24/05/2015 13:30 GMT+7 | Đọc - Xem
Trao đổi với Thể thao & Văn hóa Cuối tuần về ảnh hưởng của dòng sách ngôn tình Trung Quốc với văn học trẻ Việt Nam hiện nay, dịch giả Trang Hạ cho biết chị cũng bất ngờ với sự phát triển của dòng sách này tại Việt Nam trong 11 năm qua, sau khi chị giới thiệu những cuốn đầu tiên.
Ban đầu là thông điệp nhân văn, về sau lại chạy theo đồng tiền
* Chị nghĩ sao khi được coi là người giới thiệu sách ngôn tình vào Việt Nam?
- Nói thế không sai nhưng đó không phải chủ tâm của tôi mà là chuyện tình cờ. Tôi thường lập kế hoạch làm việc theo giai đoạn 5 năm. Ở giai đoạn 2003 đến 2008, tôi thấy lúc đó tiếng cười và nước mắt là hai thứ cần thiết cho xã hội, nhưng tiếng cười đã có quá nhiều. Vì thế, tôi đặt mục tiêu lấy nước mắt độc giả, nói khác đi là làm truyền thông về những giá trị nhân văn. Vì thế tôi dịch Xin lỗi em chỉ là con đĩ, Mẹ điên, Có cánh chuồn nào trên vai em không?...
Khi đó, tôi chủ trương những tác phẩm này chỉ là một phần trong kế hoạch truyền thông mà tôi muốn làm, nói lên thông điệp nhân văn mà tôi muốn đưa đến cho độc giả. Tôi khẳng định mình hoàn toàn không có ý định đưa cả dòng văn học ngôn tình vào Việt Nam, tôi không lường trước được dòng sách này sẽ gây ra hiệu ứng xã hội lớn như thế.
- Với Xin lỗi em chỉ là con đĩ, tôi mua bản quyền, ký các hợp đồng tác quyền thông qua văn phòng luật sư, dịch, xin giấy phép xuất bản, giới thiệu cuốn sách trên truyền thông. Đó là việc của người tổ chức bản thảo.
Nhưng tôi hoàn toàn không lường trước việc cuốn sách làm “bùng nổ” thị trường. Sau 3 ngày, 5.000 bản sách đã được bán ra. Lúc đó tôi đang ở nước ngoài, nhà kinh doanh sách đã gọi điện thông báo việc đó cho tôi và nói đùa: “Bỏ việc về đây đi vì tiền bán sách sắp đủ mua ô-tô rồi”.
Sau đó, rất nhiều công ty sách ở Việt Nam đồng loạt chuyển sang làm sách ngôn tình, lấy sách ngôn tình làm dòng kinh doanh chính. Ngày trước, chúng ta chỉ biết tiểu thuyết tình cảm của Quỳnh Dao, còn ngày nay có hẳn một khái niệm là “ngôn tình” - những tác phẩm về tình yêu sướt mướt, ủy mị, mơ mộng, tên sách rất dài.
“Đọc 100 cuốn ngôn tình một năm” và hiệu ứng đám đông
* Sự phát triển ồ ạt của ngôn tình sau đó khiến tất cả chúng ta choáng váng. Lứa học sinh, sinh viên đọc ngôn tình ở Việt Nam đông đến mức không thể thống kê được. Chị có bình luận gì không?
- Nhiều độc giả chê trách tôi là “đầu độc cả một nhóm đông độc giả”, đứng về khía cạnh “cơ học” thì điều đó đúng. Nhưng ngoài ra, có nhiều lý do để ngôn tình trở nên được yêu thích đến thế, đó là vì người trẻ Việt Nam quá thiếu thứ để đọc và ngược lại, quá nhiều thứ để tiêu khiển. Thứ hai, lợi nhuận quá lớn của dòng sách ngôn tình khiến các nhà làm sách không thể không ăn theo, nhưng họ lại không có tôn chỉ mang đến những giá trị nhân văn nữa, mà chỉ theo tôn chỉ đồng tiền. Đó là những lý do giúp ngôn tình đầu độc xã hội này.
* Sau 9 năm, chị thấy dòng sách ngôn tình ở Việt Nam có ảnh hưởng như thế nào?
- Nếu nhìn theo khía cạnh tích cực, ngôn tình mang lại công việc cho rất nhiều dịch giả, mang lại sách để đọc cho rất nhiều độc giả và mang về lợi nhuận cho rất nhiều nhà làm sách ở Việt Nam.
Về mặt tinh thần, ngôn tình khiến cả người viết lẫn người làm xuất bản, truyền thông, làm kinh doanh văn hóa ở Việt Nam giật mình trước những trách nhiệm xã hội của bản thân. Họ giật mình khi thấy có độc giả đọc 100 cuốn sách ngôn tình trong một năm. Các hội chợ sách ở TP.HCM biến thành nơi giao lưu của các độc giả sách ngôn tình. Và những tác giả trẻ 9X của Việt Nam cũng viết sách theo phong cách ngôn tình kiểu mới. Sách ngôn tình tạo nên hiệu ứng đám đông rõ rệt.
Tính nghiêm trọng nằm ở tỷ lệ
* Các nhà văn 9X Việt Nam chịu ảnh hưởng của sách ngôn tình, hay “ngôn tình hóa” văn học trẻ Việt Nam, chị có thể nói rõ hơn về ý này?
- Tôi cho rằng nhiều tác giả trẻ hiện nay lớn lên, đọc và viết theo ngôn tình, nhưng đáng tiếc họ không mạnh dạn nhận là mình viết sách dạng ngôn tình, họ lại nói mình là cây bút trẻ thuộc thế hệ mới. Điều đó làm cho độc giả nhầm tưởng về giá trị của những tác phẩm.
* Chị là người có kinh nghiệm quan sát và tiếp xúc với thị trường sách Trung Quốc. Vị trí của ngôn tình ở thị trường đó ra sao, có bị coi là sến hay không?
- Ở Trung Quốc, ngôn tình được xếp vào dòng sách nghiệp dư, bình dân nhưng vẫn bình đẳng với các dòng sách khác. Đơn giản vì Trung Quốc quá rộng lớn và đông dân, chỉ cần một phần nghìn dân chúng đọc sách ngôn tình thì ngôn tình đã có hàng chục vạn độc giả rồi. Chừng đó đủ giúp tác giả trở thành ngôi sao, trở thành triệu phú. Ở Trung Quốc, viết ngôn tình rất dễ thành triệu phú.
Vấn đề là dòng sách này ở Trung Quốc chỉ chiếm một phần nghìn văn hóa đọc, còn ở Việt Nam, sách ngôn tình đã chiếm lĩnh văn hóa đọc của giới trẻ. Ở Việt Nam, số tiền lợi nhuận từ kinh doanh sách của các tác giả trẻ trong nước chưa đủ để biến tác giả và nhà làm sách thành triệu phú nhưng đã đủ để biến văn hóa đọc thành một cái ao tù.
Tóm lại, ở Việt Nam hay Trung Quốc thì sách ngôn tình không có vị trí khác nhau là mấy, nhưng tính nghiêm trọng ở đây nằm ở tỷ lệ của dòng sách ngôn tình so với toàn bộ thị trường. Từ một dòng sách nghiệp dư ở Trung Quốc, ngôn tình được đưa vào vị trí trung tâm ở Việt Nam. Vấn đề là người làm sách đừng nghĩ theo lối của đầu nậu sách - những người dùng tiền để điều phối thị trường, hãy nghĩ đến việc đưa những tác phẩm có giá trị nhân văn vào Việt Nam.
“Nhiều tác giả trẻ hiện nay lớn lên, đọc và viết theo ngôn tình, nhưng đáng tiếc họ không mạnh dạn nhận là mình viết sách dạng ngôn tình” - Dịch giả Trang Hạ |
Một số đầu sách ngôn tình Trung Quốc bán chạy ở Việt Nam từ 2010 - 2013 |
Mi Ly (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất