PGS-TS Phạm Văn Tình: 'Mở rộng thêm biên độ nghiên cứu Việt Nam học'

15/08/2022 08:01 GMT+7 | Văn hoá

Sáng 13/8 tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam học đã chính thức ra mắt, với các nhiệm vụ và biên độ nghiên cứu mới. Nhân sự kiện này, báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) phỏng vấn PGS-TS Phạm Văn Tình, người vừa được bổ nhiệm làm Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Việt Nam học tại TP.HCM, kiêm Giám đốc Trung tâm Việt Nam học tại Hà Nội.

PGS. TS Phạm Văn Tình – người tôn vinh tiếng Việt yêu thương

PGS. TS Phạm Văn Tình – người tôn vinh tiếng Việt yêu thương

Viết sách giúp học sinh, yêu tiếng Việt, hiểu tiếng Việt, PGS-TS Phạm Văn Tình có bộ 4 quyển Tiếng Việt yêu thương (NXB Kim Đồng 2008). Cũng thuộc loại sách này ông còn có quyển Mỏng mày hay hạt được Nhà nước đặt hàng, năm 2014 NXB Kim Đồng in tới 21.776 bản, đưa vào thư viện các trường trung học cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam học của Viện Nghiên cứu Việt Nam học, trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA).

* Thưa PGS-TS Phạm Văn Tình, trên thế giới và tại Việt Nam đã có rất nhiều khoa hoặc bộ môn về Việt Nam học. Viện và trung tâm của ông sẽ có những tiếp nối và khác biệt nào?

- Rất nhiều nước trên thế giới có chuyên ngành nghiên cứu liên quan tới một quốc gia (đất nước học - country studies). Môn học này thường lấy tên quốc gia đó để đặt, như Hoa Kỳ học (American studies), Pháp học (French studies), Nga học (Russian studies)… Việt Nam học (Vietnamese studies) cũng đã có ở một vài nơi trên thế giới, mà cũng khá lâu rồi (ví dụ Hoa Kỳ đã có Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam học từ thời Chiến tranh Việt Nam). Tuy nhiên, ở Việt Nam, mãi tới những năm đầu thế kỷ 21 (2000 - 2001) thì ngành khoa học này mới được nhiều người quan tâm và được nhà nước chấp nhận triển khai nghiên cứu.

Chú thích ảnh
PGS-TS Phạm Văn Tình

Từ đó đến nay, Việt Nam học đã thu hút nhiều nhà khoa học quan tâm, đi sâu tìm hiểu. Hiện nay, đã có Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội) chuyên nghiên cứu những vấn đề liên quan tới Việt Nam học. Ngoài ra, còn có hơn 80 trường cao đẳng và đại học trong cả nước đưa môn Việt Nam học vào giảng dạy.

Trung tâm Việt Nam học mới thành lập là một tổ chức nghiên cứu mới (của Viện Nghiên cứu Việt Nam học - thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) có vai trò “mở rộng biên độ” nghiên cứu Việt Nam học.

* Ông có thể cho biết những nội dung nào mà Trung tâm này quan tâm, nghiên cứu?

- Môn đất nước học đi sâu tìm hiểu một quốc gia - dân tộc với nhiều bình diện như chính trị, địa lý, lịch sử, văn học, ngôn ngữ, tôn giáo - tín ngưỡng… Nhưng khác với các ngành khoa học tương ứng (chính trị học, địa lý học, sử học, văn học, ngôn ngữ học, kinh tế học…) nghiên cứu những vấn đề rộng, phổ quát, liên quan tới từng bộ môn, các chuyên ngành của Đất nước học sẽ nghiên cứu, khai thác, lý giải những nét đặc trưng làm nên tổng thể, quốc hồn quốc tuý của quốc gia đó.

Chú thích ảnh
Chính thức ra mắt Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam học

* Như thế thì rất rộng phải không ạ?

- Rất rộng. Có cảm giác như Việt Nam học bao quát mọi ngành khoa học. Đúng ra, Việt Nam học là một ngành khoa học liên ngành. Bởi khác với mọi môn khoa học có tính độc lập riêng, Việt Nam học phải phối kết hợp những ngành liên quan để có một dữ liệu nghiên cứu “cần và đủ”, nếu không sẽ giống như “thầy bói xem voi”. Chẳng hạn, nghiên cứu về tiếng Việt không thể không xem xét những nhân tố của cả tiến trình lịch sử chi phối (ngôn ngữ học lịch sử), hoặc các nhân tố địa lý, vùng miền ảnh hưởng tới phương ngữ, thổ ngữ, biệt ngữ… Tuy nhiên, Việt Nam học không phải là “ông trùm” bao quát toàn bộ như bách khoa toàn thư, nó có những định hướng nhất định.

* Ông có thể nói cụ thể hơn?

- Mọi môn khoa học đều phải bắt nguồn từ thực tiễn. Đất nước học phục vụ cho các cư dân của đất nước đó. Người Hoa Kỳ nghiên cứu về nước Hoa Kỳ, hẳn rồi. Nhưng người Hoa Kỳ cũng nghiên cứu về các đất nước khác để phục vụ cho chính cư dân các nước này đang sống, học tập trên đất nước của họ. Chẳng hạn, họ có chuyên ngành Mexico học, Trung Quốc học, Tây Ban Nha học, Nhật học, Hàn Quốc học, Việt Nam học… bởi cư dân các nước này đang chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong dân số nước Hoa Kỳ.

Trong môn đất nước học, sẽ có những vấn đề đáng quan tâm hơn được ưu tiên. Trong Chiến tranh Việt Nam, người Hoa Kỳ lưu ý tới địa lý, chính trị, lịch sử, ngôn ngữ, tôn giáo… hơn các môn khác. Ở Anh, môn Trung Quốc học đi sâu vào lịch sử, chính trị - tư tưởng, văn hóa… Tôn giáo học (cụ thể là khoa học đạo Hồi) là nhánh nghiên cứu được tập trung nhiều nhất của các nước phương Tây gần đây, nhất là sau vụ khủng bổ 11/9/2001.

Chú thích ảnh

* Vậy thì về ưu tiên, Việt Nam học của chúng ta tập trung vào những vấn đề gì?

- Như tôi đã nói, các kết quả nghiên cứu của Việt Nam học giúp cho chúng ta (người Việt Nam) và người nước ngoài hiểu rõ được những nét làm nên “hồn cốt” của con người Việt Nam. Quốc văn, quốc sử, quốc ngữ là “hạt nhân” của hồn cốt đó. Vậy những vấn đề lịch sử, văn học, ngôn ngữ cần đi đầu.

Ngoài ra, văn hóa ẩm thực, văn hóa tín ngưỡng - tâm linh, văn hóa giao tiếp, văn hóa ăn ở… cũng là các ưu tiên. Các chuyên ngành hẹp về địa danh cũng rất đáng quan tâm, như Hà Nội học, Huế học, Hội An học… hoặc các vấn đề tác gia - tác phẩm như Nguyễn Trãi học, Lê Thánh Tông học, Nguyễn Du học, Kiều học… cũng được hướng đến.

Chúng tôi đã đặt ra các chương trình dài hạn, trung hạn và ngắn hạn. Về dự kiến sắp tới, chúng tôi sẽ đi sâu vào các vấn đề cụ thể, như ngôn ngữ học ứng dụng, tín ngưỡng xưa và nay, ẩm thực và du lịch… Đây là những vấn đề “hot”, đang được dư luận quan tâm.

* Một câu hỏi hơi riêng tư, hấp lực nào thu hút ông từ một nhà nghiên cứu ngôn ngữ sang làm Việt Nam học?

- Tôi là một người nghiên cứu ngôn ngữ hơn 40 năm. Ngôn ngữ học đã đi vào “máu thịt”. Là dân chuyên nghiên cứu văn bản và diễn ngôn, những năm gần đây, tôi đi sâu vào mảng ngôn ngữ truyền thống như ca dao, thành ngữ, tục ngữ. Càng đi sâu, tôi càng phát hiện ra tiếng Việt ngàn đời liên quan rất nhiều tới lịch sử, địa lý, phong tục, tập quán của dân tộc. Không am hiểu những lĩnh vực đó, tôi không thể viết những bài ngôn ngữ cho “ra hồn”, đọc sẽ nhạt, chẳng khác nào nồi canh không gia vị.

Cũng phải nói thêm, cách đây 7 năm (2015), tôi cùng một số đồng nghiệp đã tổ chức thành công hội thảo Việt Nam học - Những phương diện văn hóa truyền thống. Hội thảo thu hút hàng trăm nhà khoa học và số báo cáo tham gia đã in thành 2 tập kỷ yếu, dày 1.600 trang. Ý tưởng đi vào Việt Nam học có trong tôi từ đó và trong những năm qua, tôi đã tìm hiểu, tích lũy “đủ vốn” để cùng các dồng nghiệp (đứng đầu là GS Đinh Văn Đức) thành lập Trung tâm Việt Nam học như mọi người vừa biết.

Vốn liếng ngôn ngữ học giúp rất nhiều cho tôi bước chân vào địa hạt mới. Không chỉ là chuyện cá nhân, tôi nghĩ vài ngành khác cũng cần mở rộng thêm biên độ nghiên cứu Việt Nam học, vì đấy cũng là ích lợi chung cho khoa học.

* Vâng. Xin cảm ơn ông!

“Các chuyên ngành hẹp về địa danh cũng rất đáng quan tâm, như Hà Nội học, Huế học, Hội An học… hoặc các vấn đề tác gia - tác phẩm như Nguyễn Trãi học, Lê Thánh Tông học, Nguyễn Du học, Kiều học… cũng được hướng đến” (PGS-TS Phạm Văn Tình, Giám đốc Trung tâm Việt Nam học)

Văn Bảy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link