Ngọc Mai & Kim Chi: Những chiến binh không mỏi

04/09/2011 11:10 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH) - Một người lặng lẽ, một kẻ cá tính, một bên sôi nổi, một bên hơi kiệm lời, song chỉ cần đứng chung trên sân cỏ là mắt họ lại không rời những bước chạy của các học trò, miệng họ lại hò hét và cười giòn tan khi bóng lăn vào lưới đối thủ. Họ chính là Ngọc Mai và Kim Chi, những cô gái vàng một thời của bóng đá nữ VN, hiện đang là HLV đội nữ Quận 1 (TP.HCM) vừa giành ngôi á quân giải bóng đá nữ futsal TP. HCM mở rộng (21-31/8).

Ký ức chưa xa

Cùng thành danh ở vị trí tiền đạo, cùng đóng góp cho bóng đá TP HCM và cùng từng là biểu tượng của bóng đá nữ VN suốt 2 thập kỷ kế tiếp nhau, mặc dù kẻ trước người sau, song không có gì quá đáng nếu nói rằng Ngọc Mai và Kim Chi chính là 2 cái tên không thể xóa nhòa trong ký ức người hâm mộ những bóng hồng sân cỏ. Với Ngọc Mai, biệt danh là Mai “gà” đã gắn chặt với đội bóng đá nữ TP.HCM và VN suốt từ năm 1996. Thời ấy, chị nổi tiếng bởi lối chơi xông xáo, càn lướt, chịu va chạm. Những cú đi bóng tốc độ, xoay trở khéo léo và dứt điểm bất ngờ ở phạm vi hẹp của Ngọc Mai từng là nỗi khiếp sợ của không ít các thủ thành Đông Nam Á. Năm 2001, Lưu Ngọc Mai là cầu thủ nữ đầu tiên nhận giải Quả bóng đồng cùng các đồng nghiệp nam, trong khi đến năm 2002, BTC cuộc bầu chọn giải thưởng Quả bóng vàng, bạc, đồng mới có giải riêng dành cho bóng đá nữ.


Với Kim Chi (trái) và Ngọc Mai (phải), bóng đá lúc nào cũng là lựa chọn số một. Ảnh: VSI

13 năm thanh xuân lăn theo trái bóng, có thể nói trong thế giới các cô nàng đá bóng, bộ sưu tập thành tích của Kim Chi đủ để người ta ngưỡng mộ. Đã có lúc Kim Chi quyết định từ bỏ nghiệp cầu thủ để chuyển hẳn sang làm HLV cho đội trẻ TP.HCM. Nhưng cơ duyên sân cỏ đã quay trở lại níu chân chị, để rồi ở SEA Games 25 trên đất Lào, chúng ta chứng kiến một Kim Chi không ít lần xông xáo trên hàng công, một Kim Chi đầu quấn băng vẫn “chiến” hết mình để mang về bàn thắng. SEA Games 25  trở thành cột mốc đáng nhớ trong nghiệp quần đùi áo số của Chi, bởi nó không chỉ mang về chiếc HCV SEA Games thứ 3 cho cô gái Bến Tre và các đồng đội, mà tại đất nước Triệu voi, Kim Chi đã trở thành một biểu tượng tuyệt vời về lòng quả cảm. Không quá bản lĩnh đến mức gai góc, song Kim Chi độc lập và mạnh mẽ đủ để người khác tin tưởng chị không chỉ trên sân cỏ mà ngay cả trong nếp sống sinh hoạt thường ngày.

Mê bóng đá phong trào

Đều đã giải nghệ, rồi cùng quay trở lại, rồi lại giải nghệ, như bao nhiêu đồng nghiệp khác, cả Ngọc Mai và Kim Chi không thể cưỡng lại đam mê với trái bóng tròn. Riêng với Kim Chi, có lẽ chưa bao giờ có một cuộc chia tay sân cỏ thực sự đúng nghĩa với chị. Bao nhiêu lần quyết định từ giã sự nghiệp thi đấu đỉnh cao là bấy nhiêu lần dùng dằng không dứt được. Mãi đến chuyến bay ngày 1/11/2010 vừa rồi, đội hình của HLV Trần Vân Phát mới chính thức thiếu vắng cô gái Bến Tre dũng mãnh này.

Tuy không còn khoác áo ĐT nữ VN, song Kim Chi và Ngọc Mai đều trở lại trong màu áo TP.HCM tham dự giải VĐQG, và nhất là với công tác huấn luyện, cả 2 đều mê làm bóng đá trẻ, bóng đá phong trào như điếu đổ.

Vài năm trở lại đây, xu hướng xã hội hóa bóng đá ở TP.HCM phát triển mạnh mẽ là điều kiện cho các giải bóng đá phong trào, bóng đá trẻ thêm sôi nổi. Làm bóng đá phong trào cũng được nhiều công ty, doanh nghiệp quan tâm. Điển hình là đội nữ FPT dưới sự dẫn dắt của Ngọc Mai.

“Tuy không quá kỹ thuật và chuyên nghiệp, song các giải bóng phong trào thường máu lửa hơn, cầu thủ thi đấu với tinh thần vô tư và đặc biệt là hết mình ‘lăn” theo từng đường bóng”, Ngọc Mai chia sẻ.

“Vui là chính”, đấy là phương châm của Ngọc Mai khi đảm nhiệm vai trò HLV đội nữ FPT từ 5/2007, rồi mới đây là đội nữ Q.1 (cùng với Kim Chi) tham dự giải bóng đá futsal TP.HCM mở rộng 2011. Tuy nhiên, với nữ HLV cá tính này, không phải cứ bóng đá phong trào là được phép lơ đãng tập luyện. Hàng ngày vào 2 buổi sáng chiều, các nữ cầu thủ đều chăm chỉ tập luyện ở đại bản doanh Tao Đàn cùng 2 đàn chị. Một người gai góc, một kẻ bản lĩnh đứng cạnh nhau trong cương vị mới như vừa bổ sung cho nhau, vừa phát huy thế mạnh của nhau. “Học trò” của họ là những cô gái ở các tỉnh từ Quãng Ngãi đổ vào, tiến về Sài Gòn với tình yêu bóng đá và mơ ước được gắn bó trọn đời với niềm say mê sân cỏ. Họ được test qua một bài kiểm tra tổng hợp, những ai được chọn sẽ ở lại, hàng ngày tập luyện, ăn ngủ, học văn hóa cùng nhau. Thế giới của các cô gái đá bóng với những kỷ luật nghiêm ngặt tập cho họ sự nghiêm túc trong thể thao và trong mọi sinh hoạt khác. Một nhịp sống đôi khi chính người trong cuộc cũng cảm thấy quá đơn điệu và tẻ nhạt, song một khi đã chấp nhận đi theo tiếng gọi của thể thao, của nghiệp quần đùi áo số là phải biết hy sinh những hạnh phúc bình dị khác. Có nghe thấy tiếng cười sảng khoái của Ngọc Mai, nhìn thấy nét mặt rạng ngời của Kim Chi khi đội Q.1 thắng Hà Nội để giành vé vào chung kết, mới biết được niềm vui của các cô gái trót mang trong mình duyên nợ với trái bóng. Chỉ có thể là tình yêu mới khiến họ vượt qua được cảm giác nhàm chán vì một thời gian biểu lặp đi lặp lại không thể khác hơn với những người mang nghiệp thể thao.

Sơmi đóng thùng thay quần đùi áo số?

May mắn hơn một số đồng nghiệp khác sau khi giải nghệ đang trong tình trạng “ngồi chơi xơi nước” một cách bất đắc dĩ, cả Ngọc Mai và Kim Chi đang vừa làm công tác huấn luyện, vừa là nhân viên chính thức của trung tâm TDTT Q.1. Dịu dàng đi hẳn trong sơ mi trắng đóng thùng bắt buộc của nhân viên văn phòng, phải thật lâu mới có thể nhận ra Kim Chi xông xáo trên đất Lào 2 năm về trước. Tuy nhiên, chỉ cần trở về với những buổi huấn luyện, cả 2 lại xỏ giày, lại quần short phơi nắng chang chang để cùng các đàn em quần thảo trên sân bóng. Hệt như một duyên nợ khó dứt, chỉ ở nơi dấu giày hằn in trên từng ngọn cỏ, nơi mồ hôi đã đổ xuống vì niềm đam mê truyền đạt cho lớp trẻ hết cái máu lửa của một thời sôi nổi, họ mới tìm thấy mình trong đó, mà theo Kim Chi thì “giống như được trở về chính mình.”

7 năm qua rồi, Lưu Ngọc Mai vẫn thế. Một năm gặp lại, Kim Chi vẫn chẳng hề thay đổi. Lặng lẽ sống cho đam mê là bản tính của các chị. Còn những niềm riêng, ngay cả người trong cuộc cũng chỉ cười lắc đầu khi được hỏi đến. Và thiết nghĩ cũng  chẳng có lý do gì để bắt 2 cô gái bản lĩnh kia phải nói về tương lai nữa. Được sống cùng nhịp đập sân cỏ, nhìn lại tuổi trẻ của mình qua từng lớp học trò như hiện tại cũng đã là quá đủ cho những “chiến binh” chưa bao giờ biết mỏi ấy rồi.

Nguyễn Vân


Lưu Ngọc Mai

Sinh ngày 10/5/1974 tại TP.HCM. Gia nhập đội bóng đá nữ TP.HCM từ năm 1996. Khoác áo ĐT bóng đá nữ VN từ năm 1997 đến SEA Games 22 năm 2003. 4 năm liền là cây ghi bàn số một tại giải VĐQG 1999, 2000, 2001 và 2002. Cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất ở SEA Games 21 (7 bàn) và SEA Games 22 (5 bàn). Vô địch giải bóng đá Tiền SEA Games 1997 tại Malaysia, HCĐ SEA Games 1997, vô địch SEA Games 21 và 22. Trong 6 năm khoác áo ĐT nữ VN, Lưu Ngọc Mai là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất cho ĐT với hơn 30 bàn trong các giải vô địch châu Á, SEA Games, Tiền SEA Games. Năm 2001, Lưu Ngọc Mai là cầu thủ nữ đầu tiên nhận giải Quả bóng đồng cùng các đồng nghiệp nam. Hiện là nhân viên hành chính trung tâm TDTT Q.1(TP. HCM), VĐV đội nữ TP.HCM (trở lại năm 2009), HLV đội futsal Q.1 (TP.HCM) (với Kim Chi).

Đoàn Thị Kim Chi

Sinh ngày 29/4/1979 tại Bến Tre. Gắn bó với bóng đá từ năm 1997, Kim Chi đã có hơn 13 năm là cầu thủ và 10 năm gắn bó cùng ĐT nữ VN, với 5 lần tham dự SEA Games, trong đó có 4 lần cùng đồng đội đoạt chức vô địch. Kim Chi cũng giữ kỷ lục đoạt danh hiệu Quả bóng vàng nhiều nhất (4 lần). Hiện là nhân viên hành chính trung tâm TDTT Q.1 (TP. HCM), VĐV đội nữ TP HCM (trở lại năm 2009), HLV đội futsal Q.1 (TP.HCM) (với Lưu Ngọc Mai).

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link