Phim 21 tỉ không bán nổi một vé

18/09/2014 09:18 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Trong hai tuần trụ ở Rạp Kim Đồng, ngay trung tâm Thủ đô Hà Nội, bộ phim được đầu tư 21 tỉ đồng: Sống cùng lịch sử không bán được dù chỉ một vé.

Cuối tháng 8, đầu tháng 9 có năm phim Việt ra rạp: Mất xác, Sống cùng lịch sử, Mộ gió, Đam mê, Scandal 2 – Hào quang trở lại. Trong số những phim này chỉ có 2 phim trụ lại được, còn lại có những phim không thể bán nổi lấy một vé. Cụ thể, Mất xác, Scandal 2 – Hào quang trở lại là phim do các hãng tư nhân sản xuất, làm ra với mục tiêu số một là doanh thu, nên chuẩn bị chiến lược truyền thông cực kỳ bài bản, thậm chí không ngại cả "chiêu trò". Còn lại ba bộ phim nhà nước Sống cùng lịch sử, Đam mê, Mộ gió theo tiêu chí "phim nhà nước" xưa nay có vẻ không đặt nặng yếu tố doanh thu.

Phim Việt cũng… “mất xác”

Ngay từ khi chưa bấm máy, Scandal đã tung ra kế hoạch truyền thông, gần như phủ sóng thông tin hàng tuần trên mạng... Còn Mất xác thì bám sát vụ án Thẩm mỹ viện Cát Tường để PR, dù nội dung phim không liên quan nhiều đến vụ án. Thậm chí đạo diễn Mất xác còn dùng chiêu dọa kiện đạo diễn Victor Vũ vì trùng ý tưởng kịch bản. Bên PR của Scandal 2 cũng chẳng chịu ngồi yên, lập tức có những bài viết phản đòn.

Sau cuộc chiến truyền thông cả hai phim này đều đã đạt được một mục đích gây chú ý với khán giả. Doanh thu Scandal không lớn như Quả tim máu trước đó, nhưng vẫn rất ổn. Đây là bộ phim Việt ăn khách nhất ở rạp hiện nay, trong khi Mất xác có lượng khách khá ổn định.

Sống cùng lịch sử được đầu tư kinh phí 21 tỉ đồng, dàn dựng kì công

 

Còn ba bộ phim nhà nước nói trên, chưa ra rạp người ta cũng biết trước số phận của chúng thế nào. Sống cùng lịch sử do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất và Mộ gió do Hãng phim Nhã Phương sản xuất, được Cục Điện ảnh tài trợ 400 triệu vì phim đề tài miền núi, hải đảo. Hai phim này vừa làm xong trong năm nay cũng chỉ có thể tận dụng “lợi thế sân nhà” là Trung tâm Chiếu phim quốc gia (rạp chiếu thuộc Bộ VH,TT&DL quản lý). Cả hai phim đều ra vào dịp kỉ niệm Quốc khánh 2/9.

Theo thống kê của Trung tâm, những buổi chiếu đầu được khoảng chục khách đến xem, hai ba ngày sau là "tạnh" hẳn. Cả hai chỉ trụ rạp được 5 ngày là rút. Trong khi đó phim Đam mê do Hãng phim truyện 1 sản xuất từ năm 2012, mãi đến 5/9 năm nay mới chính thức ra rạp, cũng không khả quan hơn là bao.

Tại một "sân nhà" khác là Rạp Kim Đồng (trực thuộc Sở VH,TT&DL Hà Nội), hai phim Đam mê Sống cùng lịch sử được ưu ái chiếu trong vòng hai tuần. Đây là những bộ phim nhà nước đầu tư từ 10 tỉ đến 20 tỉ đồng. Nhưng trong hai tuần nằm trên lịch chiếu của rạp Kim Đồng, điều đáng buồn là Sống cùng lịch sử Đam mê không bán nổi một vé cho khán giả.

Những tồn tại vô lý

Điện ảnh Việt Nam đang tồn tại hai thực thể: phim tư nhân và phim nhà nước. Trong khi phim tư nhân hiện nay chủ yếu làm phim thương mại, thì phim nhà nước vẫn trung thành với mục tiêu làm phim truyền thống, có điều mô hình đã hoàn toàn lạc hậu so với hiện tại.

Trước kia các hãng phim nhà nước có thể yên tâm với một hệ thống rạp chiếu khắp 63 tỉnh thành. Nhưng ngày nay khi các hãng nước ngoài vào thì rạp chiếu đã rơi vào các công ty nước ngoài cực kỳ chuyên nghiệp, hùng mạnh. Hệ thống phát hành của nhà nước cũng tan rã, nên số phận của các bộ phim nhà nước làm ra là để… cất kho.

Mặt khác phim nhà nước không hề đầu tư phần quảng bá, nên dù Sống cùng lịch sử có đầu tư đến mấy cũng khó có thể cạnh tranh với phim thương mại trong nước chứ chưa nói đến phim nước ngoài. Việc không bán được vé nào đã được báo trước.

Trong khi đó những người làm phim nghệ thuật ở trong nước thì bơ vơ, vì cả hãng tư nhân và các hãng nhà nước đều không muốn đầu tư.

Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link