Hôn nhân đồng tính tại VN: Sẽ “mở” tới mức nào?

03/08/2012 09:48 GMT+7 | Pháp luật

(TT&VH) - Việc có thông qua quy định về hôn nhân đồng tính (HNĐT) vào 11/2013 hay không, tới nay vẫn còn là dấu hỏi. Nếu không được thông qua, liệu Luật hôn nhân gia đình mới có dành “chỗ” để đảm bảo phần nào quyền lợi cho người đồng tính VN ?

Thực tế, ngay trong văn bản lấy ý kiến về HNĐT, Bộ Tư Pháp cũng định hướng khá rõ: “Xét về văn hóa, tập quán của gia đình VN, tính nhạy cảm xã hội của vấn đề, hậu quả xã hội của quy định pháp luật chưa dự báo hết..., ở thời điểm này việc thừa nhận những người cùng giới tính có quyền kết hôn với nhau tại VN là quá sớm. Do đó, việc cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính cần được tiếp tục quy định”

Quá nhanh nên… phải chậm?

Với sự bùng nổ của internet, việc những người đồng tính tại VN hình thành nên một cộng đồng và đứng ra đòi quyền lợi cho mình mới chỉ diễn ra từ dăm bảy năm trở lại đây. Và, cũng đa phần nhờ internet, xã hội VN mới có điều kiện quan tâm và tiếp xúc với những thông tin khoa học về đồng tính, cũng như những quan điểm trên thế giới về vấn đề này.



Hình ảnh người đồng tính trong vở kịch hình thể Được là chính mình do Nhà hát Tuổi trẻ công diễn vào tháng 5/2012

Bởi thế, quan điểm và cách nhìn nhận về người đồng tính đã được nâng cao rất nhanh chỉ trong một thời gian ngắn. Song, sự phát triển quá nhanh này ngày càng mở rộng khoảng cách giữa những người có quan điểm cấp tiến về HNĐT với phần còn lại – vốn không quan tâm, ít tìm hiểu và giữ sẵn những quan điểm kì thị vốn có về vấn đề này. Có nghĩa, việc chấp nhận HĐNT cũng đồng thời tiềm ẩn khả năng xảy ra những xung đột hoặc kì thị rất mạnh giữa 2 quan điểm quá khác nhau ấy.

“VN còn thiếu nhiều điều kiện để cụ thể hóa chuyện HNĐT” – một chuyên gia của Viện Khoa học Pháp lý (Bộ Tư Pháp). Theo lời ông, không phải ngẫu nhiên mà ngay cả một số nước phát triển của Châu Âu cũng chỉ chấp nhận vấn đề này ở mức độ thấp, nghĩa là quy định các quyền liên quan tới việc sống chung của hai người đồng tính.

Cần một “bước chuyển” phù hợp!

Theo thăm dò của Bộ Tư pháp, một số đại diện Sở Tư pháp của các tỉnh Nam Định, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế, Phú Yên… đề nghị “cân nhắc” về khả năng chấp nhận HNĐT. Một số khác (Cao Bằng, Thái Nguyên, Nghệ An, Kon Tum, Đắc Lắc, Bình Phước…) đề nghị giữ nguyên việc cấm HNĐT như hiện hành. Giải pháp thứ ba – chiếm đa số so với 2 luồng ý kiến trên – mang tính chất “trung gian”: chưa thừa nhận nhưng có những quy định cụ thể về hệ quả của việc chung sống giữa những người cùng giới tính.

“Trước mắt, bên cạnh việc có quy định cụ thể về chung sống của những người đồng tính, bản thân các bộ luật khác của VN cũng cần có những quy định về việc cấm kì thị và phân biệt đối xử về giới tính, bảo vệ trẻ em đồng tính hay chống bạo lực gia đình với người đồng tính. Nếu những việc này cùng được triển khai đồng thời, chúng ta sẽ có một bước đệm rất thuận lợi để nâng cao nhận thức chung trong xã hội và tạo tiền đề cho HNĐT trong tương lai” -  Đại diện một Sở Tư pháp chia sẻ với TT&VH.

Tuy nhiên, theo TS Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa, xã hội và môi trường VN (iSEE), nếu đặt vào trường hợp trên, Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi không nên chỉ nhắc tới vấn đề sống chung của người đồng tính. Đi xa hơn, bộ luật trên cần đảm bảo cho người đồng tính được hưởng những quyền mà pháp luật đang đảm bảo cho quan hệ hôn nhân khác giới như quyền có tài sản chung, quyền xin con nuôi, quyền thừa kế, quyền có con…

Chiêu Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link