09/11/2017 07:44 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Tuần qua, PGS, họa sĩ Trần Huy Oánh vừa ra mắt tuyển tập Kí họa thời chiến – Tâm huyết còn mãi với thời gian. Thế nhưng, bên cạnh 189 bức kí họa vẽ trong chiến tranh của mình, ông lại muốn chia sẻ với người viết một câu chuyện khác.
Đó là câu chuyện của nghề giáo, khi người họa sĩ 80 tuổi này từng có 14 năm làm Phó Hiệu trưởng ĐH Mỹ thuật Hà Nội (từ 1984 – 1998). Ông bảo, việc ra mắt cuốn sách này là để“đón đầu” ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới.
“Tôi có may mắn được làm công tác giảng dạy ở trường ĐH Mỹ thuật ngay sau khi tôi tốt nghiệp vào năm 1963, do nhà trường giữ lại”, danh họa Trần Huy Oánh mở đầu cuộc trò chuyện với Thể thao & Văn hóa (TTXVN).
*Vậy điều gì khiến một nhà giáo như ông lại có rong ruổi khắp mọi nẻo đất nước trong những năm chiến tranh để thực hiện những bức kí họa của mình?
- Ngày đó, xu hướng dạy mỹ thuật là học từ thực tế. Chúng tôi thường tổ chức những chuyến đi thực tế để thầy trò cùng rèn luyện. Có thể ở cùng bộ đội, thanh niên du kích để vẽ lại cuộc sống của họ. Qua đó, học sinh sẽ được rèn luyện tính cách, trải nghiệm từ đó lấy chất liệu để sáng tạo.
Những chuyến đi ấy cũng là dịp để tôi thực hiện các bức vẽ của mình. Nhìn chung, cái đẹp không phải lúc nào cũng bày sẵn ra để vẽ, nên rất cần trải nghiệm. Tôi vẫn nói với sinh viên như thế.
* Nhắc đến chuyện giảng dạy, ông so sánhnhư thế nào về việc dạy mỹ thuật ở thời đó và bây giờ?
- Tất cả những yếu tố cần thiết để rèn luyện năng lực đạt đến mức khá cho người nghệ sĩ về sau này đều xuống cấp, mà nguyên nhân trước hết nằm ở sự thiếu lý tưởng, thiếu đam mê của sinh viên. Gần như các em chỉ học vì cái bằng. Đây không phải ý kiến riêng của tôi, nhiều người đều thấy.
Thời Đông Dương, có những người dù mất 9 năm vẫn quyết tâm đỗ được vào trường Mỹ thuật. Như thời tôi cũng có người thi đến 5-6 lần mới đỗ. Đam mê với nghề đến mức khát khao chỉ muốn gắn bó với nó, không màng đến việc kiếm tiền hay lợi nhuận ngay lập tức. Hiện nay những trường hợp như vậy vẫn có, nhưng không nhiều và không mạnh như thời của chúng tôi trước đây.
* Vậy ông giải thích thế nào về điều ấy?
-Có rất nhiều nguyên nhân mà bản thân tôi không thể giải đáp được hết. Chẳng hạn như áp lực về thu nhập.Trước kia chúng tôi học là học đến nơi đến chốn, chưa nghĩ đến việc kiếm tiền vội. Hội họa không phải nghề có thể kiếm tiền nhanh và ngay. Nhưng bây giờ thì khác.
Rồi, hiện nay có nhiều xu hướng mỹ thuật mới được phát triển, nhưng để tiếp thu nó sinh viên cần có cái gốc. Nhiều sinh viên sau khi ra trường, vẽ được một chút đã vỗ ngực mình là họa sĩ, nhưng thực ra trình độ thẩm mỹ vẫn ở mức thấp. Giống như, ngay tại Hà Nội cũng có một vài con phố bán tranh giá rẻ, những bức ấy cũng chỉ để đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ ở mức thấp.
Đáng tiếc là người ta chưa phân định rạch ròi việc này, vì những thứ bề nổi như vậy luôn cần có thời gian....
*Thế nhưng dường như tại Việt Nam, các tác phẩm tranh chất lượng thì lại chỉ được trưng bày ở phòng tranh, còn số lượng người mua chúng lại khá lác đác. Như vậy thì đâu là đầu ra cho sinh viên ngành mỹ thuật, để họ được sống với nghề?
- Sinh viên mỹ thuật ra trường bây giờ gần như chưa có đầu ra, hay nói cách khác, Việt Nam vẫn chưa có thị trường đúng nghĩa cho các họa sĩ. Tất cả chỉ mới đang dừng ở mức manh nha.
Điều này phụ thuộc vào trình độ kinh tế cũng như trình độ thẩm mỹ. Người nghèo, không có tiền thì không nói làm gì. Nhưng nhiều người có tiền, thậm chí bỏ hàng trăm triệu để hội hè tiệc tùng nhưng đến khi mua bức tranh 10 triệu thì tiếc. Đó là thực tế tôi đã thấy được.
*Vậy theo ông quan sát, các lứa họa sĩ trẻ được đào tạo của Việt Nam đang sống với nghề thế nào?
- Các sinh viên ra trường phải tìm đường kiếm sống bằng nhiều cách theo khả năng. Ví dụ vẽ thuê, vẽ phong cảnh, trang trí nhà cửa, vẽ tranh truyện, vẽ bao bì,… đó là những việc có thể kiếm sống ngay được. Còn có đi đường dài được với hội họa không thì còn tùy mỗi người, tùy hoàn cảnh xô đẩy.
* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này.
Hồi ký bằng tranh vẽ Kí họa thời chiến – Tâm huyết còn mãi với thời gian là tên tuyển tập gồm 189 bức kí họa của họa sĩ Trần Huy Oánh, thực hiện trong khoảng những năm 70 của thế kỉ trước, khi chiến tranh đang bước vào giai đoạn ác liệt nhất. Được phân thành các mảng theo từng thời kỳ và địa danh (Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Trường Sơn và Tây Nguyên), 189 kí họa của Trần Huy Oánh như một hồi ký của họa sĩ về cuộc hành trình rong ruổi đến mọi ngóc ngách của cuộc chiến từ tiền tuyến đến hậu phương cùng các chiến sĩ bộ đội. Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam: “Ký họa của ông ngày ấy, bây giờ là sử liệu chân xác bằng tranh, hóa thạch trong giây khắc dung nhan thế hệ những người Việt mới ra trận rồi nằm xuống thanh nhàn, gửi hồn thiêng theo núi song cây mây.” |
Hà My (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất