04/04/2011 07:30 GMT+7 | Phim
(TT&VH Cuối tuần) -Xem phim chẳng thấy giống con người Việt Nam gì cả. Phim đã bóp méo sự thật, không coi trọng con người. Phim đã rơi vào chủ nghĩa tự nhiên, theo góc nhìn phiến diện của đạo diễn về cuộc sống, hoàn toàn xa lạ với nghệ thuật. Phim gây sốc vì cảnh “nóng”… Đã có nhiều bình luận như thế về Bi, đừng sợ!, bộ phim Việt Nam gây xôn xao dư luận nhất thời gian gần đây. Nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn có một cái nhìn hoàn toàn khác về bộ phim này.
“ …Xin lửa Lửa tắt Xin nước mắt Nước mắt chua…”
Một chiếc máy bay đồ sộ ầm ầm hạ cánh. Khuôn mặt ngây thơ của Bi ngước nhìn lên bầu trời, không phải một bầu trời “bi kịch lạc quan” xanh thăm thẳm hay một cánh diều ước lệ, mà là một bầu trời nặng nề, xám xịt đe dọa. Cảnh đột nhiên vụt tắt, tối đen. Chỉ bật lên tiếng nức nở cố nén lại của mẹ Bi, và tiếng gọi “mẹ… mẹ… mẹ” hoảng hốt của em. Có lẽ, trên toàn bộ phim, chỉ ở cảnh cuối này, đây là lần đầu tiên thấy Bi sợ.
Phải chăng Bi sợ vì cái thành phố, hay chính xác hơn, cái thế giới mà em đang sống? Một thành phố chật hẹp, với những căn hộ tập thể hay những ngõ ngách của phố cổ được xếp đặt như những hộp diêm, những con ngõ tối đen, quanh co, với những con người sống chui rúc trong đó như những con chuột. Một thành phố chỉ thấy hoạt động về đêm, những bãi bia hơi với người và những cốc, vại bia xếp chật chội như nhau, những quán gội đầu bình dân (“gội bốn chục hay bốn nhăm?”), với không khí đặc quánh lại, nhễ nhại mồ hôi những khi mất điện, một thế giới tối tăm đè nặng xuống chúng ta.
Hay em sợ những con người sống quanh em? Một thế giới đàn ông khắc nghiệt trong nhà máy nước đá, những cơ thể con trai trần trụi trong bối cảnh và ánh sáng lạnh lẽo của bóng đêm, của đá, sắt thép và nước lạnh, nơi sức mạnh thô bạo của người đàn ông to béo xăm trổ đứng trên cao tương phản với người bạn tên An của em nằm trần truồng khóc trong một góc nhà. Hay bố em, một người đàn ông không thấy ngôi nhà mình là tổ ấm, thà dật dờ đi tìm một cái gì đó ở những cốc bia hơi rẻ tiền, những quán gội đầu bình dân, để thấy cơ thể mình càng ngày càng trở nên rệu rã hơn là quay về với một người vợ khao khát yêu thương. Hay ông em, một người đàn ông sau những chuyến đi “kéo dài cả mười năm… không ai biết ông ấy làm gì”, trở về với con cháu thân tàn ma dại, hàng đêm chịu đựng những cơn đau giày vò, với cái hình ảnh ám ảnh của cái cần cổ kéo lên kéo xuống hệt như một cái đầu gà. Hay cô của em, một “cô gái già” ngày ngày bị giằng xé giữa hình ảnh của cậu học trò trẻ mặt trong sáng như thiên thần và một anh chủ thầu xây dựng có thể nhai rau ráu những chiếc càng cua. Hay mẹ em, người phụ nữ đầy yêu thương khát khao, nhưng mỗi tối chỉ nằm cạnh một người chồng rệu rã, say sưa…
Hay Bi sợ những giấc mơ, những bí ẩn nhỏ nhoi như quả dưa của em ngoài bãi sông rồi sẽ đến ngày bị lôi ra ngoài, chà đạp, giày xéo? Như loài hoa em đi tìm kiếm bên sông, giữa khung cảnh thơ mộng của bồ công anh, của lau của sậy, rồi cũng chỉ được mọi người gọi là “hoa cứt chó”? Hay em sợ, Bi sẽ không còn là Bi của ngày hôm nay, rằng tương lai u ám của em đã được định sẵn, trở thành bố em, ông em theo vòng quay của thời gian?
Nhưng mà Bi, đừng sợ...!
Bởi vì, thế giới em đang sống vẫn còn đó những cánh đồng trên bãi sông, với lau, với sậy, với hoa bồ công anh, với những con người trần truồng kiêu hãnh, tự nhiên đi lên từ thiên nhiên.
Bởi vì, ngay cả thế giới khắc nghiệt của đám đàn ông trong nhà máy nước đá vẫn còn đó tiếng cười trong trẻo, vẫn còn ánh mắt chăm chú ngây thơ khi tất cả nhìn quả táo em lén bỏ vào hầm nước đá giờ đã nằm trong khối đá trong suốt, hay An, người bạn của em, vẫn chăm chú gọt đẽo những tảng nước đá của mình. Thế giới nam tính lạnh lùng đó cho dù quát nạt, hăm dọa, nhưng vẫn nhường đường cho Bi đi. Hay bố em, cuối cùng, có lẽ cảm nhận được sự mất mát không thể bù đắp của mình, cảm nhận được mối dây thân thuộc bị đứt khi ông em mất, lần đầu tiên mang em theo ra quán bia hơi, nơi chốn thân thuộc của mình, lặng nhìn em ăn uống. Hay ông em, với khuôn mặt khắc nghiệt, cay độc vẫn có thể ngồi kiên nhẫn xếp hình với em, và vẫn lặng ngắm cánh lá phong như nhớ về những ngày phiêu lưu đã xa và hẳn là tươi đẹp của mình. Hay cô em, chắc sẽ còn giữ mãi hình ảnh trong trẻo, đẹp đẽ của cậu học sinh trong đời sống của mình. Hay chính mẹ em, người mẹ rụt rè trong những ham muốn của mình, khép nép phục vụ chồng, bố chồng, lại là người duy nhất lặng lẽ cùng con ra mộ bố chồng, và bật khóc lặng lẽ thương cảm cho số phận của con người.
Một câu chuyện giản dị, những con người với số phận giản dị (với Bi, đó chỉ là “ông”, là “mẹ”, là “cô”, là “anh An”), được đặt trong một bối cảnh dồn nén, với những cảnh quay không trau chuốt, đôi lúc có cảm giác như chất “tài liệu”, “nghiệp dư”, song, Bi, đừng sợ!, từ góc nhìn của người viết, chắc chắn là bộ phim hay nhất của điện ảnh Việt Nam trong năm nay. Phan Đăng Di đã lựa chọn một cách kể chuyện tưởng như đơn giản, nhưng thực chất, đã pha trộn một cách xuất sắc những hình ảnh tương phản, đôi lúc khốc liệt trong bộ phim của mình. Khán giả quen với những hình ảnh đẹp mỹ miều giả tạo của màn ảnh Việt Nam hẳn sẽ sốc với hình ảnh con thạch sùng giãy giãy trong bô nước tiểu dưới gầm giường lại được bắt ngay qua cảnh bà vú và bà mẹ đang làm bánh chay - thứ bánh thanh sạch - cho mâm cơm cúng (và có lẽ đây là khác biệt chính của Phan Đăng Di so với Trần Anh Hùng, giữa một người cẩn trọng, duy mỹ trong từng hình ảnh với một người muốn đẩy sự đối lập tới tận cùng, mặc dù vẫn giữ được sự hài hòa của sự tương phản đó). Không chỉ có diễn xuất xuất sắc của Phan Thành Minh trong vai Bi (ánh mắt ngây thơ, không gượng ép, không giả tạo), thì dàn diễn viên khác của Bi, đừng sợ! cũng thể hiện tay nghề của Phan Đăng Di. Không có diễn viên thật sự xuất sắc, nhưng mỗi nhân vật của anh đều được thể hiện rất “đủ” chất của nó, đều đạt tới “điểm dừng” cần thiết của nhân vật - cho dù, dàn diễn viên của anh, nếu nói thẳng, không phải là những diễn viên tài ba nhất của điện ảnh Việt Nam hiện nay.
Nhiều người nhắc tới “ám ảnh tình dục” trong phim của Phan Đăng Di. Thực ra, ám ảnh, nếu có, trong phim của Di, là ám ảnh về cái tốt và cái xấu, về cái “thật” và cái “giả tạo”. Cho nên, thể hiện tình dục, nếu có, trong phim của Di, cũng chỉ là phản ánh tự nhiên của một cái thật, có thể trần trụi, nhưng như nó vẫn có như vậy trong cuộc đời, không né tránh, không duy mỹ, không đạo đức giả.
Vì thế, Bi, và khán giả, đừng sợ…
Chúc mừng Phan Đăng Di về bộ phim này, về cách kể chuyện bằng hình ảnh một cách trong trẻo, vì tình cảm đôn hậu trong bộ phim. Dù vậy, không thể không lưu ý đến sự giống nhau trong câu chuyện, trong những trăn trở của Chơi vơi (mà anh là tác giả biên kịch) với Bi, đừng sợ!… Sự trở lại của những ám ảnh là cần thiết, nhưng sự lặp lại dễ tạo thành một lối mòn, một “vùng câu chuyện” khiến tác giả đắm chìm một cách dễ chịu trong nó, làm giảm tính quyết liệt ở những sáng tạo tiếp theo. Cho nên, sẽ rất thú vị chờ đợi dự án tiếp theo của anh.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất