Phân tích: Quốc gia nào còn đồng hành cùng Iran khi Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt?

11/05/2018 07:50 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Để phát triển nền kinh tế trị giá 430 tỉ USD của mình, Iran buộc phải dựa vào các đồng minh chính trị quan trọng ở phương Đông - Trung Quốc, quốc gia sẵn sàng hơn trong đương đầu với áp lực từ Mỹ khi Tổng thống Trump áp lệnh trừng phạt trở lại.

Giao thông ở Tehran thường xuyên tắc nghẽn và hầu hết thời gian trong năm, thành phố chìm trong màn sương mù, vì thế không ngạc nhiên khi người dân nơi đây ưa chuộng di chuyển ngầm dưới lòng đất, với hệ thống metro chuyên chở 2 triệu lượt người mỗi ngày.

Trong cả thập kỷ bị cấm vận, khi Iran hầu như bị gạt ra khỏi nền thương mại toàn cầu, các nhà chức trách thủ đô Tehran vẫn tìm cách đều đặn mở rộng mạng lưới metro - đạt quy mô gần gấp đôi. Điều đó không dễ dàng gì. "Thông thường chúng tôi cần đến phần gì, thì phải tự chế tạo phần đó", Phó giám đốc điều hành Công ty quản lý đường sắt Tehran, Ali Abdollahpour cho biết.

Chú thích ảnh
Đường phố ở thủ đô Tehran. Ảnh: Bloomberg

Nhưng có một điều ổn định trong những năm khó khăn ấy, đó là sự hỗ trợ của Trung Quốc, với tất tật mọi thứ, từ xây dựng đường sắt cho đến sản xuất toa tàu điện ngầm.

Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chính vào năm sau đó, đã mở rộng các lựa chọn của Iran. Ông Abdollahpour đã nhướng mắt sang châu Âu để tìm kiếm đối tác cung cấp phanh và hệ thống tín hiệu.

Nhưng khi một hợp đồng quan trọng, cung cấp trên 600 toa tàu trong năm nay, được đưa ra đấu thầu, một công ty thuộc tập đoàn CRRC của Trung Quốc đã đánh bật hai nhà thầu châu Âu để thắng thầu hợp đồng trị giá trên 900 triệu USD này.

Theo Bloomberg, trên thực tế, Thỏa thuận hạt nhân Iran chỉ đem lại một dòng đầu tư nhỏ từ phương Tây, và dự kiến sẽ "khô cạn" sau khi Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi Thỏa thuận và tái áp đặt trừng phạt.

Đối tác lớn nhất

Để phát triển nền kinh tế trị giá 430 tỉ USD của mình, Iran buộc phải dựa vào các đồng minh chính trị ở phương Đông. Trang Bloomberg cho hay, kim ngạch thương mại với Trung Quốc hiện đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2006, lên 28 tỉ USD. Đối tác lớn nhất của ngành xuất khẩu dầu Iran chính là Trung Quốc, với khoảng 11 tỉ USD/năm theo giá hiện tại. Năm nay, khoảng 1/3 lượng dầu xuất khẩu của Iran có đích đến là Trung Quốc, theo dữ liệu của công ty nghiên cứu thị trường năng lượng Genscape. Còn theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), kim ngạch thương mại của Trung Quốc với Iran cũng đã vượt qua cả ba nền kinh tế lớn nhất khối Eurozone là Đức, Pháp và Italy.

Giá dầu thế giới đã tăng mạnh mấy tuần trở lại đây, từ trước khi ông Trump công bố quyết định về thỏa thuận hạt nhân Iran. Các nhà giao dịch dầu lửa đã đặt cược rằng lập trường cứng rắn của ông Trump đối với Tehran sẽ làm giảm mạnh dòng dầu từ Iran, giữa lúc thế giới có vẻ như đã ra khỏi tình trạng thừa cung dầu kéo dài mấy năm qua. 1 triệu thùng dầu trong tổng số 2,6 triệu thùng dầu mà Iran xuất khẩu mỗi ngày đang bị đặt vào thế rủi ro bởi quyết định của nhà lãnh đạo Mỹ.

Chú thích ảnh
Công nhân Trung Quốc tham gia một dự án tại Iran.

Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc cũng đổ mạnh tới Iran. Trung Quốc "cầm chắc là người thắng cuộc", Dina Esfandiary, chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu An  ninh và khoa học tại Đại học King's ở London nhận xét, "Iran đã dần từ bỏ ý tưởng mở cửa với phương Tây", bà Dina nói, "Trung Quốc đã hợp tác với Iran trong 30 năm qua. Họ có các hợp đồng, đưa người tới thực địa, có mối quan hệ với các ngân hàng địa phương". Và đặc biệt, họ cũng sẵn sàng hơn trong đương đầu với áp lực từ Mỹ khi Tổng thống Trump áp lệnh trừng phạt trở lại.

Viễn cảnh Mỹ áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt sẽ ngăn cản nhiều ngân hàng và nhà sản xuất châu Âu làm ăn với Iran. Không ít trong số này hiện đã sẵn sàng cân nhắc lại quyết định làm ăn vì lo ngại các quy định siết chặt của Mỹ.

Hợp đồng cung cấp 100 máy bay của Airbus Group SE, trị giá khoảng 19 tỉ USD, vốn đã gặp trục trặc về tài chính, nay lại đối mặt rủi ro lớn khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin hôm 8/5 cho rằng, giấy phép xuất khẩu sẽ được thu hồi (qua đó làm lợi cho các nhà sản xuất máy bay Nga). Tập đoàn dầu khí Total SA thì đang có hợp đồng phát triển mỏ khí đốt South Pars cùng với Tập đoàn Xăng dầu quốc gia Trung Quốc (CNPC), nhưng đã phát tín hiệu sẽ rút lui nếu Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt, mà họ lại không thể xin được ngoại lệ. Trong trường hợp đó, Iran khẳng định, đối tác Trung Quốc sẽ giành được cổ phần của Total.

Trong khi đó, các công ty Trung Quốc hiện nằm ngoài tầm với của các nhà quản lý Mỹ. Công ty Công nghệ Huawei được cho là đang bị điều tra vì những vi phạm bán hàng cho Iran, còn nhà sản xuất thiết bị mạng ZTE Corp thì bị cấm mua các linh kiện Mỹ vì vi phạm tương tự. Ngoài ra, có nhiều công ty Trung Quốc không dính dáng gì tới Mỹ, và do đa số công ty Trung Quốc đang làm ăn với Iran là doanh nghiệp Nhà nước, nên họ sẽ tương đối dễ dàng thiết lập những phương tiện đặc biệt để 'lách" các quy định của Mỹ.

"Xét đến mâu thuẫn thương mại Mỹ-Trung, có lẽ Trung Quốc sẽ không tuân thủ lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran", ông Michael Tran, chiến lược gia năng lượng toàn cầu của RBC Capital Markets, phát biểu.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Iran, hội đàm với Tổng thống Rouhani năm 2016.

Châu Âu khó "ở lại"

Các quốc gia chủ chốt của EU là đồng minh lâu năm của Mỹ. Sau khi quyết định tranh cãi của Tổng thống Trump, các nước này đã cam kết duy trì Thỏa thuận hạt nhân Iran, tuy nhiên nhiều người Iran nghi ngờ châu Âu khó có thể thực hiện được cam kết.

Châu Âu "không có quyền đưa ra những quyết định quan trọng", ông Alaeddin Boroujerdi, lãnh đạo Ủy ban chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia thuộc Quốc hội Iran bình luận.

Trong khi đó, Trung Quốc, và cả Nga, là những đối thủ chiến lược chính của Mỹ, với những tham vọng địa chính trị lớn. Trọng tâm của tham vọng đó là kế hoạch kết nối chéo Á-Âu (Eurasia) bằng một hệ thống các liên kết cơ sở hạ tầng và giao thông vận tải. Ba Tư là vương quốc cổ nằm trên Con đường Tơ lụa cổ xưa và nay Iran là một trọng tâm trong chính sách Con đường Tơ lụa thời hiện đại của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Hiện tại, các công ty Trung Quốc đang xây dựng hoặc cấp vốn cho các tuyến đường sắt nối tới thành phố Mashhad ở miền đông Iran hoặc thành phố cảng Bushehr bên bờ Vịnh Persian, theo những hợp đồng đã ký hồi năm ngoái trị giá trên 2,2 tỉ USD.

"Trung Quốc nhiều khả năng sẽ là quốc gia hưởng lợi từ lệnh trừng phạt mà Mỹ sắp áp trở lại đối với Iran", ông Matt Smith, người phụ trách nghiên cứu hàng hóa cơ bản thuộc ClipperData, phát biểu.

Iran sẽ trả đũa Mỹ như thế nào khi thỏa thuận hạt nhân bị Tổng thống Donald Trump 'xé bỏ'

Iran sẽ trả đũa Mỹ như thế nào khi thỏa thuận hạt nhân bị Tổng thống Donald Trump 'xé bỏ'

Một số lợi ích của Washington và đồng minh ở Trung Đông sẽ bị ảnh hưởng từ màn trả đũa của Iran sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015.

Theo Thu Hằng/Báo Tin tức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link