PGS Nguyễn Văn Huy: 'Sáng tạo' - phải bắt đầu từ chiều sâu của đô thị

28/01/2020 08:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - “Hà Nội có trữ lượng rất lớn về các tài nguyên lịch sử đô thị, nhưng lại lãng phí chúng một cách khủng khiếp. Đó là điều vô cùng đáng tiếc, trong bối cảnh chúng ta đang muốn phát triển những không gian sáng tạo đặc thù” - PGS Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa, chia sẻ với Thể thao và Văn hóa (TTXVN).

PGS Nguyễn Văn Huy: Làm tốt, bảo tàng công nghiệp sẽ 'đẻ trứng vàng'

PGS Nguyễn Văn Huy: Làm tốt, bảo tàng công nghiệp sẽ 'đẻ trứng vàng'

Là chuyên gia đầu ngành về bảo tàng, từng có kinh nghiệm tới một số bảo tàng công nghiệp trên thế giới, PGS Nguyễn Văn Huy có cuộc trao đổi với Thể thao & Văn hóa Cuối tuần về mô hình này.

Ông nói:

- Năm qua, chúng ta vừa chứng kiến một câu chuyện thú vị là sức hút của “phố cà phê đường tàu”. Cho dù phải dừng hoạt động vì lý do an toàn, nó vẫn khiến nhiều người tự vấn về những quan niệm và cách nhìn cũ, khi nhìn du khách ùn ùn đổ tới một không gian từng bị coi là nhếch nhác, bẩn thỉu và là gắn liền với người có thu nhập thấp.

Thật ra, nếu chịu tìm hiểu, chúng ta không khó để gặp những trường hợp tương tự. Chẳng hạn, trong khu phố cổ, du khách cũng rất thích quan sát, trải nghiệm, ngó nghiêng tại những góc phố cũ, những cụm nhà đang xuống cấp theo thời gian – và đặc biệt là một hệ thống vô cùng phong phú các ngõ ngách nhỏ hẹp chằng chịt mà bản thân một người đã sống tại Hà Nội 60 năm như tôi cũng chưa bao giờ tới thăm...

Chú thích ảnh
PGS Nguyễn Văn Huy

* Và thông thường, chúng ta hay lý giải điều đó bằng sự tò mò, chuộng lạ của “khách Tây” hoặc giới trẻ...

- Không hoàn toàn vậy. Tôi nhớ đến nhận xét của Georges Condominas, một nhà dân tộc học người Pháp có nhiều năm nghiên cứu về Tây Nguyên: “Những điều lạ chính là những điều của cuộc sống thường ngày”.

Chúng ta nhìn những ngôi nhà cũ, những khu “ổ chuột” lâu năm ấy bằng tư duy “bề trên” về sự lạc hậu, cũ kỹ cần xóa bỏ. Nhưng ẩn dưới một không gian hoặc một vài nét kiến trúc xưa cũ, một khách khách lạ hoàn toàn có thể tìm thấy ở đó cả một nếp sống, một lớp văn hóa được tích lũy, chọn lọc và kết tụ theo thời gian. Bởi, chúng lưu giữ cả một phần lịch sử và ký ức của thành phố.

Chú thích ảnh
Ít ai nghĩ, một không gian này lại từng là một nơi thu hút du khách, cho dù nó không đảm bảo được sự an toàn và đã bị dẹp bỏ

* Ông có thể nói cụ thể hơn?

- Có dịp đi tới một số thành phố trên thế giới, tôi thấy họ luôn rất biết cách tái phát triển những công trình cũ để trở thành không gian kết nối giữa hiện tại và lịch sử của đô thị. Ở Pháp, một nhà ga xe lửa cũ được trùng tu để trở thành bảo tàng Orsay nổi tiếng nhất Paris. Ở Anh, nhiều khu công nghiệp cũ sử dụng lại một phần diện tích để trưng bày, tái hiện cuộc sống của người nhập cư khi làm việc tại đây trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX. Rồi, tại các bến tàu cũ của Singapore, Đan Mạch, Hà Lan…, gần như tất cả kho cảng cũ được giữ lại một phần để cải tạo thành quán cà phê, xưởng vẽ, không gian trưng bày.

Còn chúng ta thì sao? Hà Nội từng bỏ lỡ nhiều cơ hội lớn để thiết lập các bảo tàng công nghiệp hoặc các khu sáng tạo khi di dời các nhà máy trong thành phố. Đó là những nhà máy từ thời Pháp, đánh dấu thời điểm người Việt lần đầu tiên tiếp xúc với kỹ nghệ phương Tây hoặc là những nhà máy gắn với lịch sử thành phố trong giai đoạn đầu xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Tôi dám chắc: Chỉ ở góc độ kinh tế, nếu biết cách làm, những không gian này sẽ là “niêu cơm Thạch Sanh” và đem lại nguồn lợi không kém gì so với việc dành quỹ đất ấy cho những khu đô thị mới.

* Vậy theo ông, những gì còn lại có đủ để chúng ta tạo dựng các “không gian ký ức” hấp dẫn không?

- Có một câu chuyện không diễn ra ở Việt Nam, nhưng tôi rất ấn tượng: chuyện của tòa nhà Bưu điện Pavilion xây từ 1899, vốn là một công trình mang tính biểu tượng của Washington (Mỹ). 3 năm trước, tập đoàn của Donal Trump mua lại tòa nhà này, sau đó bỏ ra 200 triệu USD để tu bổ và cải tạo thành một khách sạn siêu sang nhưng vẫn giữ lại hầu hết đường nét kiến trúc cũ. Và Donal Trump nói rằng ông chọn giải pháp ấy vì muốn thử thách khả năng sáng tạo của các kiến trúc sư.

Thẳng thắn, tôi nghĩ chúng ta nên có tư duy sáng tạo như thế khi nhìn về những kiến trúc cũ. Chẳng hạn, nhiều khu tập thể cũ đang được lên kế hoạch cải tạo. Đó chính là một dạng công trình gắn với những ký ức về lịch sử Hà Nội, nơi nhờ sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, người dân thành phố lần đầu tiên biết tới mô hình nhà ở cao tầng. Và sẽ rất thú vị, nếu thay vì đập bỏ toàn bộ một khu tập thể để xây mới, chúng ta giữ lại một tòa nhà tiêu biểu nhất, tu bổ nó và biến thành không gian để kinh doanh, giới thiệu sản phẩm hay bố trí các quán cà phê...

Chú thích ảnh
Với những gì từng có trong quá khứ, Rạp tháng 8 cần được nghiên cứu để khai thác theo một hướng riêng, thay vì phải “chạy đua” với hàng loạt rạp chiếu phim hiện đại. Ảnh: Trung Hiếu

* Ông có thể kể thêm một số ví dụ khác về những không gian cần “đánh thức”?

- Tới Singapore, thăm những dãy nhà cũ dọc sông, tôi vẫn mong có một ngày những khu phố Pháp, khu phố cổ của chúng ta được “đánh thức” như họ đang làm. Mà thẳng thắn, về bề dày, bề sâu văn hóa của Hà Nội thì Singapore không thể so sánh được. Vấn đề là cách chúng ta giải quyết được tình trạng “chia năm xẻ bảy” về quyền sử dụng ở những biệt thự Pháp, những nhà phố cổ, để từ đó có phương án tu bổ và mở rộng công năng của chúng.

Hoặc, các rạp chiếu phim cũ còn lại Hà Nội - mà điển hình là rạp Tháng 8 - là một ví dụ khác. Là biểu tượng về đời sống tinh thần cộng đồng trong quá khứ, chúng cần được tôn tạo và quy hoạch thành những điểm chiếu phim đặc biệt, dành cho một lượng khán giả riêng , thay vì phải “chạy đua” với các rạp hiện đại trong sự cũ kĩ và xuống cấp của mình.

Rồi, rất nhiều không gian có giá trị khác của thành phố vẫn đang được sử dụng một cách lãng phí. Trụ sở của Học viện Viễn Đông Bác cổ với một kiến trúc Pháp rất hài hòa và tiện dụng cho lưu trữ, tra cứu tư liệu hiện đã bị “xẻ” ra cho những cơ quan khác nhau, thay vì trở thành điểm kết nối của những người muốn tìm hiểu về văn hóa cũ. Rồi Trường Đại học Đông Dương cũ ở phố Lê Thánh Tông, do KTS nổi tiếng Ernest Hébrard thiết kế cũng chưa được khai thác đúng mức – trong khi chúng ta hoàn toàn có thể biến nơi đây trở thành không gian biểu tượng chung của các trường đại học trên Hà Nội để làm các lễ trao bằng tốt nghiệp, vinh danh nghiên cứu khoa học.

Xa hơn, một loạt những căn nhà cũ của nhạc sĩ Văn Cao ở phố Yết Kiêu, của bác sĩ Tôn Thất Tùng ở phố Lê Thánh Tông hay “biệt thự văn nghệ sĩ “ 65A Nguyễn Thái Học – nơi ở của những cái tên Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Mai Văn Hiến, Đỗ Nhuận, Nguyễn Đình Thi, Vũ Tú Nam... cũng hoàn toàn có thể quy hoạch thành những bảo tàng để thành phố có thêm chiều sâu văn hóa cho mình...

* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện!

Cúc Đường (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Xuân Canh Tý

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link