Phát triển ngành triển lãm hội nhập sâu rộng với thế giới

04/01/2020 07:33 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 3/1, Sở Văn hóa và Thể thao cùng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo “Đánh giá thực trạng, dự báo xu hướng, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển ngành triển lãm đến năm 2030”.

Công bố các sự kiện mỹ thuật, nhiếp ảnh tiêu biểu và hạn chế năm 2019

Công bố các sự kiện mỹ thuật, nhiếp ảnh tiêu biểu và hạn chế năm 2019

Chiều 27/12, tại Hà Nội, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã công bố các sự kiện mỹ thuật, nhiếp ảnh tiêu biểu và hạn chế năm 2019. Theo đó, có 4 sự kiện mỹ thuật, 4 sự kiện nhiếp ảnh và 1 sự kiện mỹ thuật hạn chế trong năm được bình chọn.

Hội thảo là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước, nhà nghiên cứu, chuyên gia trao đổi, thảo luận tìm giải pháp xây dựng mô hình tổ chức hoạt động phù hợp với yêu cầu phát triển, nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao và đa dạng của người dân.

Theo ông Trà Đức Khang, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin triển lãm Thành phố, những năm qua hoạt động triển lãm của Thành phố đã thực hiện tốt chức năng quảng bá các tác phẩm nghệ thuật, tuyên truyền và cổ động chính trị. Triển lãm không chỉ phục vụ các ngày lễ kỷ niệm, sự kiện, lễ hội, mà còn cổ động các chương trình hành động, mục tiêu của Thành phố; các hoạt động triển lãm chuyên đề, triển lãm ngành với nhiều nội dung phong phú.

Ngành triển lãm Thành phố đã và đang có nhiều bước tiến vượt bậc; số lượng cuộc triển lãm được tổ chức ngày càng tăng; nội dung triển lãm được chọn lọc và từng bước được nâng cao. Hình thức triển lãm ngày càng phong phú, đa dạng; bước đầu đã ứng dụng các thiết bị, công nghệ hiện đại vào công tác triển lãm như: Đoạn video clip, phim phóng sự, tư liệu, tranh, ảnh…

Chú thích ảnh
Nghệ sỹ nhiếp ảnh Hoàng Thạch Vân, Phó Chủ tịch Hội nhiếp ảnh Thành phố phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN

Bên cạnh những kết quả đạt được, Họa sỹ Siu Quý, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Thành phố cũng chỉ ra những bất cập chưa xứng tầm đối với ngành triển lãm của Thành phố năng động và sáng tạo. Đặc biệt là cơ sở vật chất phục vụ các cuộc triển lãm chưa tương xứng; chưa có địa điểm cố định tổ chức triển lãm hay trưng bày sự kiện toàn Thành phố; kinh phí cho hoạt động triển lãm không đảm bảo; công tác tuyên truyền trước và sau triển lãm chưa đạt hiệu quả cao…

Cùng quan điểm, ông Hoàng Thạch Vân, Phó Chủ tịch Hội nhiếp ảnh Thành phố cho rằng, trong xu thế hội nhập, nhiều loại hình mỹ thuật, nhiếp ảnh ngày càng trở nên mới, lạ và phong phú. Tuy nhiên, thủ tục xin phép triển lãm đôi lúc gặp khó khăn, nhất là trong việc thẩm định, cấp phép hoạt động triển lãm đôi lúc còn cảm tính. Bên cạnh đó, việc cấp phép triển lãm không yêu cầu tổ chức, cá nhân xin phép triển lãm chứng minh quyền sở hữu tác phẩm hoặc quyền tác giả, nên xảy ra hiện tượng triển lãm tranh giả, tranh chấp quyền sở hữu tác phẩm hoặc quyền tác giả, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước…

Đất nước ngày càng phát triển và hội nhập mạnh mẽ thì triển lãm là hoạt động diễn ra thường xuyên và có xu hướng gia tăng cả về số lượng, nội dung, hình thức. Không chỉ cơ quan nhà nước mà nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có nhu cầu triển lãm ngày càng nhiều. Ngoài việc giới thiệu, truyền tải thông tin đến công chúng, triển lãm còn góp phần nâng cao hiểu biết và nhu cầu thụ hưởng văn hóa, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân; là hoạt động hiệu quả để công bố, phổ biến tác phẩm, sản phẩm, sự kiện, hình ảnh.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Trình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố, ngành triển lãm trong tương lai dự báo sẽ phát triển theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp với nhiều quy mô, đẳng cấp, từng bước tham gia hội nhập quốc tế; đồng thời bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh và giữ vững độc lập chủ quyền quốc gia, bảo vệ môi trường, góp phần gìn giữ và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc. Vì vậy, để phát triển ngành triển lãm cần phát triển có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ; khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị văn hóa.

"Phát triển ngành triển lãm dựa trên các nguồn lực của xã hội; nhà nước ưu tiên hỗ trợ đầu tư có trọng điểm; phát triển triển lãm phải gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Trình nhấn mạnh.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Trình, mục tiêu phát triển ngành triển lãm Thành phố thời gian tới là trở thành một trong những ngành dịch vụ quan trọng; phát triển rõ về chất và lượng; đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao.

Trước mắt, ngành triển lãm Thành phố cần tập trung xây dựng ngân hàng ảnh nghệ thuật các bộ sưu tập hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh, xây dựng nguồn tư liệu để lưu trữ và phục vụ nhiệm vụ chính trị, ngoại giao, du lịch. Ngành cũng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, tạo ra các tác phẩm nhiếp ảnh, mỹ thuật hấp dẫn, đa dạng; phát triển các không gian triển lãm, quảng bá hình ảnh trong nhà hoặc ngoài trời; từng bước phát triển ngành triển lãm trở thành ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố; đưa ngành triển lãm của Thành phố hội nhập sâu rộng với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Thanh Vũ/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link