09/04/2015 08:01 GMT+7 | Phim
“Cảm hứng” về cách làm này có lẽ bắt đầu từ phim 39 độ yêu (ĐD: Ngọc Hiệp) ra rạp đúng 10 năm trước (2005), vốn là 16 tập phim truyền hình (50 phút/tập) được cắt ngắn. Phim được TFS và Hãng phim Việt quảng cáo rầm rộ về kỹ thuật mới, nhưng rồi hình ảnh nhòe nhoẹt, câu chuyện chắp vá, làm khán giả bức xúc.
Còn Nhà có 5 nàng tiên (ĐD: NSND Trần Ngọc Giàu) thì làm ngược lại, phiên bản điện ảnh dài 92 phút, công chiếu ngày 2/2/2013, sau đó phiên bản “giãn nở” truyền hình dài 45 phút/tập, gồm 5 tập. Tổng doanh thu của phim này hơn 60 tỷ đồng (theo tin từ nhà sản xuất), nó thành động lực để nhiều nhà sản xuất làm theo, bởi làm phim truyền hình giá thành thường rẻ và đơn giản hơn khá nhiều.
Có điều, chẳng biết các diễn viên được ký hợp đồng như thế nào, nếu chỉ ký với một thể loại (truyền hình, hoặc rạp), mà nhà sản xuất khai thác thành hai thì hình như họ đã bị lợi dụng.
“Rút gọn” và “giãn nở”
Bộ phim Cưới chạy (ĐD: Nhất Tuấn) khởi chiếu ngày 24/1/2014 bị nhiều khán giả chửi thề ngay trong rạp, vài người còn ra phòng vé đòi lại tiền (tất nhiên không đòi được). Nó cũng trở thành “thảm họa” đầu năm 2014, tiếp nối các phim Việt thảm họa của năm 2013 như Biết chết liền, Iêu anh! Em zám hôk?, HIT: Hoàng tử & Lọ Lem…
Thảm họa của Cưới chạy khác mấy phim vừa kể kia, không chỉ vì bản dựng yếu nghề đến ngây ngô, mà còn bởi chất lượng phim truyền hình không đủ để “căng lớn hình” thành phim chiếu rạp (giống như 39 độ yêu). Nhưng phim này cũng thất bại nặng nề với phiên bản truyền hình.
Dù công khai với diễn viên từ đầu về chuyện quay hai trong một, nhưng kết quả thì Tây du ký hậu truyện (KB: Thiên Thi, ĐD: Nguyễn Thành Nam, ban đầu có tên Sài Gòn Tây du ký, ĐD: Nhất Trung) đã thất bại nặng nề với phiên bản chiếu rạp. Kéo theo phiên bản “giãn nở” truyền hình cũng “tịt ngòi”, đến nay chưa thấy nhúc nhích.
Mới đây phim Hợp đồng bắt ma (ĐD: Lê Quang Thanh Tâm) cũng lấp lửng dạng này, với đầu tư khoảng 1,8 tỷ đồng, thu về khoảng 18 tỷ đồng (có thông tin “nổ” hơn 40 tỷ đồng). Với đà thắng lợi này, dù bị nhiều khán giả than phiền, có lẽ họ cũng sẽ “giãn nở” thành phim truyền hình như lời xì xầm. Vài diễn viên tham gia Hợp đồng bắt ma cho biết họ chỉ được mời đóng, mà không rõ phim thể loại truyền hình hay chiếu rạp.
Rạp chiếu và khán giả gánh chung trách nhiệm
Những phim yếu kém như 39 độ yêu, Cưới chạy, Hợp đồng bắt ma… hay cả trailer như phim khiêu dâm của Tình + tình... chỉ có Lotte Cinema mới dám nhận phát hành (?). Bởi khi xong bản dựng, nhà sản xuất thường mời các nhà phát hành đến xem để họ chọn lựa, những phim như vừa kể thật khó để thuyết phục các nhà phát hành khắt khe về chất lượng.
Giả dụ Lotte Cinema (nhà phát hành lớn thứ 2 tại Việt Nam, nếu xét về số rạp) cũng khắt khe thì các phim này chỉ còn chọn giải pháp tự phá sản hoặc chiếu ở các rạp cũ, nhỏ, ít người xem. Rõ ràng thẩm mỹ và tiêu chuẩn của nhà phát hành quyết định khá nhiều đến chất lượng đầu ra của phim, Lotte Cinema chưa làm được điều này với nhiều phim nội và nhiều phim nhập ngoại.
Kế theo nữa là khán giả, những người trực tiếp quyết định sự sinh tồn, đẳng cấp của nền điện ảnh, nếu họ không đồng tình, hoặc quyết liệt tẩy chay các phim kém chất lượng thì nhà sản xuất sẽ khó “lừa” khán giả. Thế nhưng, trước những phim như Cưới chạy, Hợp đồng bắt ma, Tây du ký hậu truyện… mà vẫn có người xem, thì đúng là… “bó tay”. Nhiều khi phim không chỉ “lừa” khán giả, mà khán giả còn “tự lừa” mình.
Trailer trên mạng của phim Tình + tình có thời lượng hơn 70 giây thì đến 60 giây là các cảnh làm tình. Tuy nhiên, theo những người đã được xem phim này, chủ đích và thông điệp hoàn toàn khác, dù về kỹ thuật thì nhiều chỗ “căng hình” chưa đủ chiếu rạp. Riêng trailer thì do nhà sản xuất tự dựng để câu khách. |
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất