Nguyễn Quân đi không hết chiều…

29/10/2010 11:02 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Vào lúc 14h chiều nay, 29/10 tại 53 Nguyễn Du, Hà Nội, nhà lý luận phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân sẽ có các buổi tọa đàm và giao lưu với độc giả về tác phẩm Mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20 (NXB Tri thức, 2010). Đây là quyển sách mới nhất của ông, dày 388 trang, xoay quanh các vấn đề thuộc về lịch sử, lý luận và bình luận.

1. Tôi thường cảm động đến run người mỗi khi may mắn có dịp được hầu chuyện những bậc có thực tiếng là “hào kiệt”, hay “chí sĩ” của một vùng hay cả nước. Và mãi vẫn không hiểu sao họ có thời gian đâu mà biết lặt vặt lắm thế, tất cả mọi chuyện từ Tây, Tàu đến chuyện con sâu, cái kiến, củ khoai... Chẳng hạn, tại sao mấy tay nhạc trưởng cầm đũa lại sống lâu, tại sao các cụ xưa lại trồng cây lựu trước sân, cây mít sau nhà... Thông tin của họ kể ra thực có và lạ, kèm theo luôn có cao kiến mới...


Nhà lý luận phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân
Được tiếp xúc với các bậc thầy trí tuệ và bình dị, được nghe chuyện Đông Tây kim cổ từ chính miệng họ nói ra là một sự “khoái thú thẩm mỹ” lớn. Được gặp và trò chuyện với họa sĩ - nhà lý luận phê bình nghệ thuật Nguyễn Quân là một “thú” như vậy!

Nguyễn Quân sinh năm 1948, trong một gia thế dòng dõi Nho học và theo cách mạng từ sớm (cụ thân sinh của ông là thiếu tướng Đan Thành). Lớn lên ông được đào tạo khoa học nghiêm túc, năm 1971 ông tốt nghiệp ngành điều khiển học tại đại học Merseburg, Đức. Và ông còn được chuẩn bị một vị thế chính trị xứng tầm, với công việc đầu tiên sau khi về nước là làm thư ký kiêm phiên dịch tại Phủ Thủ tướng.

Nhưng Nguyễn Quân đã sớm từ bỏ để đi dạy học, rồi đi bước nữa tiến hẳn vào địa hạt nghệ thuật - một niềm đam mê “tạo nghiệp” mà ông đã dành nhiều thời gian tự học suốt thời sinh viên ở châu Âu. Sau khi ông được mời về làm phó khoa Lý luận & Lịch sử Mỹ thuật tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội, ông cùng các cộng sự đã nghiên cứu và soạn một loạt những cuốn sách nghệ thuật quan trọng trong thập niên 1980 - 1990. Số trước tác này đã ấn định ông như một người xây dựng lý thuyết nghệ thuật tạo hình Việt Nam có hệ thống đầu tiên, dựa trên những nghiên cứu tiền đề các bậc thầy trước để lại.  

2. Quyển Mỹ thuật Việt Nam thế kỷ XX được NXB Tri Thức in lần đầu tiên năm 2010 (kèm phụ lục tái bản là cuốn Nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại - NXB Văn hóa 1982, gộp thành một bộ với hai phần. Để giữ tính lịch sử - cụ thể tại thời gian tác phẩm in ra gần 30 năm trước, cũng như những luận điểm “dự báo” vượt thời gian bắt nối vào những nhận định về sau, tác giả vẫn để nguyên phần sách này không sửa chữa). Đây là cuốn sách cuối cùng trong 14 đầu sách nghệ thuật Nguyễn Quân kỳ công xây dựng, viết riêng hoặc soạn chung với nhà bình luận - nhà làm sử nghệ thuật Phan Cẩm Thượng (cũng là học trò xuất sắc của ông). Từ khi chưa có số trước tác của 2 tác giả nói trên, có thể nói ở ta gần như chưa có lịch sử và lý luận về nghệ thuật tạo hình một cách có “khung sườn”, có hệ thống vững chắc.

Trong suýt soát một thế kỷ mỹ thuật, song hành với một thế kỷ “đau thương và hào hùng” của dân tộc, Nguyễn Quân đã phác lại những mô hình thời đại sinh ra các thế hệ nghệ sĩ tương ứng với bốn thời kỳ lớn. Từ mỹ thuật Đông Dương sản sinh ra nghệ sĩ tiểu tư sản - thị dân (ngấp nghé chuẩn bị tiến lên nghệ sĩ - trí thức) thì bỗng xoay vần theo thời cuộc vận mệnh nước non mà trở thành nghệ sĩ - chiến sĩ; rồi nghệ sĩ cán bộ - công chức (mỹ thuật qua 2 cuộc kháng chiến và mỹ thuật hiện thực XHCN) và cuối cùng thì chuyển sang nghệ sĩ tự do - đối diện với thị trường và xã hội thông tin ở thời mỹ thuật đổi mới và đương đại. Một số hiếm nghệ sĩ ra nước ngoài sớm và thành đạt ở hải ngoại thì vẫn chưa đủ để vực dậy nền “sản xuất sản phẩm tinh thần nội địa”. Quan trọng vẫn phải là lực lượng nghệ sĩ tại chỗ: “ăn bát cơm ở nơi đó, uống miếng nước ở nơi đó, chung chia sướng khổ với con người nơi đó”, cộng với những tầm nhìn quản lý “phải đạo” thì nghệ thuật của dân tộc đó mới nở hoa đơm trái, bằng vai phải lứa với “bạn bè năm châu” được.

Cốt lõi tư tưởng nghệ thuật xuyên suốt trong các sách, bài viết ngắn, bài nói chuyện... của Nguyễn Quân luôn chọn ra đúng những hạt nhân tinh hoa bản sắc Việt Nam làm tư tưởng xuyên suốt. Ông luôn đề cao chủ nghĩa dân tộc tính “tích cực” cộng giao lưu “cửa mở hai chiều” làm chuẩn định hướng chủ đạo cho sự phát triển nghệ thuật.

Bên cạnh một Nguyễn Quân “thủ lĩnh lý luận nghệ thuật” còn có một Nguyễn Quân - họa sĩ luôn duy trì được sự tiếp cận thẩm mỹ bằng sáng tác liên tục. Là người sành sỏi nhâm nhi thưởng thức nghệ thuật, ông còn là người bạn hào hoa tài tình của cả “làng” nghệ thuật xung quanh... Dù là mẩu chuyện vui, hay những “áng” văn bình luận nghệ thuật nho nhỏ, ông thường xới ra được câu đúng, từ đúng để lẩy đích danh cái tạng, cái khuất khúc của các bức chân dung con người và chân dung con người nghệ thuật, nghe rất sướng cái “nhĩ thinh”...  

3. Có lẽ sau khi làm nốt bộ sách “đi suốt trăm năm” này, ý định của Nguyễn Quân là sẽ “rửa tay gác kiếm” với sự nghiệp “lập ngôn” về nghệ thuật để rảnh thời gian vẽ vời và quan chiêm xã hội. Nhưng tác giả vẫn mong mỏi đây là sự khởi đầu cho một tủ sách nghệ thuật Việt Nam được tập hợp lại có hình có vóc, được chuyển ngữ để tiện bề giới thiệu ra thế giới, và ông đã dành không ít công sức để dọn đường cho những thế hệ sau bước tiếp...

Giờ, tôi mới hiểu tại sao có những bậc thầy lại đồ sộ bác học, lại ham sống nhiều đời trong một kiếp, lại biết lắm chuyện người và ôm lắm việc đời thế. Để được như vậy, có những người nom tưởng như “công thành thân vẹn thoái” đấy, nhưng ai hay đã hao tâm tổn tướng, mặt mày nhầu nhĩ, chết đi rồi phục sinh không biết bao nhiêu lần? Bởi còn lưu đày ở nơi con người, thì có đi mãi cũng không hết chiều kích của lòng ham sống, lòng muốn yêu thương con người, nên còn muốn, “máu”...

Vũ Lâm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link