13/10/2013 05:05 GMT+7 | Đọc - Xem
(Thethaovanhoa.vn) - Cuốn sách Nhật ký tiểu thư Jones: Giận đàn ông (tạm dịch) của nhà văn Helen Fielding về Bridget Jones - biểu tượng của một thế hệ phụ nữ Anh - bị ví như "một danh ca đã đánh mất giọng hát".
Tên tiếng Anh của cuốn sách là Bridget Jones: Mad About the Boy, ra ngày 10/10. Đây là tập cuối cùng trong bộ tiểu thuyết Nhật ký tiểu thư Jones (3 tập chính, chưa kể các cuốn sách ăn theo) của nhà văn Anh Helen Fielding.
Nhân vật chính của bộ tiểu thuyết, Bridget Jones, là đại diện cho một thế hệ ở Anh về cả tính cách và lối sống. Bộ tiểu thuyết cũng nổi bật vì sự hài hước và tinh tế trong mô tả cảm xúc. Mad About the Boy ra mắt 14 năm sau tập hai, Bridget Jones: The Edge of Reason (1999), vì vậy rất được công chúng đón đợi.
Tiểu thư Jones ở tuổi 51: góa chồng và lỗi thời
Mặc dù vậy, cuốn sách bị Telegraph nhận xét là đáng thất vọng, trong khi các độc giả nữ chưa kịp mua sách thì đã bị vỡ mộng vì tác giả đã "giết chết" nhân vật nam chính lý tưởng của họ: Mark Darcy - người tình và sau này là chồng của Bridget Jones.
Trong tập sách cuối, Jones 51 tuổi, góa chồng (Darcy chết 5 năm trước đó), thừa hưởng một gia tài lớn và một mình nuôi 2 đứa con. Jones như trở thành thiếu nữ một lần nữa, trở lại với những ám ảnh về cân nặng, vẻ bề ngoài, tình dục và mối quan tâm mới của cô - chàng trai 29 tuổi Roxster.
Bìa cuốn sách Bridget Jones: Mad About The Boy |
Mặc dù vậy, theo Telegraph, 14 năm mới ra sách mới khiến tác giả không lấy lại được giọng văn hấp dẫn như trước đây. "Đọc 2 phần 3 cuốn sách như đang nghe nhạc của một ca sĩ trước đây từng hát rất hay, nhưng giờ không hát nổi một nốt nào" - tờ báo viết.
Sách ra vào năm 2013, khác với năm 1999 nên tác giả cố gắng thể hiện sự thay đổi về thời đại đó trong cuốn sách. Fielding đưa những chi tiết thuộc về đời sống đương đại như các thiết bị thông minh, mạng xã hội Twitter, Facebook, tin nhắn, hẹn hò qua mạng… nhưng bị cho là gượng ép.
Tờ Guardian nhận xét, cuốn sách không theo kịp được thời đại như tác giả mong muốn. "Cuộc sống của những người độc thân ở đô thị là một đề tài tươi mới trong các phim hài ở thập niên 90, nhưng đến nay thì đã có quá nhiều cuốn sách viết về chủ đề đó" - tờ báo viết.
Khi cuộc đời đầy "khúc quanh và ngã rẽ"
Jones già đi và phải đối mặt với thực tế cuộc sống khắc nghiệt là điều độc giả có thể dự đoán được. Nhưng nỗi mất mát vì Darcy qua đời được nhắc đi nhắc lại quá nhiều khiến độc giả thấy nhân vật yếu đuối và ủy mị.
Thậm chí, còn có những cảnh nóng trong sách bị so sánh với tiểu thuyết người lớn 50 sắc thái (Fifty Shades of Grey) và mô tả cũng khá gượng gạo, theo Telegraph.
Tuần trước, trả lời tạp chí Vogue, nhà văn Helen Fielding, cho biết qua tập sách cuối, bà muốn thể hiện thông điệp: cuộc sống không phải lúc nào cũng có những kết cục tốt đẹp.
Việc bà "giết" nhân vật Darcy, vốn là thần tượng của hàng triệu cô gái, phần nào bị ảnh hưởng bởi cái chết của người cha. Cha của Fielding qua đời sau một tai nạn xe hơi, khiến bà nhận ra cuộc đời có rất nhiều "khúc quanh và ngã rẽ".
"Giống như các phím đàn dương cầm, phải không nào" - nhà văn nói. "Có phím đen và phím trắng".
"Có một yếu tố bi hài trong sáng tác của tôi. Kết cục tốt đẹp phụ thuộc vào việc bạn chọn kết thúc ở thời điểm nào. Cuộc đời, với những khúc quanh và ngã rẽ, nằm ngoài phạm vi đó".
Bất chấp ý kiến phê phán của giới phê bình, Bridget Jones: Mad About the Boy chắc chắn là sách bán chạy, dù chưa lên kệ. Cuốn sách đã kịp lên đầu bảng ở Amazon nhờ lượng đặt hàng trước.
Tập đầu tiên của Nhật ký tiểu thư Jones cũng được độc giả Anh chọn vào danh sách "10 tiểu thuyết định nghĩa thế kỷ 20", cùng với các tác phẩm lớn như 1984 của George Orwell và Nhật ký Anne Frank.
Từ tiểu thuyết tới phim |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất