Phía sau chuyện Khánh Hòa xuống, Đà Nẵng lên V-League

30/05/2024 06:30 GMT+7 | Bóng đá Việt

Nếu không có gì thay đổi thì Khánh Hòa sẽ quay về với giải hạng Nhất, lần thứ 4 kể từ khi V-League ra đời. Vị trí của họ tại mùa giải sau đã có SHB Đà Nẵng thay thế. Điều này có nghĩa là phần "thượng tầng" của nền bóng đá không thay đổi. Có thể hiểu điều này theo cả nghĩa tích cực lẫn không tốt.

Ngoại trừ có bất ngờ lớn ở trận play-off cho suất xuống hạng còn lại thì ở mùa giải tới V-League không có biến động về chất. Trong 14 CLB, thì chỉ có mỗi Hà Tĩnh được xem là "tân binh" của bóng đá Việt Nam cho dù họ cũng đã chơi 6 mùa giải đỉnh cao. Lẽ ra "thân phận" này phải dành cho đội CAND lần đầu thăng hạng hồi năm 2022 nhưng sau khi đội này đổi phiên hiệu thành CAHN thì lại rơi vào nhóm "cây đa, cây đề".

Nghĩa là kể từ khi Hà Tĩnh lần đầu tiên thăng hạng năm 2019 đến nay, bóng đá Việt Nam không có thêm bất kỳ cái tên mới nào tham gia sân chơi đỉnh cao. Những đội bóng thăng hạng trong 5 năm qua đều là các tên tuổi có truyền thống.

Phía sau chuyện Khánh Hòa xuống, Đà Nẵng lên V-League - Ảnh 2.

Khánh Hoà (phải) có thể xuống hạng mùa này nhưng sẽ không ngạc nhiên nếu họ sớm trở lại V-League ở mùa bóng kế tiếp. Ảnh: Hoàng Linh

Trong khi đó, nếu tiếp tục quay ngược về trước, thì đội bóng gần nhất được xem là "lần đầu dự V-League" chính là Xuân Thành Sài Gòn ở mùa giải 2012, mà gốc của đội này chính là Xuân Thành Hà Tĩnh sau khi thăng hạng chuyển vào Sài Gòn và đổi tên đá được 3 mùa thì giải thể.

Tóm lại, hơn một thập niên qua, không có một CLB mới nào ngoài Hà Tĩnh lên đá ở hạng cao nhất (Sài Gòn FC vốn là Hà Nội B, nên cũng không xem là đội mới).

Trở lại với chuyện Khánh Hòa và SHB Đà Nẵng. Mới năm trước đội bóng Đà thành xuống hạng với một trong những thành tích tệ nhất lịch sử V-League khi chỉ thắng đúng 2 trận sau 18 trận đấu. Ấy vậy mà họ lại thăng hạng với tư cách là một trong những vô địch hạng Nhất có thành tích tốt nhất lịch sử khi bỏ xa đội xếp nhì đến hơn 10 điểm. Chi tiết này không chỉ cho thấy cái khoảng cách giữa 2 hạng đấu nằm trong hệ thống chuyên nghiệp của Việt Nam, mà còn nói lên một vấn đề khá nhạy cảm khi không có sự tương đồng giữa V-League và giải hạng Nhất.

Nhìn từ góc độ của Khánh Hòa cũng thế. Trong 10 năm qua, đội bóng phó Biển đã 2 lần xuống hạng hoặc chuyển giao, rồi bằng một cách nào đó họ làm lại ở giải hạng Nhì, rồi lại lên V-League và tiếp tục gặp khó khăn về tài chính nên không duy trì được thành tích. Vấn đề là một đội như Khánh Hòa cứ xuống, rồi lại lên kể cả khi ở trong một "thể trạng" yếu ớt. Nếu năm tới mà đội này lại lên hạng thì cũng không có gì lạ.

Như đã nói, hơn 10 năm qua gần như không có nhân tố mới nào ở sân chơi V-League. Trong khi đó, tại giải hạng Nhất thì lại nhiều cái tên khá lạ nhưng lại chẳng đủ năng lực để "vượt vũ môn". Điều này dẫn đến một trạng thái không ổn: Các đội V-League thì chẳng lo xuống hạng còn các đội hạng Nhất thì không cần thăng hạng. Như thế dễ dẫn đến hàng chục, thậm chí hàng trăm trận đấu thiếu động lực mỗi mùa. Đó là tiền đề cho tiêu cực sinh sôi.

Với sân chơi V-League, nếu Nam Định mà vô địch mùa này thì có nghĩa là trong 2 mùa giải gần nhất đã có thêm 2 tân vô địch V-League và cộng với Thể Công Viettel nữa thì chỉ trong 5 mùa giải đã có 3 đội lần đầu vô địch giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam. Điều đặc biệt hơn, đây là 3 đội bóng cũng chỉ mới có mặt tại V-League trong 7 mùa giải gần đây.

Từ chuyện Khánh Hòa và SHB Đà Nẵng đến chuyện vừa thăng hạng đã vô địch, thì phải chăng chúng ta đang làm chuyên nghiệp sai… địa bàn? Phải chăng cần có sự tập trung đầu tư nhiều hơn cho giải hạng Nhất, nơi mà về lý thuyết thì các CLB cũng buộc phải là một đội bóng chuyên nghiệp trước khi nghĩ đến chuyện lên hạng.

Thực tế thì từ bấy lâu nay, giải đấu này không được quan tâm đúng mực. Chúng ta cấm ngoại binh, nhưng không tạo ra được sân chơi cho cầu thủ trẻ, cũng không quyết liệt trong việc giám sát năng lực của các đội bóng, và nhất là không có giải pháp gì để tăng số lượng các đội bóng ở giải đấu này dù về lý thuyết của mô hình tháp bóng đá thì phải có nhiều hơn hoặc chí ít phải ngang bằng với V-League.

Gỉai hạng Nhất thực ra đang mang tên V-League 2, tức là giải đấu có tính chất chuyên nghiệp như V-League 1. Nhưng xem ra, hiện thời nó chỉ giống như chỗ dạo chơi của các đội vừa xuống hạng từ V-League 1 chứ không phải là môi trường rèn luyện và nuôi dưỡng quyết tâm làm bóng đá chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam.


Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link