18/11/2014 15:30 GMT+7 | Di sản
(Thethaovanhoa.vn) - Được giải phóng khỏi chức năng giao thông, Long Biên trong tương lai sẽ trở thành một cây cầu đi bộ nối liền đôi bờ sông Hồng. Thế nhưng, cây cầu sắt hoen gỉ dài gần 2.000 mét ấy cần được xử lý thế nào để trở thành một không gian văn hóa đích thực và thu hút du khách đặt chân lên nó?
Trước đó, đã có những ý tưởng nhắc tới việc tổ chức trưng bày triển lãm, mở các quầy dịch vụ và lưu niệm trên cầu Long Biên, hoặc thiết thực hơn là dựng lại những nhịp cầu bị sập để đưa Long Biên về hình dáng cũ. 28 tuổi, từng nhận giải nhất trong cuộc thi Đánh thức không gian của Hội đồng Anh với ý tưởng Cầu Long Biên ngày và đêm, KTS Lại Thành Tín chia sẻ quan điểm của mình với Thể thao & Văn hóa Cuối tuần.
* Một cầu đi bộ Long Biên lý tưởng trong tương lai sẽ có hình dáng thế nào, theo anh?
- Đường sắt cũ sẽ được thay bằng đường bộ, có thể là đường nhựa hoặc lát ván gỗ. Hai làn đường nhựa bên cạnh vốn đã rất cũ và nhiều chỗ phải chắp vá, được ngăn cách với đường sắt bằng hàng rào sắt an toàn, nay sẽ được dỡ bỏ hàng rào. Những trụ cầu, nhịp dầm đã quá yếu cần gia cố thêm theo hướng tôn trọng nguyên bản tối đa. Tất cả chỉ có vậy.
Tôi không tán thành, thậm chí cực lực phản đối ý tưởng đưa lên đây những gian hàng lưu niệm, quán cà phê, hay thậm chí là biến nó thành một bảo tàng đương đại. Đừng áp đặt cho Long Biên những chức năng phát sinh như vậy nữa. Bởi, chỉ riêng sự tồn tại của một cây cầu đi bộ công cộng đã có giá trị và ý nghĩa rất lớn, khi Hà Nội trong tương lai rất cần những không gian như thế.
* Nhưng, cái mà nhiều người lo ngại là Long Biên sẽ trở thành một cây cầu chết khi không còn tàu hỏa chạy qua. Bởi, nếu không có gì hấp dẫn, rất khó để du khách bỏ công đi hết chiều dài gần 2.000 mét của cây cầu...
- Nếu tới Long Biên và quan sát kỹ, bạn sẽ thấy mỗi ngày vẫn có một lượng đều đặn người đi bộ qua đây, đặc biệt là các du khách nước ngoài. Bản thân, vị trí đặc biệt và bề dày văn hóa, lịch sử của Long Biên đã đủ hấp dẫn những người quan tâm tìm tới nó. Còn lại, chúng ta đừng hy vọng việc khoác thêm cho Long Biên chức năng này kia sẽ xóa đi căn bệnh lười đi bộ của những người không quan tâm. Chưa kể, cá nhân tôi cho rằng Long Biên không cần phải thu hút thêm thật đông những người trẻ vốn vô tâm và thiếu ý thức công cộng làm gì...
Muốn tăng thêm giá trị cho cầu Long Biên, vấn đề cần giải quyết nằm ở không gian hai bên đầu cầu. Khi có những điểm nhấn hấp dẫn, tự du khách sẽ có nhu cầu đi bộ hoặc đạp xe vượt khoảng cách 2.000 mét ấy. Và đây lại là một vấn đề khác, bởi chúng ta cần một quy hoạch dài hơi và nghiêm túc - điều gần như không thấy trong đô thị bây giờ.
Chẳng hạn, tôi rất tiếc vì chúng ta không biết khai thác khu vực chợ đầu mối Long Biên ở đầu cầu phía Tây, mà luôn để nó trong tình trạng nhếch nhác, mất vệ sinh như vậy. Tại những nước như Hàn Quốc và Thái Lan, chợ đầu mối luôn là những điểm đến có sức hấp dẫn du khách rất cao. Ngược lại, không gian phía Đông của cầu Long Biên hoàn toàn có thể được quy hoạch để trở thành một công viên xanh, một không gian sáng tạo hoặc một điểm văn hóa công cộng nào đó. Làm được những điều ấy, sẽ rất nhiều người có nhu cầu tới Long Biên sau một ngày mệt mỏi để đạp xe, ngắm cảnh, hít thở không khí trong lành...
* Hẳn, đó cũng là lý do để trong ý tưởng Long Biên ngày và đêm, anh đề nghị không dựng lại những nhịp cầu đã sập. Thay vào đó, một hệ thống thiết bị ánh sáng sẽ hoạt động vào ban đêm, để tái hiện lại những nhịp cầu đã mất trên nền không gian của cây cầu này...
- Sự tiếp biến của lịch sử đã để lại cho chúng ta một Long Biên như hiện tại, vậy tại sao phải cố gắng can thiệp để xây thêm và bắt nó “nhái” lại hình dạng của một cây cầu trong quá khứ? Nhịp cầu mới được dựng, con cháu chúng ta không còn nhìn thấy sự thiếu hụt của cây cầu để thắc mắc, để tự tìm kiếm câu trả lời cho mình về một Long Biên thần kỳ đã nối liền và thông xe chỉ trong 2 ngày - sau khi bị gãy đôi vì bom Mỹ trong 12 ngày đêm lịch sử năm 1972. Khi đưa ra ý tưởng ấy, chúng tôi muốn có sự đối xứng giữa ngày và đêm, giữa được và mất, giữa quá khứ và tương lai. giữa bản sắc và hội nhập, giữa công nghệ mới và cũ.
Quan điểm của một KTS trẻ như tôi khá đơn giản: sự thay đổi của thời gian có thể để lại cho chúng ta những di sản dở dang về chức năng và kiến trúc, như trường hợp Long Biên. Nhưng, sự dở dang ấy không thể chấm dứt bằng những áp đặt thô bạo để xóa đi làm lại từ đầu. Bởi, chiều dài của thời gian và lịch sử đã khiến các di sản ấy mang theo phần hồn, với những lớp giá trị rất dày về văn hóa. Bảo tồn tốt, nghiên cứu cẩn thận và từng bước, từng bước có những cách tiếp cận phù hợp để tôn vinh phần hồn phi vật thể là cách làm về lâu dài.
Xin kể thêm một câu chuyện về Long Biên. Sau khi đoạt giải, Hội đồng Anh và nhóm tác giả chúng tôi đã có những cuộc gặp với đại diện thành phố Hà Nội để bảo vệ và kêu gọi đầu tư Cầu Long Biên ngày và đêm. Mọi thứ vẫn dừng lại ở ý tưởng, bởi kinh phí đầu tư 5 triệu USD được cho là quá lớn. Khi ấy, một nhà đầu tư xuất hiện. Họ muốn hỗ trợ thực hiện ý tưởng, dù ở chất lượng thấp hơn về công nghệ, với điều kiện được đổi lại bằng cách đặt những biển quảng cáo đèn màu dọc cây cầu. Chúng tôi đành từ chối, bởi không chấp nhận cách tư duy ngắn hạn như thế...
* Nhưng, anh có nghĩ rằng việc bảo tồn di sản đô thị cũng cần gắn với sự chọn lọc không? Ta có thể lấy trường hợp xóa sổ thương xá Tax tại TP.HCM là ví dụ điển hình. Bên cạnh sự tiếc nuối chung, vẫn có những ý kiến cho rằng đây là một kiến trúc không đẹp, không điển hình và cũng không cần giữ...
- Trường hợp thương xá Tax, nói ngắn gọn, tôi thấy đó là một quyết định 100% sai lầm. Chưa bàn tới kiến trúc, những tiểu thương tại đây đã hình thành một cộng đồng trong suốt hàng chục năm, với một văn hóa riêng và những đặc điểm riêng. Xóa đi lớp văn hóa ấy là xóa đi phần hồn đã có của thương xá Tax - lớp giá trị không thể bù đắp lại được so với việc xuất hiện một công trình mới.
Việc lựa chọn, phân tích giá trị của các kiến trúc cũ luôn cần tới sự đánh giá từ một đội ngũ các chuyên gia. Vậy nhưng, điều đáng ngạc nhiên là các quyết định của chúng ta luôn được đưa ra một cách chủ quan và thiếu hụt sự tham vấn từ giới chuyên môn ấy. Và, xin nói thẳng, những quyết định như vậy hầu hết đều bị chi phối bởi tư duy chụp giật ngắn hạn mà thiếu đi một sự kiên nhẫn về lâu dài. Cũng giống như chúng ta xây cây cầu Long Biên mới và đơn thuần chỉ muốn cây cầu cũ trở thành một cây cầu đi bộ, mà không nghĩ tới việc chuẩn bị những không gian chức năng phù hợp với công năng mới của một cây cầu bộ hành trong thành phố.
* Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.
Cúc Đường (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất