27/04/2017 11:21 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh bắn tên lửa vào một căn cứ không quân của Syria ngay sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học, một số cựu quan chức thời Chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama đã rất ấn tượng. “Chúng tôi không bao giờ có thể làm được điều đó trong vòng 48 giờ”, một trong số họ đã nói với tờ Politico như vậy.
Một số quan ngại của ông Trump - như kế hoạch xây bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico- và phong cách nói chuyện ngẫu hứng, không rõ ràng của ông Trump khiến các đồng minh lẫn kẻ thù đều bối rối.
Nhưng đồng thời, đặc biệt về chính sách an ninh quốc gia, Chính quyền Trump dường như đang xây dựng một bộ máy hoạt động hiệu quả hơn nhiều so với dự kiến. Bộ máy này xoay quanh Cố vấn an ninh quốc gia, Trung tướng H.R. McMaster, người được xem là một trong những chiến lược gia hàng đầu của quân đội Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump
Ông cũng được nhiều người coi là nhân vật thành đạt nhất trong Chính quyền Trump, là gương mặt chủ chốt về chính sách đối ngoại, thậm chí có ảnh hưởng lớn hơn cả Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis hay Ngoại trưởng Rex Tillerson.
Khi đề xuất phương án tấn công quân sự nhằm đáp trả vụ tấn công hóa học ở Syria, được biết Tướng McMaster và các nhà hoạch định quân sự Mỹ đã đưa ra 3 lựa chọn cho ông Trump. Thứ nhất là tấn công nhằm thẳng vào Tổng thống Syria Bashar al-Assad, “xóa sổ” Dinh Tổng thống Syria. Giải pháp thứ hai cũng quyết liệt tương tự, đó là tấn công vào các căn cứ không quân của Syria và điều này gần như chắc chắn sẽ khiến các cố vấn và phi công Nga thiệt mạng.
Mức độ nghiêm trọng của hai lựa chọn trên dường như đã đẩy ông Trump chọn giải pháp thứ ba - tấn công một căn cứ không quân duy nhất phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công hóa học. Mỹ đã thông báo với phía Nga đủ để họ sơ tán các chuyên gia của mình.
So với một số cách tiếp cận thời Chính quyền Obama - tăng cường vũ khí và quân nhu cho quân nổi dậy Syria nhưng lại không trang bị cho đội quân này đủ sức mạnh chiến đấu để thay đổi hẳn cuộc chiến, việc tấn công chỉ một lần là có trọng điểm và rõ ràng. Nhà Trắng và Cố vấn an ninh quốc gia McMaster đã nhanh chóng bắn tín hiệu rằng đây là đòn trừng phạt đối với vụ tấn công bằng vũ khí hóa học, và Mỹ có thể sẽ không phản ứng như vậy với cuộc tấn công thông thường đang xảy ra ở các khu vực do phiến quân kiểm soát.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang ở Mar-a-Lago vào thời điểm Mỹ tấn công căn cứ quân sự Syria, đó cũng là một cơ hội để ông Trump gửi đi thông điệp rằng ông sẵn sàng hành động quân sự đối với Triều Tiên. Bắc Kinh phản ứng bằng cách cắt giảm đơn đặt hàng mua than của Triều Tiên và ngăn các nhà ngoại giao tham dự cuộc diễu hành rầm rộ ở Bình Nhưỡng hôm 15/4 nhằm biểu dương sức mạnh quân sự. Đây là một chiến thắng trong tín hiệu chiến lược của Mỹ mặc dù Triều Tiên có thể sẽ tiếp tục phóng tên lửa, bởi nhìn bề ngoài có vẻ như họ tin rằng có thể hành động như vậy mà không bị Mỹ trừng phạt quân sự.
Tuy nhiên, ông Trump đã “sẩy chân” ngay sau đó. Trả lời phỏng vấn sau cuộc tấn công Syria, ông chủ Nhà Trắng dường như quên mất Mỹ đã đánh bom quốc gia nào khi nói rằng tên lửa “đang hướng tới Iraq”.
Sau đó lại xảy ra sự cố tại các cuộc họp báo tuyên bố với giới truyền thông về việc “hạm đội” Mỹ được cho là đang hướng đến bán đảo Triều Tiên. Trên thực tế, tàu sân bay USS Carl Vinson đã không khởi hành từ Singapore để đến Triều Tiên mà vẫn đang tiến hành các cuộc tập trận với Hải quân Australia theo kế hoạch ở đầu kia của châu Á. Trong trường hợp này, Nhà Trắng như thể đã mất liên lạc với thực tế.
Chính quyền Trump có thể tránh những sai lầm này trong tương lai, nhưng vấn đề lớn hơn là không có xung đột địa chính trị nào được cải thiện. Tổng thống Assad vẫn nắm quyền ở Syria, và những giả thuyết của Tướng McMaster và những người khác về việc Nga chuẩn bị “bỏ rơi” ông ta cho đến nay vẫn không xảy ra.
Triều Tiên tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa, và mặc dù các vụ thử tên lửa gần đây thất bại, Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục đưa ra những tuyên bố khoa trương về sức mạnh vũ khí và quân sự của họ.
Điều tương tự cũng diễn ra đối với các cuộc xung đột mà Mỹ đang can dự, từ Afghanistan đến Iraq cho tới Libya và Yemen. Kể từ khi ông Trump lên nắm quyền, Mỹ đã gia tăng các cuộc không kích vào Iraq, Syria, Afghanistan và Yemen. Trong nhiều trường hợp, con số dân thường bị thương vong cũng tăng lên. Nhà Trắng dưới thời ông Trump dường như đặt ra ít hạn chế hơn đối với những gì quân đội Mỹ có thể làm tại các khu vực xung đột so với Chính quyền Obama, nhưng cách tiếp cận này cũng mang lại rủi ro.
Trong 100 ngày đầu tiên cầm quyền, Chính quyền Trump đã làm tốt hơn nhiều so với dự kiến trong việc giải quyết một số cuộc khủng hoảng, và chứng tỏ sự lão luyện một cách đáng kinh ngạc trong những tín hiệu chiến lược mà Mỹ đưa ra cho thế giới.
Nhưng Nhà Trắng cũng đang phát triển một thói quen đáng báo động khi chuyển sang sử dụng sức mạnh quân sự, đặc biệt là ném bom hoặc đe dọa ném bom, như một giải pháp đầu tiên chứ không phải cuối cùng. Đó là một cách tiếp cận đôi khi có thể áp dụng cho các cuộc xung đột riêng lẻ ở Trung Đông và thậm chỉ có thể với cả Triều Tiên. Nhưng cách tiếp cận đó cũng có thể sai lầm, và trong giai đoạn căng thẳng gia tăng giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc, cách tiếp cận đó có thể kéo theo thảm họa.
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất