Phan Thị Diên, mộc mạc như "hạt lúa, củ khoai"

12/02/2025 18:02 GMT+7 | Văn hoá

Trong sách Tiếng Việt 2, tập 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, có bài thơ Em học vẽ khá dễ thương của Phan Thị Diên. Chị là một nhà thơ còn khá mới mẻ với bạn đọc, nhưng là một nhà giáo quen thuộc của ngành giáo dục tỉnh Nghệ An.

Sau khi về hưu, chị đến với thơ ca và trở thành tác giả của những bài thơ hiền lành, mộc mạc. Thơ ca đã đem lại cho chị niềm vui và sự tươi trẻ sau những ngày không còn đứng trên bục giảng.

Vẽ quê hương hiền dịu

Cựu nhà giáo Phan Thị Diên kể rằng, từ khi có cháu ngoại thì thỉnh thoảng chị làm thơ thiếu nhi để làm kỷ niệm cho cháu. Vào năm 2021, một thành viên ban biên soạn bộ sách Tiếng Việt, bậc tiểu học, điện thoại gợi ý chị viết một bài thơ thiếu nhi để đưa vào sách. Ban đầu, chị cũng băn khoăn liệu mình làm có ổn, nhưng rồi tự động viên sao không thử nhỉ. Sau đó, chị bắt tay vào việc, chọn chủ đề và viết Em học vẽ.

Chị nói: "Ban biên soạn cho tôi một đề tài mở khiến tôi nhớ lại những bài tập vẽ đại loại như: Hãy vẽ phong cảnh mà em yêu thích, hoặc là vẽ một người mà em yêu quý nhất... Học sinh sẽ có em thích học môn toán, có em thích môn văn và cũng có em thích môn mỹ thuật, rồi tôi tưởng tượng mình là một em học sinh tiểu học say sưa với môn mỹ thuật và những dòng thơ cứ thế xuất hiện".

Phan Thị Diên, mộc mạc như "hạt lúa, củ khoai" - Ảnh 1.

Cựu nhà giáo Phan Thị Diên

Đúng là Phan Thị Diên đã miêu tả được hình ảnh một em nhỏ mải mê vẽ những gì có trong tưởng tượng của mình: "Hôm nay trong lớp học/ Với giấy trắng bút màu/ Nắn nót em ngồi vẽ/ Lung linh bầu trời sao/ Vẽ ông trăng trên cao/ Rơi ánh vàng đầy ngõ/ Vẽ cánh diều no gió/ Vi vu giữa trời xanh". Những hình ảnh quen thuộc và mơ mộng lần lượt hiện ra một cách tự nhiên, nhẹ nhàng như tâm hồn con trẻ khiến người đọc thấy thú vị.

Chọn thể thơ 4 chữ và đề tài học vẽ, Phan Thị Diên khiến bạn đọc nhớ đến bài thơ Vẽ quê hương của nhà thơ Định Hải: "Bút chì xanh đỏ/ Em thử hai đầu/ Em vẽ hai màu/ Xanh tươi, đỏ thắm/ Em vẽ làng xóm/ Tre xanh, lúa xanh/ Sông máng lượn quanh/ Một màu xanh mát... Em quay đầu đỏ/ Vẽ nhà em ở/ Mái ngói đỏ tươi...". Dù trong lúc viết chị không nhớ bài thơ này và cũng chẳng ảnh hưởng gì, nhưng ý tứ cả 2 đã gặp nhau, phong cảnh quê hương hiền dịu, thanh bình nhẹ nhàng đi vào tâm hồn trẻ thơ.

Nhiều thế hệ học trò đã đi qua bài thơ của Định Hải và nó đã trở thành kỷ niệm, đặc biệt là với học trò của những năm 1980 - 1990, gắn liền với hình ảnh cây bút chì màu 2 đầu xanh đỏ, nay dường như đã vắng bóng trên thị trường. Cũng thế, bài thơ Em học vẽ của Phan Thị Diên có thể trong tương lai cũng sẽ trở thành một dấu ấn đẹp trong tuổi học trò của những thế hệ học sinh bây giờ về sau.

Những kỷ niệm từ "Em học vẽ"

Đây không phải là bài thơ thiếu nhi đầu tiên, nhưng lại là bài thơ thiếu nhi thành công nhất của Phan Thị Diên, theo nghĩa được nhiều người biết đến.

Nhà thơ tiết lộ: "Sau khi "liều mạng" nhận lời thì ngay lập tức tôi phải đối mặt với những trăn trở: Làm thế nào một bà già gần 60 tuổi có thể biến thành một đứa trẻ 6-7 tuổi để hiểu các con. May mắn là tôi đã trở về đứa trẻ bên trong tôi, thuở 50 năm trước và nhìn sự vật xung quanh qua đôi mắt trẻ thơ".

Chắc chắn có ảnh hưởng tư duy của một nhà giáo sau mấy chục năm dạy học, Phan Thị Diên muốn gửi gắm vào thơ mình rằng, các con hãy quan sát và yêu mọi thứ xung quanh mình, có khi là một tiết học thú vị, mái trường, mùa Hè, hoa phượng, có khi là những ngôi sao trên bầu trời và những cánh buồm ngoài khơi chở bao ước vọng... Từ những thứ tưởng chừng nhỏ bé như vậy mà khi biết yêu thì các em sẽ yêu gia đình, thầy cô, bạn bè, làng xóm, quê hương, đất nước...

Phan Thị Diên, mộc mạc như "hạt lúa, củ khoai" - Ảnh 2.

Trang sách "Em học vẽ"

Khi bài thơ Em học vẽ được chọn đưa vào sách, một "tác giả trẻ" như Phan Thị Diên không khỏi cảm thấy vui và tự hào. Chưa dừng lại ở đó, bài thơ tiếp tục đem lại cho chị nhiều niềm vui nữa khi thường nhận được những phản hồi tích cực. Một cô giáo ở Hưng Yên đã gọi video cho tác giả bài thơ khoe ngay lúc con trai cô đọc thuộc bài thơ này. Một phụ huynh khác đăng đoạn clip "khoe" con gái chị đọc thuộc bài thơ này trên trang cá nhân của mình. Một bạn đọc - là đại tá quân đội - viết rằng đây là bài thơ gợi nhớ nhiều kỷ niệm của ông...

Tác giả bài thơ tiếp nhận mọi phản hồi về đứa con tinh thần của mình và "rất may, hầu hết là những lời nhận xét đầy thiện cảm. Đó chính là sự động viên và là nguồn cổ vũ rất lớn để tôi tiếp tục sáng tác" - Phan Thị Diên cảm động chia sẻ.

Phan Thị Diên không cố ý trở thành nhà thơ và càng không đặt mục tiêu định danh mình ở lĩnh vực thơ thiếu nhi, hoặc xuất bản sách. Để khỏa lấp khoảng thời gian trống trải sau khi về hưu, chị dùng thơ ca để chia sẻ những cảm xúc của mình, thay vì nói thì viết nên vần điệu, nên thơ, tựa như tâm tính của chị vậy.

Từ khi Phan Thị Diên trở thành bà ngoại và đứa cháu ngoại có biệt danh là Mao đã trở thành nguồn cảm hứng cho bà. Chị thích quan sát cháu và "viết nhật ký" cho cháu bằng thơ, như là mong muốn bà ngoại đồng hành với đứa bé trong hành trình lớn. Chẳng hạn như: "Hôm qua Mao về ngoại/ Vui vui lắm bà ơi/ Có em Bún cùng chơi/ Cả Bin, Bon phụ họa/ Đường về quê xa quá/ Ô tô chạy bon bon/ Hàng cây cứ lùi dần/ Con nhìn không chớp mắt".

Viết cho cháu cũng là lúc chị được lùi về hơn 50 năm trước, sống với những suy nghĩ đơn thuần, thơ trẻ, chị thích mình sống trong cảm xúc hiền lành, trong trẻo như thế nên cảm hứng và kỷ niệm cứ đan xen và nối tiếp. Vì vậy, Phan Thị Diên cảm thấy viết cho cháu cũng chính là viết cho tuổi thơ của mình.

Thơ ca giúp trẻ lại

Độc giả gặp thơ của Phan Thị Diên trên các báo và tạp chí sẽ nghĩ chị là "một nhà thơ có thâm niên", nhưng thật ra chị thừa nhận mình là "nhà thơ trẻ". Ấy là nói đùa cho vui, chứ thâm niên hoặc trẻ cũng không có ý nghĩa nhiều với một người sáng tác "cho vui", ngoài ra không có mục đích gì khác như chị. Dù vậy, từ thuở học sinh đến giờ, chị chưa bao giờ sống xa rời văn chương.

Chị kể: "Tôi mê thơ từ nhỏ. Sau năm 1975, anh trai tôi đi bộ đội từ miền Nam trở về có mua tặng cha tôi chiếc đài radio hiệu National. Tôi nghe thơ trên đài, nhớ mãi giọng ngâm của nghệ sĩ Trần Thị Tuyết. Những năm trung học ở trường chuyên Phan Bội Châu, tôi thường chép thơ vào sổ tay. Cả khi đi dạy và đến nay đã nghỉ hưu, tôi vẫn giữ thói quen đọc được bài thơ nào hay thì chép vào sổ".

Phan Thị Diên, mộc mạc như "hạt lúa, củ khoai" - Ảnh 3.

Sống trong thơ ca mỗi ngày nên đến lúc mọi vần thơ từ trong chị được viết ra hết sức tự nhiên. Hồi ấy, đọc được bài thơ hay, Phan Thị Diên thường đem lòng ngưỡng mộ tác giả, giờ trở thành người làm thơ, có người thích và thuộc thơ mình, chị cảm thấy vui vui. Đó là một niềm vui tích cực, làm cho chị thấy yêu con người, cảnh vật nhiều hơn, nhìn cuộc sống tốt đẹp hơn và cũng là lúc chị tìm thấy một phần khác trong con người của mình. Tác giả bài thơ Em học vẽ khẳng định chính thơ ca giúp cho chị như trẻ lại, ít nhất là về tâm hồn.

Khi được hỏi về thơ Phan Thị Diên, nhiều người nhận xét "thơ cô ni hiền quá". Quả đúng vậy, thơ chị hiền, mà trong cuộc sống, chị cũng hiền. Ngoài thơ thiếu nhi, Phan Thị Diên cũng thường chọn sáng tác về đề tài quê hương, hoặc những điều nhỏ nhặt, quen thuộc trong cuộc sống quanh mình.

"Dù khi đi dạy, khi làm thơ, khi đi chơi cùng bạn bè, khi viết đề tài này kia thì tôi vẫn là một Phan Thị Diên chân quê, dân dã, yêu người, yêu cuộc sống chân chất, mộc mạc như củ khoai, như hạt lúa của quê mình" - nhà thơ tự miêu tả. Mục tiêu sáng tác của chị cũng thật thà như củ sắn, củ khoai, viết những thứ gợi lên trong trí óc mình mà không tính trước bất cứ điều gì. Chị cũng không có ý gì về việc định hình phong cách hoặc tên tuổi, cũng như không lên kế hoạch xuất bản những tập thơ. Với chị, làm thơ là để vui sống và khi thơ được đăng báo thì thấy vui hơn, giản dị vậy thôi.

Phan Thị Diên tích cực tham gia sự kiện của các hội về văn học nghệ thuật ở địa phương. Với chị, đây là những dịp để chị gặp gỡ những người bạn thơ, cùng nhau đọc thơ và học hỏi, truyền cảm hứng cho nhau trong sáng tác.

Vài nét về Phan Thị Diên

Sinh năm 1965 tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Hiện chị và gia đình vẫn sống tại quê nhà. Từng là giáo viên dạy văn tại Trường THCS huyện Bạch Liêu (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An). Nghỉ hưu từ năm 2017.

Hội viên: Hội Văn học nghệ thuật huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An); Hội thơ Đường huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An); Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Nghệ An.

Lâm Hạnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link