Bài học từ LHP truyền hình Hàn Quốc

15/10/2010 15:35 GMT+7 | Truyền hình thực tế

(TT&VH) - (LTS): LHP truyền hình Hàn Quốc là một hoạt động thường niên bắt đầu từ năm 2005 do Ủy ban tổ chức Liên hoan phim truyền hình Hàn Quốc tổ chức tại TP. Jinju. Là khách mời duy nhất từ Việt Nam của LHP này, PGS. TS. Lê Thị Hoài Phương (Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Bộ VH,TT&DL) đã có những trải nghiệm thú vị và suy nghĩ về những điều mà các Liên hoan, hội diễn của Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm.

Liên hoan năm nay diễn ra từ ngày mồng 1 đến ngày 12/10. Cùng trong thời gian này tại Jinju còn có 3 sự kiện văn hóa hấp dẫn khác là Lễ hội đèn lồng, Lễ hội thể thao, Lễ hội ẩm thực, diễn ra trên và bên bờ con sông Namgang chảy giữa lòng thành phố. Trong những ngày này, nhất là vào ban đêm, dòng sông trông thật rực rỡ và huyền ảo với những chiếc đèn lồng đủ màu sắc, hai bên bờ sông luôn tấp nập bởi du khách đi xem hội. Tôi nghĩ đây là sáng kiến của lãnh đạo thành phố và các nhà tổ chức sự kiện - cùng một lúc tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn để thu hút đông đảo khách du lịch, với chỉ tiêu đặt ra là trên 1,5 triệu du khách tới với Jinju dịp này.

Trong khuôn khổ của Liên hoan phim có nhiều sự kiện khác nhau, mấy chục bộ phim chọn lọc được chiếu rải rác trong suốt tháng 9 và tháng 10; có các cuộc triển lãm liên quan đến phim truyền hình… Có 2 sự kiện lớn: lễ trao giải cho các ngôi sao phim truyền hình Hàn Quốc là sự kiện “đinh” của Liên hoan luôn thu hút rất đông đảo dân chúng, cuộc tọa đàm (forum) với sự tham gia của trên 200 người là các nhà sản xuất, đạo diễn phim truyền hình, các nhà nghiên cứu, nhà phê bình, nhà báo của Hàn Quốc và quốc tế.

Qua thực tế trải nghiệm từ LHP truyền hình Hàn Quốc, tôi thấy có nhiều bài học mà chúng ta có thể học tập. Trước hết là tinh thần cầu tiến, không bao giờ tự hài lòng, luôn luôn tìm tòi, sáng tạo để không ngừng phát triển của các nhà làm phim Hàn Quốc. Ta đều biết rằng từ mươi năm nay họ đã tạo ra một “Làn sóng Hàn Quốc” rất mạnh mẽ, thu hút hàng triệu trái tim khán giả ở nhiều quốc gia, châu lục từ Á sang Âu và Mỹ La Tinh, gây nên những cơn sốt phim Hàn Quốc, âm nhạc Hàn Quốc, “sao” Hàn Quốc. Thế mà chính họ cũng không ngại ngần nói ra, thậm chí tranh luận gay gắt với nhau, về những yếu kém, những cái dở của phim Hàn Quốc. Với tinh thần cầu tiến như vậy, cộng với những chủ trương mang tính chiến lược về quảng bá văn hóa Hàn Quốc, thì tôi tin chắc rằng sự tác động của “Làn sóng Hàn Quốc” sẽ tiếp tục lan tỏa và có tính bền vững, chứ không phải là những ham thích nhất thời của khán giả.

Thứ hai, là trình độ tổ chức sự kiện rất chuyên nghiệp của các nhà chuyên môn. Như tôi đã nói, cùng một lúc họ tổ chức nhiều sự kiện, sự kiện nào cũng hấp dẫn, để tạo sức mạnh thu hút đông đảo khách du lịch. Có khách du lịch tới thì tăng thu nhập cho nhiều ngành của thành phố, đem lại lợi ích kinh tế rõ rệt. Tất nhiên để làm được như vậy cần có chủ trương của lãnh đạo thành phố và sự phối kết hợp của nhiều ngành nghề khác, chứ họ không để cho các nhà tổ chức Liên hoan phim “bơi” một mình. Tôi lại liên tưởng đến ở ta, liên hoan điện ảnh thì điện ảnh lo, liên hoan sân khấu thì sân khấu làm, mà cũng chỉ người trong giới “liên hoan” với nhau, còn đối với người dân - chính là những người tiêu thụ sản phẩm của họ, thì hoàn toàn bị đặt ngoài cuộc, thế cho nên liên hoan nghệ thuật nào ở ta cũng buồn tẻ, chẳng làm nên sự kiện xã hội, trừ khi có “xì căng đan” gì đó báo chí đưa lên thì dân chúng mới hay.

Ở Liên hoan phim truyền hình Hàn Quốc tôi cũng “vui lây” khi chứng kiến cảnh các fan đã thể hiện rất cuồng nhiệt sự ngưỡng mộ đối với các “sao”. Buổi trao giải thưởng cho các nghệ sỹ diễn ra tại Trung tâm Văn hóa và Nghệ thuật của tỉnh Gyeongsangnam vào tối mồng 2 tháng 10. Vào lúc 6 giờ chiều, khi các nghệ sỹ vừa tới thì thật không may trời đổ mưa. Vậy mà các fan hâm mộ vẫn mặc áo mưa đứng chật trước cổng vào Trung tâm để được nhìn thấy tận mắt các “thần tượng” của mình. Buổi trao giải có bán vé, khán phòng chật ních, hàng trăm người phải đội mưa đứng ở ngoài Trung tâm theo dõi buổi lễ qua một màn hình lớn. Còn ở trong hội trường, sân khấu thật rực rỡ và hoành tráng. Mỗi khi tên diễn viên được xướng lên và lên sân khấu để nhận giải thì cũng là lúc hàng trăm thanh thiếu niên gọi tên họ một cách cuồng nhiệt... Tôi nghĩ các diễn viên Hàn Quốc thật hạnh phúc khi được yêu mến như vậy. Việc bán vé cho người dân được vào chứng kiến những giây phút tôn vinh nghệ sỹ như vậy vừa đem lại cho các nhà tổ chức một nguồn thu không nhỏ, nhưng theo tôi cái được lớn hơn rất nhiều là sự động viên tinh thần vô giá đối với các nghệ sỹ. Vậy sao ở ta không làm được? Tôi đã nhiều lần chứng kiến các hội diễn, liên hoan sân khấu của ta, chỉ các đoàn dự thi xem với nhau, thực tế cũng chả có mấy ai đến xem, khán phòng trống hơ trống hoác, vì thế nghệ sỹ biểu diễn cũng thiếu hứng thú, khán giả cũng không có cơ hội chứng kiến những giây phút tôi vinh nghệ sỹ.

Liên hoan phim truyền hình Hàn Quốc được tổ chức đều đặn hàng năm ở Jinju là dịp bình chọn, trao giải cho các “ngôi sao” trẻ, mới, mang lại cho họ cơ hội được đóng góp nhiều hơn cho ngành sản xuất phim truyền hình rất phát đạt của Hàn Quốc, chính lớp lớp “ngôi sao” mới sẽ mang lại cho các bộ phim sự mới mẻ và trẻ trung.

Nói chuyện người để ngẫm đến ta, trên tinh thần là học hỏi, chứ không phải là sự so sánh khập khiễng. Tôi cũng rất muốn hy vọng rằng trình độ tổ chức các sự kiện của chúng ta sẽ ngày càng chuyên nghiệp hơn, với điều kiện kinh phí còn hạn chế của chúng ta thì điều trước hết có thể làm được là cần cẩn trọng hơn, chu đáo hơn, bớt làm ẩu, làm đại khái và dễ dãi với chính mình.  

PGS. TS. Lê Thị Hoài Phương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link