17/06/2012 14:59 GMT+7 | Bảng D
(TT&VH) - Qua 6 năm, hai đời HLV, 4 vòng chung kết, với một thế hệ lùi vào cánh gà của quá khứ và hàng loạt người mới bước ra từ bóng tối, đội tuyển Pháp mới lại giành thắng lợi ở một giải đấu quốc tế chính thức, sau khi đánh bại chủ nhà Ukraina. Hơn 2 nghìn ngày để màu Lam trở lại, nhưng chưa từng chia ly.
Đó là phút 32 trận bán kết World Cup 2006. Zidane bước lên chấm 11 mét, tung một cú sút chân phải cực mạnh vào góc trái cầu môn, và 1-0 cho đội Pháp. Raymond Domenech ngước lên trời mỉm cười, như để cảm ơn số phận đã giữ Zizou ở lại với màu áo Lam lâu hơn. Bại tướng Bồ Đào Nha trở thành “chứng nhân” gần nhất, trước trận Ukraina – Pháp, nhìn thấy những lá cờ Tam tài vẫy rợp khán đài trong vũ điệu chiến thắng ở một giải đấu lớn.
Nhưng Pháp đã kết thúc World Cup ấy trong bi kịch, khép lại một chiến công dở dang mà ngọn đuốc soi đường Zizou đã vắt kiệt những tinh hoa cuối cùng của một đời cầu thủ, để rồi phải chia tay vũ đài thế giới trong một phút giây bẽ bàng. Từ nỗi đau Zizou đến nỗi đau của cả một nền bóng đá không chỉ bế tắc trong việc tìm lại con đường chiến thắng, mà còn là con đường trở về với bản sắc, tình yêu và nỗi đam mê.
Đó là một hành trình trải qua 6 năm, với 9 trận đấu không biết mùi thắng lợi vắt qua 4 VCK World Cup lẫn EURO, trong nước mắt và cả sự phẫn nộ của ngày chia tay Zidane, trong nỗi ám ảnh khi chứng kiến Henry, người đã đưa Pháp đến World Cup 2010 bằng một pha kiến tạo bằng… tay trước Ireland, ngồi co ro trên ghế dự bị trong cái lạnh cắt da thịt của Nam Phi, trong ánh mắt bất lực của Donemech và những ký ức kinh khủng của đồi Knysna… Chiến thắng không, phẩm giá bị đánh mất và một thế hệ đã làm nên lịch sử màu áo lam nói lời chia tay.
Sự trở về của màu áo Lam
6 năm sau, đội Pháp trở lại với giải đấu lớn không phải với tư thế ngạo nghễ của một ứng viên, mà chỉ là một cơ thế vừa trải qua cơn bạo bệnh. 21 trận bất bại trước giải vẫn không thể xua tan nỗi sợ hãi về một cơn đột quỵ có thể đến bất kỳ lúc nào, với một nền bóng đá chỉ vừa bước ra khỏi cuộc khủng hoảng và đang lẫm chẫm đi những bước đầu trong hành trình trở lại với vũ đài thế giới. Trận gặp đội tuyển Anh, Pháp chơi tấn công áp đảo, nhưng dường như vẫn bị níu kéo bởi nỗi lo lắng phải nhận một đòn hồi mã thương: Họ kiểm soát bóng và thế trận, nhưng chơi với cự ly chiều ngang đội hình khá hẹp để hạn chế những pha phản công của đối thủ, và chỉ thực sự bung ra tấn công thật mãnh liệt sau khi bị thủng lưới. HLV Laurent Blanc cũng chưa “dám” thay đổi người và chiến thuật một cách mạnh tay để tìm chiến thắng.
4 Karim Benzema là cầu thủ thứ tư lập cú đúp kiến tạo ở EURO lần này, sau Arshavin, Schweinsteiger và David Silva 25 Ukraina đã phải chờ đến phút thứ 25 mới tung ra được cú sút đầu tiên về phía khung thành đội tuyển Pháp 2172 Pháp đã giải tỏa cơn khát chiến thắng ở một giải đấu chính thức sau chính xác là 2172 ngày, kể từ thắng lợi 1-0 trước BĐN vào 5/7/2006. |
Nhưng người Pháp không thể trốn trong cái vỏ ốc ấy mãi, khi họ hiểu chiến thắng không thể đến nếu sự an toàn đến nhàm chán không được xé toang. Hai bàn thắng chỉ trong vòng 3 phút là sản phẩm của một thế trận tấn công mạo hiểm trong hiệp hai, khi cả đội chơi với tốc độ cao, biên độ đội hình mở rộng, các tiền đạo cánh mạnh dạn đột phá (bàn mở tỉ số của Jeremy Menez đến sau một pha ngoặt bóng từ biên rồi tung sút bất ngờ như thế) và tiền vệ con thoi thậm chí xâm nhập vòng cấm khi đội Pháp cầm bóng (Cabaye ấn định tỉ số từ một tình huống đột kích vào vòng cấm).
Vượt qua những nỗi ám ảnh thất bại và tầm ảnh hưởng của cây quyền trượng thủ lĩnh mà Zizou đã để lại, đội Pháp đã trở lại với con đường chiến thắng, phá tan được rào cản tâm lý đã đeo đẳng đội tuyển của thời kỳ tái thiết này suốt hai năm qua. Và giờ là lúc mà họ xé toang sự ngột ngạt bất an bủa vây bấy lâu, để bắt đầu tin vào sự thăng hoa và điều kỳ diệu trên chặng đường còn lại, những thứ chưa từng tồn tại trong hơn 2 nghìn ngày đầy những cơn ác mộng vừa qua…
Phạm An
Hoãn trận đấu vì sợ sét đánh cầu thủ Trận Ukraina – Pháp là trường hợp đầu tiên bị hoãn ở một VCK EURO vì lý do thời tiết (cụ thể là mưa bão và sấm sét), nhưng không phải là trường hợp duy nhất trong bóng đá nói riêng và thể thao nói chung. Tại World Cup năm 1974, trận đấu ở vòng bảng thứ hai (thời ấy, vòng bảng thứ nhất của World Cup được chia thành 4 bảng và vòng bảng thứ hai chia hai bảng, hai đội đứng đầu hai bảng ở vòng bảng thứ hai sẽ đá trận chung kết) giữa Ba Lan và Tây Đức đã bị hoãn lại một tiếng rưỡi đồng hồ để… lính cứu hỏa và nhân viên của sân vận động tháo nước khỏi sân Waldstadion, Frankfurt. Trước đó, một cơn bão đã quét qua Frankfurt gây mưa lớn khiến sân bị ngập trong biển nước. Nhưng vì theo đúng lịch, trận chung kết sẽ diễn ra 4 ngày sau, nên trọng tài người Áo Erich Linemayr đã quyết định cho trận đấu tiếp tục, và Đức giành thắng lợi 1-0 nhờ bàn thắng của Gerd Mueller. Tại trận chung kết Cúp UEFA lượt đi giữa Bastia và PSV vào ngày 26/4/1978, một cơn lũ quét qua cũng khiến sân nhà của Bastia trở thành một đầm lầy lớn, và trận đấu đã phải hoãn vài giờ. Bastia hòa không bàn thắng trên sân nhà, trước khi sang Hà Lan và chịu một cơn mưa… bàn thua (0-3). Không chỉ có bóng đá bị ảnh hưởng bởi thời tiết: Tại bán kết World Cup bóng bầu dục năm 1995, trận đấu giữa Pháp và Nam Phi đã bị hoãn một tiếng rưỡi bởi một cơn bão, khi tỉ số đang là 19-15 nghiêng về Nam Phi, và báo chí đã giật tít cho trận đấu này là “Họ bị chết đuối”. Sấm chớp cũng là một nỗi ám ảnh: Ngày 8/5/1976, một cầu thủ bóng bầu dục của AS Montferrand (Pháp) có tên Jean-Francois Phliponeau đã qua đời ở tuổi 26 vì bị sét đánh. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất