5 khoảnh khắc 'khó đỡ' trong lịch sử giải Oscar

24/02/2017 08:03 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Trong lúc khán giả thế giới đang đếm ngược từng ngày tới lễ trao giải Oscar lần thứ 89, diễn ra vào 26/2 (giờ địa phương), trang Espresso đã điểm lại một số khoảnh khắc gây tranh cãi trong lịch sử giải thưởng điện ảnh uy tín này.

Từ chối nhận giải

George C. Scott là người đầu tiên từ chối giải Oscar cho Nam diễn viên xuất sắc nhất (1970), vì cho rằng bộ máy của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ đã "tham nhũng".


Nam diễn viên George C. Scott

Từ lúc thấy tên mình trong danh sách đề cử, George C. Scott đã tuyên bố nếu có thắng giải, ông cũng không muốn nhận nó trong một buổi lễ mà ông coi là "man rợ" và "phản cảm".

Bất chấp điều này, ngôi sao vẫn giành giải nhờ vai diễn trong phim Patton ở hạng mục Giải Oscar cho Nam diễn viên xuất sắc nhất. Tại sự kiện năm đó, nhà sản xuất của bộ phim đã lên nhận giải thay ông.

Nghi án "phê pha" trên sân khấu

Chắc chắn Viện Hàn lâm có lý khi không để một mình James Franco dẫn dắt lễ trao giải Oscar năm 2011.

Năm đó, nam diễn viên không hề nỗ lực nhiều khi dẫn dắt sự kiện được truyền trực tiếp tới hàng triệu khán giả. Cũng vì vậy, Anne Hathaway đã phải làm việc chăm chỉ gấp đôi để bù lại cho thái độ thiếu chuyên nghiệp của bạn dẫn.


James Franco (trái) tại lễ trao giải Oscar 2011

Điều tệ hại là theo các bài viết trên truyền thông xã hội, cặp mắt đỏ ngầu và thái độ bất cần của Franco dường như là bằng chứng cho thấy anh đã dùng thuốc trước khi lên sân khấu.

3 năm sau, trong một buổi phỏng vấn của chương trình The Tonight Show với Jimmy Fallon, khi hồi tưởng về buổi tối hôm đó, Anne Hathaway thừa nhận cô chưa bao giờ xấu hổ nhiều hơn trong cuộc đời.

Angelina Jolie tuyên bố... yêu anh ruột (2000)

Trong lúc lên nhận giải Oscar ở hạng mục Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất, Angelina Jolie tuyên bố trên sân khấu rằng đã "yêu" anh trai mình, trước khi trao cho người này một nụ hôn kiểu Pháp trong bữa tiệc hậu giải thưởng.


Anh em nhà Jolie

Những tin đồn về mối quan hệ loạn luân tiềm năng giữa họ nhanh chóng lan xa. Về phía mình, tất nhiên nữ diễn viên xinh đẹp phủ nhận điều này.

Hattie McDaniel bị phân biệt chủng tộc (1940)

Năm 1940 là thời điểm phân biệt chủng tộc vẫn tồn tại ngang nhiên ở Mỹ. Vì vậy, ban tổ chức giải Oscar không có gì để cảm thấy xấu hổ khi tổ chức sự kiện lần thứ 12 của mình tại nhà hàng Coconut Grove ở khách sạn Ambassador, nơi người da đen không được phép lui tới.


Nữ diễn viên Hattie McDaniel phải cam chịu bị phân biệt đối xử tại chính lễ trao giải vinh danh bà

Hattie McDaniel, người được đề cử giải Oscar cho Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất, đã phải ngồi ở phía sau của phòng trao giải, ở một bàn dành riêng cho người da đen. Nữ diễn viên này sau đó đã phải vượt qua toàn bộ chiều dọc của căn phòng để lên nhận giải Oscar đầu tiên được trao cho một nữ diễn viên người Mỹ gốc Phi.

Hiện tượng "OscarsSoWhite" (2016)

Bê bối gần đây nhất mà Viện Hàn lâm phải đối diện bắt nguồn từ việc danh sách đề cử Oscar 2016 thiếu vắng hoàn toàn các gương mặt da màu ở hạng mục diễn xuất, ngay cả David Oyelowo, người hóa thân xuất sắc vào vai Martin Luther King Jr. trong phim Selma.


Những đề cử chưa ghi nhận nỗ lực của các diễn viên da màu bị phản đối dữ dội

Điều này gợi nhắc mọi người tới việc chỉ có 5 diễn viên da màu (cả nam và nữ) từng được nhận giải Diễn viên chính xuất sắc trong lịch sử giải Oscar từ trước tới nay, dẫn tới làn sóng phản đối dữ dội "OscarsSoWhite" (Oscar thiên vị da trắng) sau đó.

Duy An
Theo Espresso

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link