Paraguay- Venezuela: Vẻ đẹp nào trong sự xấu xí?

20/07/2011 11:45 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH)- Paraguay có mặt ở bán kết không phải là điều mà nhiều người chờ đợi. Đá kiểu gì mà hòa đến 4 trận lại vào tới vòng này? Venezuela thì người ta chỉ chờ đợi các người đẹp của đất nước này nổi hứng lên như Larissa Riquelme, chứ các cầu thủ của họ toàn là người “nhan sắc” thì bình thường mà lại vô danh.

Thứ bóng đá mà cả hai đã chơi cũng không thể có vinh dự được so sánh với một điều gì đó đặc trưng của đất nước họ, như người ta đã so sánh Brazil chơi bóng như nhảy Samba, còn Argentina là điệu Tango. Đó đơn giản là thứ bóng đá của những giọt mồ hôi: Chạy nhiều ra chiến thuật, nhường quyền kiểm soát bóng cho các đội cửa trên, và khai thác tối đa sai lầm của đối phương.

Niềm vui của cầu thủ Venezuela khi lần đầu tiên vào bán kết Copa America- Ảnh Getty

3 bàn mà Paraguay ghi được ở trận lượt đi vào lưới Venezuela đến từ các tình huống cố định. Hai bàn của họ ở trận gặp Brazil đều được ghi sau những sai lầm cá nhân của hàng thủ Selecao (đặc biệt là hậu vệ phải Daniel Alves, người mất bóng ở bàn thua đầu tiên). Trận nào Venezuela cũng cầm bóng ít hơn, dứt điểm hạn chế, nhưng bao giờ cũng hiệu quả. Trước Chile, họ chỉ dứt điểm trúng khung thành 4 lần, nhưng đã ghi đến 2 bàn thắng. Thứ bóng đá của sự chắt chiu, và sức tập trung phi thường.

Bóng đá của những phẩm chất không bộc lộ rõ ở đôi chân như thế là điều rất khó cảm nhận. Thị giác và ý thức đều hướng đến những thứ hào nhoáng, dù đôi khi nó là vô giá trị. Một cú đảo chân 3-4 lần của Robinho, dù chỉ đi qua một người thôi và dắt bóng vào chỗ tăm tối, vẫn được chú ý hơn một tình huống đeo bám thật hiệu quả, hay bức tường người được tổ chức thật tốt của các hậu vệ Paraguay. Khi Messi không ghi bàn, người ta nhớ và thống kê rằng anh đã tịt ngòi 16 trận chính thức trong màu áo ĐTQG. Khi cầu thủ Cesar Gonzalez của Venezuela tung ra một cú sút tuyệt đẹp làm tung lưới Ecuador, thì tên anh có lẽ chỉ được chúng ta nhớ thoáng qua trong óc, và lập tức lãng quên. Những đội tuyển ở rất xa ánh đèn sân khấu đôi khi không được đánh giá đúng mức về tài năng của họ. Không phải là tài năng ở đôi chân, mà là những điều trừu tượng hơn, như bản lĩnh, sức tập trung, sự đoàn kết, và sức mạnh tinh thần đặc biệt.

Khi bóng đá bị biến thành một ngành công nghiệp có quá nhiều góc tối tăm không thể chạm đến, thì những phẩm chất tinh thần như thế đặc biệt đáng giá. Nó nói lên rằng sẽ có rất nhiều đội bóng “dám” đi đến cùng một cuộc chơi, trong khi các đội lớn bị bủa vây bởi quá nhiều những toan tính trước, trong, và cả sau giải đấu. Copa America 2011 đã làm sụp đổ rất nhiều niềm tin, nhưng có một niềm tin khác tiếp tục sống dậy trong lòng các đội bóng nhỏ, sau những gì đã xảy ra ở EURO 1992 (Đan Mạch bất ngờ vô địch), EURO 2004 (Hy Lạp đăng quang), và bây giờ là Copa lần này: Luôn có rất nhiều con đường để tìm đến đỉnh cao của bóng đá thế giới, dù bạn đang đứng ở đâu.

Với Copa America năm nay, điều ấy lại càng chuẩn xác. Một cách đơn thuần, có thể cho rằng sự xấu xí đã lên ngôi, nhưng bóc tách đến tận cùng, thì đó lại là vẻ đẹp của bóng đá hiện nay. Dù thế, vẫn phải đặt ra một câu hỏi: Còn một “lớp nghĩa” nào của Copa mà chúng ta còn chưa biết, nhìn từ khía cạnh các đội bóng hạng trung bình làm loạn giải đấu? Khi những bất ngờ xảy ra có hệ thống, hy vọng rằng nó không phải là sản phẩm của nghệ thuật sắp đặt nào đó. Cũng ở rất xa ánh đèn sân khấu, và quá trừu tượng, nếu ý thức và thị giác đều chỉ tập trung vào những hào nhoáng bề ngoài…

BC


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link