22/09/2021 14:24 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Thỏa thuận an ninh ba bên giữa Mỹ, Australia và Anh (gọi tắt là AUKUS) đang biến thành một cuộc khủng hoảng ngoại giao và dẫn đến sự biến động về địa chính trị trên toàn cầu.
Gốc rễ của sự rạn nứt
Ngọn nguồn câu chuyện bắt đầu vào ngày 15/9/2021 khi Mỹ, Anh và Australia thông báo sẽ thiết lập mối quan hệ đối tác an ninh ba bên, có tên gọi là AUKUS, ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Theo đó, Washington và London sẽ cung cấp cho Australia công nghệ và năng lực triển khai các tàu ngầm hạt nhân. Giới chức Mỹ nhấn mạnh quyết định trên được đưa ra sẽ không liên quan đến hoạt động cung cấp vũ khí hạt nhân cho Australia. Các tàu ngầm này sẽ không được triển khai với vũ khí hạt nhân, song sẽ cho phép Hải quân Australia hoạt động yên tĩnh hơn, trong thời gian dài hơn, cùng khả năng răn đe trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ngoài ra, mối quan hệ đối tác ba bên cũng sẽ bao gồm hợp tác trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử và không gian mạng, các khả năng thực hiện nhiệm vụ dưới biển nhưng không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào. Theo các quan chức Mỹ, đây là quyết định mang tính lịch sử, phản ánh quyết tâm của chính quyền Tổng thống Joe Biden trong việc xây dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn để duy trì hòa bình và ổn định trên toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Thủ tướng Anh Boris Johnson coi đây là một quyết định quan trọng đối với Australia để có được công nghệ chế tạo tàu ngầm hạt nhân. Theo ông Johnson, đây sẽ là một trong những dự án phức tạp và đòi hỏi kỹ thuật cao nhất trên thế giới.
Ngay sau đó, Australia ngày 16/9 cho biết sẽ tìm cách phát triển 8 tàu ngầm hạt nhân với sự hỗ trợ của AUKUS cũng như xác nhận nước này sẽ chấm dứt thỏa thuận tàu ngầm trị giá 66 tỷ USD với Pháp. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton ngày 19/9, Canberra đã "thẳng thắn, cởi mở và trung thực" với Paris về những lo ngại của họ về thỏa thuận mua tàu ngầm lớn của Pháp (vốn vượt quá ngân sách và chậm hơn nhiều năm so với kế hoạch) trước khi phá bỏ hợp đồng.
Thủ tướng Australia Scott Morrison thông báo 8 tàu ngầm nói trên sẽ được đóng tại Adelaide với sự hợp tác chặt chẽ của Mỹ và Anh, đồng thời khẳng định Australia sẽ không trang bị vũ khí hạt nhân và sẽ tiếp tục tuân thủ tất cả các nghĩa vụ không phổ biến vũ khí hạt nhân. Ông Morrison khẳng định liên minh quốc phòng mới giữa nước này với Anh và Mỹ sẽ "tồn tại vĩnh viễn", chương trình hợp tác ba bên về chế tạo tàu ngầm hạt nhân là cần thiết cho an ninh quốc gia của Canberra và Australia sẽ tăng cường chi tiêu quốc phòng trong thời gian tới. Như vậy, Australia là nước thứ hai được tiếp cận công nghệ của Mỹ để đóng tàu ngầm hạt nhân, sau khi Anh được tiếp cận công nghệ này năm 1958.
Căng thẳng giữa các bên
Động thái hủy bỏ hợp đồng tàu ngầm với Pháp của Australia đã vấp phải phản ứng dữ dội của Paris. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho rằng đây là "sự phản bội" sau khi nước này đã xây dựng một quan hệ tin cậy với Australia và nhấn mạnh "đây không phải cách các đồng minh đối xử với nhau". Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cũng cho rằng "đây là một sự việc nghiêm trọng" xét khía cạnh địa chính trị và quan hệ quốc tế. Theo Pháp, việc Mỹ quyết định gạt một đối tác và là đồng minh châu Âu như Pháp ra khỏi quan hệ đối tác với Australia tại thời điểm nhiều thách thức chưa từng có trong tiền lệ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cho thấy sự thiếu chặt chẽ. Ông Le Drian ngày 17/9 thông báo nước này đã triệu hồi ngay lập tức các đại sứ tại Mỹ và Australia để tham vấn "do tính nghiêm trọng đặc biệt của tuyên bố được Australia và Mỹ đưa ra hôm 15/9".
Lấy làm tiếc về việc Paris triệu hồi đại sứ, Mỹ khẳng định muốn giải quyết căng thẳng thông qua đường ngoại giao. Washington cũng hy vọng sẽ thảo luận với Pháp về vấn đề gây căng thẳng hiện nay ở cấp cao trong những ngày tới. Bộ trưởng Thương mại Australia Dan Teehan ngày 20/9 cũng tuyên bố sẽ tìm kiếm một cuộc hội đàm với người đồng cấp Pháp để xoa dịu căng thẳng. Theo hãng tin Bloomberg, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đang tìm cách xoa dịu tình trạng căng thẳng trong quan hệ với Pháp.
Trung Quốc cũng phản ứng về thỏa thuận đối tác an ninh AUKUS giữa Mỹ, Anh và Australia, cho rằng động thái này gây tổn hại hòa bình và an ninh khu vực. Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã chỉ trích AUKUS, nhấn mạnh Washington, London và Canberra nên “từ bỏ tư duy Chiến tranh Lạnh và định kiến về ý thức hệ”. Giới phân tích nhận định AUKUS có thể làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa Australia và Trung Quốc.
Về phần mình, bà Jacinda Ardern - Thủ tướng New Zealand - quốc gia láng giềng Australia, khẳng định tàu ngầm hạt nhân mới của Australia sẽ không được phép đi vào lãnh thổ nước này theo chính sách không có hạt nhân, ban hành năm 1984. Theo bà Ardern, AUKUS không phải thỏa thuận cấp độ hiệp ước, do đó, sẽ không có sự thay đổi nào đối với mối quan hệ hiện nay của liên minh tình báo Five Eyes gồm Anh, Australia, Canada, Mỹ và New Zealand cũng như quan hệ đối tác chặt chẽ giữa New Zealand và Australia về mặt quốc phòng.
Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 16/9 cho biết không được thông báo trước về thỏa thuận đối tác an ninh mới giữa Mỹ, Anh và Australia, làm dấy lên lo ngại rằng châu Âu đang bị Washington “gạt ra ngoài lề”. EC cho hay vấn đề này sẽ được thảo luận trong nội bộ EU để đánh giá các tác động.
Trong khi đó, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell đánh giá hiệp ước an ninh mới giữa Mỹ, Anh và Australia cho thấy EU phải phát triển chiến lược quốc phòng và an ninh của riêng mình, đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. EC cũng đang phân tích tác động của AUKUS trong vòng tiếp theo của các cuộc đàm phán thương mại với Australia. EC từ chối bình luận về tác động mà AUKUS có thể gây ra đối với quan hệ của EU với Anh. Được khởi động vào tháng 6/2018, các cuộc đàm phán cho một thỏa thuận thương mại giữa EU và Australia đã kết thúc vòng thứ 11 vào tháng 6 vừa qua, với các cuộc đàm phán dự kiến tiếp tục vào tháng 10.
Biến động địa chính trị
Theo các nhà phân tích, thỏa thuận AUKUS ra đời đã dẫn đến nhiều biến động về địa chính trị trên toàn cầu. Giám đốc Trung tâm phân tích thương mại vũ khí thế giới (CAMTO) Igor Korotchenko gọi sự lựa chọn hợp tác của Australia với Mỹ và Anh là điều có thể dự đoán vì mối quan hệ lịch sử lâu đời và tư cách thành viên của các quốc gia này trong một số hiệp hội thống nhất, chẳng hạn như Khối thịnh vượng chung của các nước và liên minh tình báo Five Eyes (Mỹ, Anh, Canada, Australia và New Zealand).
Sáng kiến đầu tiên của AUKUS là cung cấp cho Australia công nghệ và năng lực triển khai các tàu ngầm hạt nhân. Điều này cho phép Australia có thể trở thành “người chơi ở đẳng cấp cao hơn nhiều” tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với một số năng lực hải quân "ngang ngửa" Mỹ. Các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có khả năng tàng hình lớn hơn, tốc độ nhanh hơn, có khả năng di chuyển linh hoạt hơn, có nhiều khả năng sống sót hơn trong chiến đấu và có phạm vi hoạt động ở khơi xa hơn nhiều.
Các tàu ngầm chạy bằng năng lượng thông thường phải thường xuyên nổi lên bề mặt để sạc pin và tầm hoạt động bị hạn chế. Đây là lần thứ hai Mỹ chia sẻ công nghệ hạt nhân với một quốc gia khác sau lần đầu là với Anh vào năm 1958. Vì các tàu ngầm hạt nhân có khả năng hoạt động tốt hơn nhiều so với các tàu chạy bằng năng lượng thông thường, chúng sẽ cho phép AUKUS duy trì và cải thiện khả năng răn đe trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nhiều khả năng sẽ có thêm những sự hợp tác sâu sắc hơn nữa giữa lực lượng hải quân ba nước và các quan chức của cả ba quốc gia đảm bảo sẽ làm việc chặt chẽ với nhau. Quyết định này chắc chắn sẽ ràng buộc Australia với Mỹ và Anh trong nhiều thế hệ.
AUKUS cũng dẫn đến sự đổ vỡ của liên minh lịch sử giữa Pháp và Mỹ. Liên minh này hình thành từ năm 1778, sau 2 năm Mỹ tuyên bố độc lập. Là một phần của liên minh Pháp-Mỹ, Pháp đã cung cấp cho Mỹ những khoản viện trợ quân sự và các khoản cho vay mà nước này đang rất cần trong cuộc chiến tranh cách mạng chống lại Anh. Chuyên gia về chính sách ngoại giao Mỹ tại Đại học Sorbonne (Paris, Pháp) Anne Cizel cho rằng vụ việc này là một “cuộc khủng hoảng ngoại giao nhỏ”: “Mỹ đang gửi đi một thông điệp kỳ lạ, trong đó Mỹ muốn các đồng minh châu Âu hiện diện ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhưng hiện họ cũng là đối thủ chính của Pháp trong các thương vụ bán tàu ngầm”. Trong bối cảnh EU chuẩn bị công bố chiến lược đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Paris đang nổi lên trở thành một chủ thể chiến lược quan trọng của EU tại khu vực, động thái này sẽ là một đòn giáng mạnh vào chiến lược xuyên Đại Tây Dương và tạo ra một rào cản lâu dài trong quan hệ Mỹ-Pháp.
AUKUS ra đời trong bối cảnh Anh đang đẩy mạnh sự can dự vào khu vựcẤn Độ Dương-Thái Bình Dương, chẳng hạn như thông qua việc triển khai tàu sân bay Queen Elizabeth, trong khi mối quan hệ giữa Australia và Trung Quốc đang ngày càng xấu đi vì những tranh chấp về thương mại và nhiều vấn đề khác.
Barry Pavel - cựu quan chức trong Bộ Quốc phòng Mỹ và Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, hiện là Phó chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc Trung tâm Chiến lược và An ninh Scowcroft thuộc Hội đồng Đại Tây Dương - nhận định trước tiên, AUKUS sẽ có những ý nghĩa về mặt địa chiến lược vì nó củng cố một cách hữu hình các mối quan hệ đồng minh gần gũi nhất mà Mỹ chia sẻ với các đồng minh ở cả Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và châu Âu, đặc biệt là Anh và Australia. Bên cạnh đó, AUKUS thể hiện một mức độ răn đe về quân sự mới đối với Trung Quốc.
Ngoài ra, sáng kiến này cũng sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác công nghiệp quốc phòng vốn đã chặt chẽ giữa Mỹ, Australia và Anh về một số công nghệ then chốt, những công nghệ sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong lĩnh vực quân sự trong tương lai, bao gồm trí tuệ nhân tạo, mạng và khả năng tấn công chính xác tầm xa.
Minh Trà/TTXVN (Tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất