mạnh hơn nhiều so với quân nổi dậy. Ngay cả các cuộc đào thoát của những nhân vật cấp cao trong chính quyền Gaddafi, gần đây là sự ra đi của Ngoại trưởng Moussa Koussa hôm 30/3, cũng không khiến ông bị lung lay về tư tưởng.

Guardian đánh giá trừ phi Gaddafi bị giết hoặc bị lật đổ, nếu không ông sẽ vẫn tiếp tục giữ vững quyền lực, vốn được sự ủng hộ của một bộ phận những người trung thành và các thành viên gia đình. Ông sẽ tiếp tục kéo dài cuộc chiến cho tới điểm chi phí chiến tranh bắt đầu vượt qua những lợi ích ban đầu mà Mỹ và các cộng sự mong đạt được. Xét tới việc nếu từ bỏ quyền lực, Gaddafi có thể phải chấp nhận sống lưu vong, bị buộc tội hoặc giết hại, ông càng có lý do để không thay đổi tư tưởng.

Nếu giả thuyết trên xảy ra, cuộc chiến ở Libya sẽ lâm vào bế tắc. Khi đó Mỹ và liên quân chỉ còn lựa chọn cuối cùng là đưa binh lính vào Libya hỗ trợ quân chống đối loại ông Gaddafi khỏi quyền lực. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã liên tục nhắc lại rằng sẽ không có một đôi giày nào của lính Mỹ đặt chân xuống quốc gia châu Phi. Tuy nhiên khi giải pháp này đã bị loại bỏ thì câu hỏi là điều gì sẽ diễn ra tiếp theo? Liên quân sẽ làm cách nào để có thêm sức ép nhằm vào ông Gaddafi. Chiến lược cụ thể của liên quân là gì, khi mà tác động từ các hành động của họ tới nay vẫn chỉ là tạo thêm chút khó khăn với chính quyền Tripoli.

Chỉ trích của tờ Guardian

Guardian đánh giá có lẽ điều gây thất vọng nhất trong chiến dịch quân sự này là nó chứng minh Tổng thống Obama đã bị quyền lực của phòng Oval quyến rũ, khiến ông quên rất nhiều lời hứa đã đưa ra khi còn là một ứng cử viên Tổng thống. Chính Obama đã từng nói rằng Mỹ sẽ không bao giờ tham gia một cuộc chiến tranh khi chưa được phép của Quốc hội, nhưng ông lại chẳng làm như đã nói trong cuộc chiến Libya. Tệ hơn, sau khi chiến sự diễn ra được 10 ngày, ông mới giải thích cho công chúng biết lý do Mỹ tham gia chiến dịch.

Cũng chính Obama đã từng cam kết trong chiến lược an ninh quốc gia rằng sẽ xem xét tới việc nguồn lực kinh tế nội địa đang có hạn khi đưa ra các quyết định đối ngoại, đã vội vã dẫn nước Mỹ vào một cuộc chiến mới gây tiêu tốn hàng trăm triệu đô la.

Guardian cho rằng hậu quả từ những việc trên là Tổng thống Obama bắt đầu trở nên giống hệt người tiền nhiệm G.W.Bush, điều mà cả ông cũng như những người ủng hộ đều không muốn thừa nhận.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link