Phim Việt chiếu rạp năm 2015: Nói kiểu gì cũng được

01/01/2016 14:16 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Nhìn lại 15 năm đầu của thế kỷ 21, chỉ đến năm 2015 thì phim Việt chiếu rạp mới đạt đến trạng huống khá thú vị, đó là “nói kiểu gì cũng được”, tùy góc nhìn. Một trong những lý do chính yếu để đạt đến trạng huống này là số lượng phim đã nhiều và đa dạng hơn, có thể phân loại để nói.

Nếu năm 2007 phim Việt chiếu rạp chỉ dừng lại ở giấc mơ tưởng chừng bất khả là đạt được 20% số phim ra rạp. Khi thảo luận về dự thảo Luật Điện ảnh cuối tháng 5/2009, nhiều đại biểu đã đề nghị con số là 30%. Đến nay thì những quy định cụ thể như thế này đã ít tác dụng, vì so với 160 phim nhập khẩu, năm 2015, Việt Nam đã sản xuất hơn 40 phim. Và, cho dù Nhà nước có quy định hoặc không, thì con số này còn tăng mạnh, do hệ thống rạp chiếu, các nhà sản xuất tư nhân mọc lên như nấm sau mưa.

Năm 2016 dự kiến có hơn 50 phim được hoàn tất, hoặc khởi động, trung bình mỗi tuần một phim Việt ra rạp.

Phim “tử tế” đánh bật phim rẻ tiền

Tùy điểm nhìn mà phim Việt chiếu rạp năm 2015 có ít hay nhiều phim nổi trội, nhưng rõ ràng đã có. Chúng ta có thể kể những phim thiên về sáng tạo như Căn phòng của mẹ, Đập cánh giữa không trung, Cha và con và…, Nước 2030; thiên về tâm lý - ngôn tình - thanh xuân như Dịu dàng, Chàng trai năm ấy, 12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy, Yêu, Em là bà nội của anh…; thiên về hài hước như Trúng số, Lật mặt, Ma dai…; thiên về cảm hứng sử thi như Người trở về, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh…


Phim "Số nhọ" (tức Hay không bằng hên) vẫn mang hơi hướng tào lao

Ở đây cũng cần kể thêm các phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, Lửa Thiện Nhân… đã tạo được dấu ấn khá tốt với người xem.

Nếu hiện tượng 2015 phản ánh đúng xu thế phát triển thì có thể nói phim tử tế đang đánh bật phim rẻ tiền, nhảm nhí ra khỏi dòng chảy chung. Không chỉ ở khía cạnh giải thưởng, truyền thông, báo chí, mà còn ở cả chuyện bán vé.

Troy Lê là một đại diện cho kiểu làm phim “hậu mì ăn liền”, khi các hãng phim của nhà sản xuất này đã tung ra một số phim nhưng chẳng có tác động tích cực gì. Gần đây nhất là phim Số nhọ, ngay ngày công chiếu báo chí thì bị Cục Điện ảnh “rút phép thông công”, buộc phim phải cắt bỏ, chỉnh sửa rất nhiều chỗ; rồi phải đổi tên thành Hay không bằng hên. Thế nhưng sau đó ra rạp vẫn chìm nghỉm, vì phim vẫn mang hơi hướng tào lao, khán giả không thèm xem.

Nếu xét về nghề, hai phim thật sự nổi trội, được giới làm nghề kỳ vọng, đó là 12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạyYêu đều không mấy thành công về việc bán vé. Trong vô vàn lý do của sự thất bại, chắc chắn có việc phim đã quá tô hồng về hiện thực, nơi cuộc sống như là mơ, cái gì cũng thành hiện thực dễ dàng, mà quên đi ngoài kia còn quá nhiều khó khăn, đau khổ. Nó cũng giống như món ăn ngon, do một đầu bếp lành nghề chế biến, nhưng chỉ không hợp khẩu vị mà thôi.

Phim Em là bà nội của anh cũng đi theo lối này nhưng “thoát hiểm” phút chót, vì đến nửa phim nó đã liên nối được với thực tế đời sống (dù khá mơ hồ). Chỉ một chút thực tế ấy thôi đã giúp phim hợp khẩu vị, đến nay đã thu về khoảng 60 tỷ đồng tiền bán vé; điều này cũng chứng tỏ sự sòng phẳng, nhạy cảm của khán giả.

Tất nhiên không thể phủ nhận sức mạnh quảng bá của CJ Entertainment và hệ thống rạp CGV khá áp đảo, họ đã đầu tư khoảng 400 ngàn USD (hơn 8,5 tỷ đồng, tương đương toàn bộ kinh phí của nhiều phim Việt hạng khá) cho riêng truyền thông. Một phim tình cảm - thanh xuân mà có tổng kinh phí đầu tư khoảng 1,1 triệu USD đồng là điều mà các “đối thủ” sản xuất tại Việt Nam chưa dám nghĩ đến. Cho nên, nổi trội thì nội trội, nhưng thiếu truyền thông đúng mức cũng dễ “bị lội”.

Một điểm nổi trội khác, đó là hồi tháng 9/2015, trong dự thảo Thông tư sửa đổi quy chế thẩm định và cấp phép phổ biến phim ở Việt Nam, phía cơ quan quản lý đã trình bảng phân loại phim gồm 4 mức độ, trong đó có cả phim 18+. Nếu dự luật này sớm được thông qua, phim Việt chiếu rạp sẽ thêm rộng đường để sản xuất, phân loại, trình chiếu… Thời gian qua có nhiều phim nhập bị cắt bỏ nhiều đoạn và nhiều phim nội bị dán nhãn 16+ hơi khiên cưỡng, mà không dán cũng không được.


Những phim nghiêm túc và hút khách như "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" không chỉ là mong ước, mà còn là lối thoát, là bản sắc cần xây dựng của phim Việt chiếu rạp trong tương lai

Chưa nhiều nhưng đã... khủng hoảng thừa?

Nhìn lại năm 2015, rõ ràng đã xuất hiện tình trạng khủng hoảng thừa, dù số lượng phim Việt sản xuất chưa thật nhiều.

Một so sánh nhỏ, ví dụ như đất nước Nigeria ở Tây Phi, với diện tích gấp ba và dân số gấp đôi Việt Nam, mỗi năm họ (nền điện ảnh Nollywood) sản xuất khoảng 2.400 bộ phim các thể loại, nhiều hơn Mỹ, chỉ xếp sau Ấn Độ.

Một nền điện ảnh vững vàng về số lượng thì phải có ít nhất mỗi tuần một phim ra rạp, còn muốn cạnh tranh được thì phải có hai phim một tuần. Từ trong quá khứ, giai đoạn 1990 đến 1994, mỗi năm Campuchia đã có hàng trăm bộ phim nội địa được phát hành.

Dù ít như vậy nhưng đã xuất hiện tình trạng né tránh không cần thiết, có phim như Liên minh huyền thoại (ĐD: Đinh Thái Thụy - Phạm Văn Hải) né một hồi thì “bay ra khỏi” lịch chiếu của năm 2015.

Một điều đáng lưu ý nữa, khi phần lớn hệ thống rạp chiếu phim hiện nay đang do nước ngoài (chủ yếu Hàn Quốc) điều phối, thì tình trạng “thắt nút cổ chai” trong một vài dịp nào đó vẫn diễn ra. Ví dụ như việc tranh giành nhau ra rạp dịp lễ lớn; hay như việc bất ngờ tung dự án sản xuất phim Tết. Để bảo đảm bí mật kinh doanh là cần thiết, nhưng việc sản xuất một bộ phim (với đông người, nhiều bộ phận) thì việc giấu giếm rất khó, đôi khi vô nghĩa. Tại sao không đường đường chính chính làm một phim bài bản, đúng lộ trình? Chính tình trạng này đã đẩy một số phim vào việc chụp giật, cẩu thả, nhảm nhí…

Với tỷ lệ khoảng 10/40 phim có chất lượng phù hợp với hoàn cảnh phim ảnh của Việt Nam, rồi ít phim nhảm nhí, thảm họa… xuất hiện, có thể nói phim chiếu rạp Việt Nam năm 2015 đang khởi sắc.

Thế nhưng cũng cần thẳng thắn với khoảng 10/40 phim chụp giật còn lại rằng hãy có một thái độ cầu thị, tử tế hơn trước khi hy vọng kiếm chác chút danh - lợi - tình từ việc làm phim vốn gian lao, tốn kém. Các nhà phát hành quốc tế tại Việt Nam và hệ thống rạp chiếu hùng hậu của họ sẽ không nương tay khi loại bỏ những phim không bán được vé ra khỏi hệ thống chỉ sau một vài ngày sáng đèn.

Hiện tại và tương lai chắc chắn Việt Nam sẽ còn nhiều phim không bán được vé, nhưng trong đó vẫn có những phim sẽ nhận về sự ngưỡng mộ từ đồng nghiệp, giới làm nghề và cả hệ thống rạp. Đơn cử như khi Đập cánh giữa không trung, hay sắp tới đây là Cha và con và…, việc thu hút nhiều vé sẽ rất khó, nhưng hệ thống rạp vẫn dành cho họ cái nhìn trọng thị.

Hỡi các nhà sản xuất và đầu tư, hãy thôi biến mình thành kẻ thừa thãi trong việc bán vé, trong nghệ thuật phim ảnh và trong lòng người xem, giới làm nghề. Khủng hoảng thừa, sợ nhất là ở tư duy và cách làm theo hướng này.

Năm 2016: mỗi tuần một phim Việt

Nhiều phim của năm 2016 đã lộ diện từ năm 2015, như Status (ĐD: Victor Vũ), Truy sát (ĐD: Cường Ngô), Tấm Cám: Chuyện chưa kể (ĐD: Ngô Thanh Vân), Siêu trộm (ĐD: Hàm Trần), Fan cuồng (ĐD: Charlie Nguyễn), Mặt nạ (ĐD: Đỗ Thành An), Bao giờ có yêu nhau (ĐD: Dustin Nguyễn), Lộc phát (ĐD: Lê Bảo Trung), Yêu là phải xài chiêu (ĐD: Khương Ngọc - Ngọc Hùng), Tía tui là cao thủ (ĐD: NSND Trần Ngọc Giàu), Taxi, em là ai? (ĐD: NSƯT Đức Thịnh - Đinh Tuấn Vũ), Điệp vụ chân dài (ĐD: Nguyễn Quang Tuyến), Gái già lắm chiêu (ĐD: Bảo Nhân - Nam Cito), Điệp vụ 3 lờ (ĐD: Trần Hà Sơn), Vệ sĩ, tiểu thư và thằng khờ (ĐD: Việt Anh - Nguyễn Thu), Ma lai (ĐD: Đinh Thái Thụy - dự kiến), Vòng eo 56 (ĐD: Vũ Ngọc Đãng)…

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link