Trời & Đất Khép lại kỷ nguyên phim chiến tranh Việt Nam

06/05/2010 08:23 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Năm 1978, The Deer Hunter Coming Home mở màn cho “kỷ nguyên phim chiến tranh Việt Nam”. Đến năm 1993 sự chìm nghỉm của bộ phim Heaven & Earth (Trời & Đất) đã chính thức khép lại 15 năm cho thế giới thấy bản chất thật sự của cuộc chiến phi nghĩa này.

Tham vọng cú “Hattrick” của Oliver Stone

Có thể nói, thập niên 1980 là giai đoạn thăng hoa của phim chiến tranh Việt Nam, đồng thời là thập kỷ của đạo diễn Oliver Stone, với 6 bộ phim do ông đạo diễn và 5 lần được đề cử Oscar. Cả hai bộ phim chiến tranh Việt Nam mà ông đoạt giải đạo diễn (PlatoonBorn on the Fourth of July) đều thành công về nghệ thuật và đặc biệt thắng lớn về thương mại.

Chính vì vậy, khi Oliver Stone muốn trở về với chủ đề này thêm một lần nữa với Heaven and Earth, với mong muốn hoàn tất trilogy (bộ ba) phim về chiến tranh Việt Nam – sự kiện gây chấn động lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ cận đại –đã được ủng hộ hết mình của 5 hãng phim và công ty truyền thông lớn: Le Studio Canal Plus, Regency Enterprises, Alcor Films, New Regency Productions, và Todd-AO… với kinh phí đầu tư sản xuất lên đến gần 50 triệu USD – con số lớn nhất trong lịch sử các phim về chiến tranh Việt Nam.

Kịch bản Heaven and Earth dựa trên 2 quyển sách When Heaven and Earth Changed Places (Đảo ngược đất trời) và hồi ức Child of War, Woman of Peace (Đứa trẻ thời chiến, Phụ nữ thời bình) của tác giả Le Ly Hayslip thuật lại những trải nghiệm của chính bà, trong và sau chiến tranh Việt Nam. Le Ly Hayslip là tên tiếng Anh của bà Phùng Thị Lệ Lý – năm nay 61 tuổi (sinh 1949) quê ở thôn Kỳ La, xã Hào Quý, nằm ở phía Nam thành phố Đà Nẵng. Bà là một Việt kiều thành đạt ở Mỹ, được thế giới đánh giá cao ở các hoạt động từ thiện và nhân đạo ở Việt Nam và các nước châu Á.

Trong sự nghiệp của mình, Oliver Stone chỉ làm những bộ phim nói về đàn ông, và phụ nữ chỉ là yếu tố tạo thú vị chứ không phải là yếu tố trung tâm của câu chuyện. Heaven and Earth là lần đầu tiên ông cố gắng tự đặt mình vào bên trong trí tưởng tượng của một phụ nữ.

Cả 3 phim về chiến tranh Việt Nam của Oliver đều dựa trên những câu chuyện thật. Platoon là góc nhìn của một người lính bộ binh lấy cảm hứng từ câu chuyện của chính ông. Born on the Fourth of July là bản tự thuật của Ron Kovic – một cựu chiến binh tàn phế cả 2 chân. Và giờ trong Heaven and Earth là cách nhìn chiến tranh và hậu quả ám ảnh day dứt của nó qua lăng kính của một phụ nữ Việt Nam kéo dài trong khoảng thời gian gần 40 năm cuộc đời.

Khó khăn lớn nhất của bộ phim là tìm được diễn viên Việt Nam phù hợp để thủ vai Lệ Lý – nhân vật nữ trung tâm. Một người có thể đóng từ trẻ đến tuổi trung niên. Một cuộc casting quy mô lớn trên khắp các tiểu bang của nước Mỹ và thế giới, những nơi có nhiều người tị nạn Việt Nam sinh sống.

Người may mắn được chọn trong hàng ngàn ứng viên là Lê Thị Hiệp, lúc ấy mới ngoài 20 tuổi, đến với buổi casting một cách tình cờ do tò mò đi chơi theo một người bạn. Người phụ trách casting đã mời cô vào gặp Oliver Stone. Cô gái trẻ nhỏ nhắn tự tin bước vào buổi casting mà không chịu bất cứ một sức ép nào đã bộc lộ sự mạnh mẽ quyết đoán và ngây ngô một cách tự nhiên…, điều này đã giúp cô nhận được vai diễn Việt Nam lớn nhất trong lịch sử của “kỷ nguyên phim chiến tranh Việt Nam”.

Mong ước không thành hiện thực

Chiến tranh Việt Nam là sự ám ảnh, nhưng cũng đồng thời là vùng đất mang lại những vinh quang lớn nhất trong sự nghiệp điện ảnh của Oliver Stone. Không có gì tuyệt vời bằng, được làm một bộ phim về chiến tranh Việt Nam trên chính mảnh đất này, do đó Oliver Stone quyết tâm phải sản xuất Heaven and Earth tại Việt Nam.

Khoảng năm 1991, Oliver Stone (đồng sản xuất) cùng với 2 nhà sản xuất lừng danh Arnon Milchan và Mario Kassar sang Việt Nam đặt vấn đề và được Cục Điện ảnh tiếp đón rất trọng thị. Mọi người đều hết sức ngưỡng mộ Oliver Stone và mong muốn Heaven and Earth sẽ được quay ở Việt Nam. Tuy nhiên, vào giờ chót mọi thiện chí của đôi bên đã bị vướng lại bởi một chi tiết nhỏ trong kịch bản.

Trong quyển Đảo ngược đất trời có chi tiết Lệ Lý bị một Việt Cộng hãm hiếp, và chi tiết này có trong kịch bản. Những người phụ trách duyệt kịch bản đã đề nghị Oliver Stone cắt bỏ chi tiết này, ông đã nói đùa đại ý: Ngay cả tổng thống Mỹ cũng còn không được phép cắt duyệt kịch bản của ông! Nhưng với thiết tha được làm một bộ phim tại Việt Nam, Oliver đã sửa lại chi tiết này. Cần phải hiểu rằng, vào thời điểm ấy, điện ảnh Việt Nam vừa bị một cú sốc với bộ phim xuyên tạc của Hongkong, Yêu tiếng hát Việt Nam, mà Heaven and Earth lại là bộ phim Mỹ đầu tiên muốn quay ở Việt Nam sau 1975, nên sự nhạy cảm ở các cấp thẩm quyền là rất lớn, dẫn đến việc cấp phép và duyệt kịch bản càng gắt gao hơn bao giờ hết! Tuy nhiên, tại thời điểm “nhạy cảm” ấy, các nhà sản xuất Hollywood e ngại những rắc rối có thể sẽ xảy ra làm ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất, nên họ quyết định chuyển dự án khổng lồ gần 50 triệu USD sang Thái Lan để thực hiện toàn bộ cảnh Việt Nam, mặc dù Oliver Stone không hề muốn điều đó.

Sự kết thúc một kỷ nguyên đáng nhớ!

Nhân kỷ niệm 65 năm chiến thắng phát xít (1945-2010), đón đọc loạt bài tiếp theo trên chuyên mục Thế giới điện ảnh về những bộ phim đáng xem nhất về Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.

Heaven and Earth
có quy mô sử thi mà người ta mong đợi ở một bộ phim có tầm cỡ này. Nhưng nó thiếu nhiều sức mạnh tường thuật của hai câu chuyện đầu tiên của Stone về chiến tranh Việt Nam. Bộ phim chỉ đạt được một phần nhỏ sức tác động mà Platoon và Born of the Fourth of July đã có. Heaven and Earth có một câu chuyện khá vững chắc xứng đáng được đưa lên màn ảnh, nhưng nó chưa đủ tầm để trở thành một kiệt tác.


Nửa đầu bộ phim diễn ra tại Việt Nam là gây ấn tượng mạnh nhất, tuy câu chuyện hơi dàn trải. Nhịp phim hỗn loạn, các sự kiện được thúc đẩy mạch lạc rõ ràng và cao trào càng lúc càng tăng. Trong Heaven and Earth, thông qua số phận bi kịch của cô thôn nữ Việt Nam nhỏ bé, Oliver Stone không ngại ngùng mô tả trần trụi bộ mặt thật của chiến tranh với vô số hành động gây kinh hãi cho khán giả khi xem những cảnh Lệ Lý bị ngược đãi một cách tàn bạo và vô lý – bị làm mất thanh danh, bị tra tấn, bị bóc lột, bị lợi dụng, bị cưỡng hiếp, bị hành hung, bị chiếm đoạt, bị biến đổi, bị cách ly khỏi gia đình… (tượng trưng cho hình ảnh khổ đau của đất nước cô khi ấy) – là một trải nghiệm căng thẳng về cảm xúc. Nhưng nó minh họa một trong những chủ đề mà Stone ưa thích nhất: Trong chiến tranh, người dân vô tội luôn phải lãnh đủ những điều tồi tệ nhất.

Vai diễn Lệ Lý thật sự là quá nặng đối với “lính mới tay ngang” như Lê Thị Hiệp, và cô đã không thể nắm lấy cơ hội lớn nhất trong đời. Có thể nói, thất bại nặng nề của Heaven and Earth cũng có phần “góp công” rất lớn của cô! Tommy Lee Jones thủ vai chính Steve Butler – người đã cầu hôn Lệ Lý và đưa cô về Mỹ sinh sống – cũng chỉ làm tròn vai bởi nhân vật của anh quá mờ nhạt so với Lệ Lý. Diễn viên Trung Quốc nổi tiếng Trần Xung được làm cho già và xấu xí để đóng vai bà mẹ cam chịu của Lệ Lý, nhưng khi xem phim ta có cảm giác giống như cô bị trao nhầm vai diễn. Haing S. Ngor, diễn viên Campuchia từng đoạt giải Oscar với bộ phim The Killing Fields thủ vai cha của Lệ Lý, cũng không có gì nổi bật.

Có lẽ một trong những thất bại lớn nhất của bộ phim là việc Oliver Stone để cho tất cả các nhân vật người Việt Nam – bất kể là thân phận gì – đều sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính trong phim. Nghe các diễn viên đủ mọi quốc tịch: Việt kiều, Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc… đóng vai người Việt phát âm theo kiểu tiếng Anh “bồi”, chiếm đến 80% thời lượng phim, thì quả thật là kinh khủng đối với khán giả Mỹ!

Điểm cộng duy nhất của bộ phim là trường đoạn mở đầu phim, giới thiệu ngôi làng Kỳ La nhỏ bé “… ngôi làng đẹp nhất trên thế giới” theo lời Lệ Lý, đã làm choáng váng bất cứ người xem nào. Cảnh này được quay chủ yếu ở Thái Lan, kết hợp với một số cảnh đã được quay tư liệu trước ở Việt Nam. Nhờ vào đôi mắt tinh tế và tài năng sáng tạo, nhà thiết kế Victor Kempster và ê-kíp của ông đã thực hiện một công việc đáng nhớ là tái tạo khung cảnh đồng quê Việt Nam đẹp nhất từ trước đến nay, cũng như cảnh phố xá Sài Gòn nhộn nhịp và đông đúc trước 1975. Tất cả được tô điểm thêm lên nhờ vào phần nhạc nền rất ấn tượng của nhạc sĩ Nhật Bản Kitaro (mặc dù được giải Quả Cầu Vàng, nhưng lại không được các nhà phê bình Mỹ đánh giá cao).

Bộ phim thất bại nặng nề tại Mỹ khi chỉ thu về chưa đến… 6 triệu USD. Nó trở thành một “thảm họa” kinh hoàng nhất trong sự nghiệp của Oliver Stone. Thất bại chưa từng thấy này đã làm sụp đổ hàng loạt dự án phim có liên quan đến chủ đề Việt Nam. Nó chính thức khép lại một kỷ nguyên huy hoàng nhưng ngắn ngủi của đề tài phim chiến tranh Việt Nam, mà Oliver Stone là người khởi xướng và cũng là người kết thúc trong kết cuộc không trọn vẹn!

Bá Vũ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link