20/05/2017 10:37 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) – Trong phim, Teresa Palmer vào vai nữ du khách Úc có cuộc gặp lãng mạn với một chàng trai Đức quyến rũ. Thế nhưng, câu chuyện nhanh chóng nhuốm màu nhục dục và tối tăm.
Đạo diễn người Úc Cate Shortland luôn mang tới cái nhìn thấu hiểu của một người phụ nữ, từ chuyện yêu đương của cô gái vị thành niên trong bộ phim đầu tay Somersault tới cảnh những đứa trẻ con tướng tá Phát xít được một người sống sót khỏi trại tập trung người Do Thái cưu mang trong Lore.
Nhưng nếu khán giả chờ đợi nữ đạo diễn tài ba “khai sáng” về chủ đề bạo lực tình dục – bắt cóc kiểu The Collector thì có thể sẽ thấy vọng với Berlin Syndrome (Tạm dịch: Hội chứng Berlin).
Phim chuyển thể từ tiểu thuyết của Melanie Joosten, kịch bản được viết bởi Shaun Grant, người có “tiền sử” về những bộ phim bạo lực đẫm máu có yếu tố bắt cóc, điển hình như The Snowtown Murders. Tuy nhiên, Shortland lại quan tâm nhiều hơn tới yếu tố tâm lý: sự giằng co giữa nỗi kinh hoàng khi bị giam giữ với cảm giác yêu thương ngay kẻ bắt cóc mình. Bộ phim có nhiều điểm chung với Room khi tập trung vào hậu quả của vụ bắt cóc và giam giữ hơn là về chính quãng thời gian làm nô lệ tình dục.
Trong phim, Teresa Palmer vào vai một nữ du khách Úc Clare đang lạc lối trên những con phố Đức để chụp ảnh kiến trúc cho dự án sách của mình. Lạc lõng nơi đất khách quê người khiến cô nhanh chóng rơi vào ái tình với Andi (do Max Riemelt), một giáo viên Đức điển trai. Anh ta có vẻ dịu dàng và ấm áp khi đưa cô tới khu vườn trồng dâu tây của cha mình. Mặc dù rõ ràng phải lòng nhau nhưng họ đã nói lời tạm biệt và Clare dự định rời Dresden vào sáng hôm sau. Thế nhưng, cô cuối cùng quyết định ở lại và đi tìm Andi.
Đạo diễn Shortland cũng khéo léo lồng vào cảnh lãng mạn những lời cảnh báo, không chỉ bằng âm thanh đáng ngại của nhà soạn nhạc Bryony Mark, khung cảnh mờ nhạt của không gian và bóng người, mà trong cả những lời thoại. Ví dụ như khi Clare rên rỉ phấn khích, Andi nói với giọng bí ẩn: “Sẽ không ai nghe thấy em đâu”.
Khi tỉnh dậy và thấy mình bị Andi nhốt trong nhà, Clare chỉ cho đây là sự sơ sót, nhầm lẫn. Nhưng ngày tiếp theo, có nhiều bằng chứng đáng lo ngại cho thấy anh ta có ý định giam giữ cô: cửa sổ được gia cố, then cài cửa nặng nề ở trong một khu vực cô lập, không tiếng người đi lại.
Với sự lạnh lùng bình tĩnh, Andi đổ lỗi cho Clare vì đã chọn ở lại Dresden. Thái độ đáng sợ của Andi về phụ nữ thể hiện qua những trao đổi với học sinh và các đồng nghiệp, qua việc anh nhận ra mẹ mình đã phản bội, bỏ rơi người cha già của mình. Nhưng ngoài những khoảng khắc đáng sợ, chủ yếu Andi duy trì cuộc sống như một cặp đôi thực thụ: hoa, quà và những bữa ăn gia đình.
Dần dần, chính Clare cũng thay đổi, từ nỗ lực bỏ trốn sang hòa nhập với cuộc sống dị thường với Andi, thậm chí còn khuyến khích những quan niệm sai lầm của kẻ giam cầm mình. Một trường hợp của hội chứng Stockholm, chỉ khác địa điểm. Từ đây, bộ phim trở nên khó lường hơn.
Berlin Syndrome khởi chiếu tại LHP Sundance ngày 20/1/2017, công chiếu tại Úc ngày 20/4. Phim được dán nhãn 15+ ở Úc và Anh, nhãn R ở Mỹ (cho những phim có lời tục tĩu vừa phải, cảnh bạo lực cao, tương đương nhãn 18+ ở nhiều nước châu Á).
“Với tôi, đây là phim đáng xem nhất của tháng Năm. Lâu lắm rồi ở Việt Nam mới đưa về một bộ phim tâm lý căng thẳng và lôi cuốn như phim này. Đặc biệt tuy là phim Australia, thể loại ly kỳ, nghẹt thở (thriller, suspense), nhưng màu phim và nhịp điệu lại đậm đặc chất Châu Âu”, đạo diễn Nguyễn Bá Vũ bình luận về Berlin Syndrome trên trang Facebook cá nhân.
Cũng theo vị đạo diễn: “Những cảnh tình dục rất bạo và vừa đủ sướng mắt, kèm theo đó là những pha bạo lực gây khiếp hồn người xem. Đã nhất là thông tin được nhiều người chờ đợi nè: PHIM KHÔNG BỊ CẮT BẤT CỨ GIÂY NÀO NHÉ! Cục điện ảnh chơi quá đẹp với khán giả!”.
Berlin Syndrome bắt đầu chiếu tại Việt Nam từ ngày 19/5 dưới tên Mất tích ở Berlin, dán nhãn C18 (Cấm người dưới 18 tuổi).
Giả Bình
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất